Tương đối hay tuyệt đối
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa- Thứ trưởng Bộ NNPTNT, tiêu chí về thu nhập cũ theo Quyết định 491 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng NTM có nhiều hạn chế. Đó là, mức thu nhập đạt chuẩn theo số tuyệt đối cụ thể sẽ khó áp dụng được lâu dài, bởi ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nhất là lạm phát; thiếu căn cứ thuyết phục để xác định mức giá trị đạt chuẩn.
|
Nên đưa ra tiêu chí thu nhập một cách tương đối hay tuyệt đối vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. |
Do đó, Bộ NNPTNT đã đề xuất sửa đổi tiêu chí thu nhập theo 2 phương án: Phương án 1, mức đạt chuẩn về thu nhập so sánh với thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng hệ số so sánh được điều chỉnh cho phù hợp với từng khu vực, đảm bảo không thấp hơn mức bình quân tối thiểu. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ được điều chỉnh hệ số cao nhất là 1,5 lần; thấp nhất là trung du miền núi phía Bắc 1,2 lần. Phương án 2, mức đạt chuẩn về thu nhập so sánh với bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh với hệ số so sánh thống nhất chung cho tất cả các vùng là 1,4 lần.
Ông Nguyễn Đăng Khoa- Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Theo phương pháp tính mới này, chúng ta tôn trọng tiêu chí tính tương đối so với bình quân, có tính đến mức sàn tối thiểu”. Về vấn đề này, ông Đặng Đình Bình- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình cho rằng: “Điều quan trọng nhất là phải xác định được mức thu nhập tối thiểu của từng vùng. Nếu không xác định được chính xác, có số tương đối đưa ra sẽ là vô nghĩa. Hơn nữa, nhược điểm của cách tính tương đối này là nông dân không biết tỷ lệ như thế nào, vì đây là một con số trừu tượng”. Tuy nhiên, ông Bình cũng công nhận rằng nếu tính theo con số tuyệt đối, các xã đạt rồi sẽ không còn động lực để phấn đấu nữa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hà- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Bình thì cho rằng: “Quan trọng là cách tính phải thay đổi như thế nào cho chính xác, cách tính cũng phải đơn giản, dễ hiểu”.
Phải có một con số thu nhập cụ thể
Không đồng tình với cách tính thu nhập tương đối theo đề xuất của Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Ngọc Thanh- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: “Chúng ta phải có một con số tuyệt đối, như thế mới có số so sánh giữa các vùng được chính xác hơn và các xã biết để phấn đấu mình phải đạt được mức thu nhập bao nhiêu mới là xã NTM”.
Ông Thanh cũng cho rằng, chúng ta không lo yếu tố lạm phát ảnh hưởng đến cách tính này, vì có thể điều chỉnh theo chỉ số CPI hàng năm của Tổng cục Thống kê. Một số ý kiến cũng đề xuất, cần phải công bố con số cụ thể theo từng giai đoạn, chứ không nên thay đổi mỗi năm 1 lần, các xã sẽ rất vất vả trong việc điều chỉnh tiêu chí. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Nghị- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng cách tính tuyệt đối sẽ được điều chỉnh theo chỉ số CPI khoảng 3 năm 1 lần là vừa, vì nếu mỗi năm điều chỉnh 1 lần sẽ rất vất vả, còn để 5 năm lại là quá dài.
“Chúng ta quá chậm trong việc ban hành Quy định xét quy trình công nhận xã NTM. Do đó, thời gian tới, cần phải ban hành ngay quy định này, vì trên thực tế đã có nhiều địa phương tự công bố xã NTM”.
Ông Hồ Xuân Hùng
Nhiều ý kiến cũng lập luận, nếu chúng ta tính theo hệ số cụ thể, thì sẽ có ít nhất 40% số xã không bao giờ đạt được NTM, bởi khi có nhiều xã đạt NTM rồi, con số bình quân tối thiểu cũng sẽ được nâng lên cao hơn.
Ông Hồ Xuân Hùng- nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT phân tích: “Việc công bố con số tuyệt đối là khó khả thi, vì nếu chúng ta công bố một con số thấp, sẽ trái Nghị quyết của Đảng, rồi quốc tế họ nghĩ gì. Còn nếu công bố con số cao quá, các địa phương họ sẽ lại phản ứng, vì không thể phấn đấu”. Theo ông Hùng, xây dựng NTM không phải là “mì ăn liền”, muốn là có ngay được, mà cần phải từ từ, kể cả 8 tháng sau mới có con số của ngành thống kê để công bố xã NTM vẫn được.
Đại diện của Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, chúng ta sửa đổi tiêu chí thu nhập nhưng không nên rũ rối ra để xây dựng lại, mà cần dựa trên sườn của Quyết định 491.
Ngọc Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.