“Suy thoái kinh tế, đương nhiên người dân khó khăn”

Thứ năm, ngày 13/06/2013 18:53 PM (GMT+7)
Dân Việt - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Phạm Thị Hải Chuyền đã khẳng định như vậy trong buổi chất vấn trước Quốc hội chiều nay (13.6) trước một câu "hỏi xoáy" từ ĐBQH.
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền đã nhận được 14 chất vấn của đại biểu và 22 kiến nghị của cử tri. 

img
Bà Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: Tiền Phong.

Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo và thóat nghèo; các vấn đề nổi cộm của xuất khẩu lao động như nhiều lao động xuất khẩu có phép, có tổ chức nhưng cũng nhiều người tự xuất khẩu, xuất khẩu chui gây hậu quả không tốt cho công tác đối ngoại cũng như việc quản lý lao động; các chính sách đối với người có công, người nhiễm chất độc da cam, chính sách thì có nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đặt câu hỏi: Tại cuộc họp giải trình ngày 14.5, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Theo chuyên gia kinh tế tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế không ảnh hưởng đến người nghèo?”. Bộ trưởng nhận định thế nào về ý kiến này?”.

Trước câu hỏi khá “xoáy”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định ngay: “Đây chỉ là ý kiến riêng của Thứ trưởng đó chứ không phải ý kiến của Bộ. Bộ nhận định tình hình kinh tế suy thoái thì đời sống người dân nói chung đều bị ảnh hưởng, đối với một bộ phận thực sự rất khó khăn. Tuy nhiên, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo như hỗ trợ vay vốn, học nghề, khám chữa bệnh, học tập… cũng đã hạn chế được phần nào khó khăn cho người nghèo”

Cụ thể, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết thêm: Để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào ở các vùng khó khăn, Nhà nước đã có chính sách đưa lao động ở các huyện nghèo đi lao động ở nước ngoài.

Tuy nhiên, đại biểu Lý Kiều Vân (Quảng Trị) cho biết, tuy chính sách về xuất khẩu lao động các huyện nghèo là rất tốt, nhưng có nhiều lao động đã làm hồ sơ mà vẫn phải chờ đợi chưa được đi xuất khẩu, lại có nhiều người lao động phải về nước sớm trước thời hạn. Trong khi đó, họ đã phải vay ngân hàng một số tiền khá lớn để làm các thủ tục đi nước ngòai, vì thế, việc chậm chễ đi xuất khẩu hay về nước sớm khiến họ không có tiền để chi trả ngân hàng, chưa nói đến việc kiếm được tiền, xóa nghèo?

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hiện nay đã có hơn 12.000 lao động ở các huyện nghèo được học nghề, học tiếng, học phong tục tập quán để đi xuất khẩu lao động, trong đó khoảng hơn 10.000 lao động đã được đi xuất khẩu.

Tuy nhiên, đã có hiện tượng người lao động về nước sớm. Bộ trưởng đã tìm hiểu vấn đề này và nhận thấy, những người dân ở huyện nghèo có ý thức lao động kém, sức chịu đựng vất vả, khó khăn cũng chưa tốt nên không chịu tuân thủ kỷ luật lao động, tự do vô tổ chức...Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể như các doanh nghiệp tại Malaysia, đã rất phàn nàn.

Vì thế, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, tới đây Bộ sẽ tham mưu cho các ban ngành, doanh nghiệp trước khi cho lao động đi xuất khẩu cần hướng dẫn kỹ cho lao động các khó khăn nơi mình đến. Để lao động hiểu, ra nước ngòai làm việc là làm việc phải thực sự nghiêm túc, chấp hành kỷ luật khắt khe, quy định ngặt nghèo chứ không phải tùy tiện, thích thì làm, mệt thì nghỉ như làm nông ở quê nhà.

Tuy nhiên, câu trả lời của Bộ trưởng bị đánh giá là chưa thật sát với câu hỏi của đại biểu Kiều Vân.

Ngoài ra, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Đoàn Hòa Bình) cũng quan tâm đến đời sống của các hộ dân nghèo vùng hậu Thủy điện Hòa Bình, nơi người dân đã phải nhường đất canh tác cho thủy điện nhưng hiện nay vẫn chưa được hỗ trợ tốt, đời sống còn khó khăn.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng thừa nhận, chính sách Nhà nước đã có nhiều ưu tiên cho đồng bào tái định cư nói chung và đồng bào ở Thủy điện Hòa Bình nói riêng, cụ thể như đào tạo nghề, cho vay vốn...

Tuy nhiên các chính sách này còn khiêm tốn so với nhu cầu của bà con. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ khó khăn của người dân khi có mấy sào ruộng ở vùng thấp để canh tác nay lại phải nhường lại cho thủy điện, người dân mất đất, không có nghề hoặc không kiếm được việc làm nên cuộc sống còn khó khăn. Thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ và các ban ngành các chính sách tích cực hơn cho bà con các vùng tái định cư này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem