Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (ảnh VPQH).
Sáng nay (14.6), góp ý vào dự thảo Luật CAND sửa đổi, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) có phát biểu đáng chú ý. Mở đầu bài phát biểu, đại biểu Cầu cho rằng, Bộ Công an là đơn vị đi tiên phong trong việc bỏ cấp trung gian là tổng cục. Từ 126 cục hiện nay còn 60 cục; sáp nhập 20 đơn vị Cảnh sát phòng cháy chữa cháy vào Công an các tỉnh; từ 19 trường còn 9 trường.
Vẫn theo đại biểu Cầu, trong thời gian ngắn Bộ Công an đã khẩn trương chuẩn bị dự án Luật CAND (sửa đổi) để trình Quốc hội, ông cho là đầy đủ và thuyết phục. Đây cũng là dự án Luật đầu tiên mà Quốc hội nghiên cứu khi Bộ Công an tiến hành kiện toàn bộ máy. "Tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội vừa hết sức thận trọng, cân nhắc, chắc chắn và chặt chẽ nhưng cũng vừa động viên, khích lệ, ủng hộ để tạo sự lan tỏa cho các bộ, ngành khác tiếp tục công việc rất nhạy cảm và khó khăn (sắp xếp tổ chức lại bộ máy -PV)", đại biểu Cầu bày tỏ.
Góp ý trực tiếp vào quy định trong dự thảo Luật về quy định cấp bậc hàm cao nhất là tướng cho giám đốc công an các tỉnh loại 1, theo đại biểu Cầu, hiện Đảng và Nhà nước đang cho phép số lượng tướng Công an là 205 tướng, bên Bộ Quốc phòng 405 tướng.
Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là không làm tăng thêm cấp hàm cấp tướng. Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị chỉ rõ, đặc biệt quan tâm đề xuất áp dụng áp dụng cơ chế chính sách với những người chịu sự tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp bộ máy. Theo quy định hiện hành, giám đốc Công an tỉnh là chức vụ tương đương cấp Cục trưởng, được quy hoạch và đề bạt trực tiếp lên Thứ trưởng. Các Cục trưởng muốn lên Thứ trưởng cần được luân chuyển về địa phương trọng điểm phức tạp để đào tạo theo quy định của Đảng ít nhất 3 năm . Nếu hai cấp bậc hàm này vênh nhau quá lớn sẽ khó thực hiện việc luân chuyển và không hợp lý về chế độ chính sách", đại biểu Cầu nêu.
Theo vị Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An này, trong số 205 vị trí có cấp hàm tướng của lực lượng Công an, trước đây với 8 tổng cục, 216 đầu mối, nay chỉ còn 60 đầu mối thì số lượng cấp tướng bố trí ở cấp Bộ, ở Công an TP. Hà Nội và TP. HCM không hết được.
Vẫn theo đại biểu Cầu, quân số Công an của các tỉnh loại 1 phổ biến khoảng 4.000 - 5.000 quân, sắp tới 80% lực lượng Công an Nhân dân chuyển về cấp tỉnh theo hướng Bộ tinh, tỉnh mạnh thì quân số sẽ tăng thêm nhiều. Thực tiễn cũng chỉ rõ công việc của Công an các tỉnh thành loại 1 rất nặng nề phải chịu trách nhiệm trước Bộ Công an và cấp ủy địa phương về công tác đảm bảo an ninh trật tự.
"Có một số đại biểu phân vân giữa cấp hàm tướng của giám đốc Công an tỉnh với Chỉ huy Quân sự tỉnh (Đại tá), xét trên bình diện tổ chức lực lượng CAND chỉ có thể tổ chức theo cấp hành chính từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã không có cấp quân chủng, binh chủng, quân khu. Đây là một đặc điểm khác biệt giữa CAND và Quân đội Nhân dân trong tổ chức lực lượng chiến đấu, cho nên cần phải lưu ý để thực hiện chế độ chính sách. Còn khi chiến tranh xảy ra ai là người được giao nhiệm vụ chỉ huy thì là thủ trưởng, là cấp trên, tất cả mọi người phải chấp hành mệnh lệnh", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói và nhấn mạnh thêm, cấp bậc hàm không chỉ mang ý nghĩa phân biệt cấp trên, cấp dưới trong lực lượng vũ trang mà bản chất là tiền lương.
"Đã là tiền lương thì phải phân phối theo công sức lao động. Tôi ủng hộ phương án quy định giám đốc Công an các tỉnh, thành phố loại 1 có cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng. Chính sách này không chỉ đúng với bản chất của tiền lương mà còn tạo thuận lợi cho sự luân chuyển đào tạo lãnh đạo trong CAND tại một số địa bàn trọng điểm theo chủ trương của Đảng và Nhà nước", đại biểu Cầu nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.