Bệnh nhân là anh H.Q.H (22 tuổi), bị hẹp bao quy đầu từ lúc mới sinh. Anh có đến khám và làm thủ thuật cắt bao quy đầu ở một phòng khám tư nhân tại Hà Nội. Sau khi thực hiện thủ thuật, quy đầu sưng nề nhiều, dịch và máu thấm băng, khiến anh đi lại khó khăn, cảm thấy lo lắng nên anh đã đã tìm đến Bệnh viện Da liễu T.Ư để được thăm khám và chữa trị.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết khi đến phòng khám tư, anh được tư vấn cắt bao quy đầu và đóng tiền trước khi làm thủ thuật, nhưng khi đang trong quá trình làm thủ thuật, bệnh nhân được tư vấn đóng thêm lần thứ hai để làm thêm thủ thuật nếu không sẽ bị vô sinh. Tổng số tiền bệnh nhân phải trả cho cả hai thủ thuật này lên đến gần 20 triệu đồng.
Mất 20 triệu nhưng vùng nhạy cảm của bệnh nhân sưng nề, đau đớn. Ảnh minh họa
Bác sĩ Hà Tuấn Minh (Bệnh viện Da liễu T.Ư), người trực tiếp khám cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bị sưng nề vùng cắt bao quy đầu, đi lại khó khăn, máu và dịch vẫn thấm băng. Bác sĩ đã tư vấn bệnh nhân lên Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng của bệnh viện để được điều trị và theo dõi.
Về trường hợp bệnh nhân này, TS. BS. Phạm Cao Kiêm _Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng cho biết, bệnh nhân cần phải được điều trị chống nhiễm khuẩn, chống phù nề và rút dịch giải phóng chèn ép do phù nề.
TS. Kiêm cũng khuyến cáo để tránh bị lừa đảo, tốn tiền và chuốc thêm bệnh tật, người dân không nên đến các cơ sở y tế chui, không được cấp phép để khám và làm các thủ thuật, phẫu thuật. Khi có nhu cầu, người bệnh nên tìm đến các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa, có bác sĩ được phép hành nghề để được tư vấn và làm thủ thuật an toàn, khoa học.
Cùng ngày, Bệnh viện Da liễu T.Ư cũng cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận thêm một ca bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy vào mũi. Bệnh nhân là chị N.T.T., 30 tuổi, ở Hà Nội, đến khám trong tình trạng mũi bị bầm tím, đau tức mũi. Chị T. cho biết, trước đó 4 ngày, chị đã tiêm filler vào vùng mũi bởi một nhân viên Spa (không phải bác sĩ, không phải y tá) ở Hà Nội. Sau khi tiêm vài giờ, bệnh nhân xuất hiện bầm tím vùng đỉnh mũi, đau tức mũi nhẹ. Hôm sau, vết bầm tím lan rộng sang vùng sống mũi, lên góc giữa hai cung mày, tình trạng đau nhức giảm.
Phần mũi bị tổn thương của bệnh nhân. Ảnh BSCC
Qua thăm khám, TS.BS. Nguyễn Hữu Quang (khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng - Bệnh viện Da liễu T.Ư) nhận thấy bệnh nhân bị tắc mạch do chất làm đầy gây tổn thương xuất huyết ở vùng đỉnh, sống mũi và góc giữa hai cung mày. Để điều trị, bác sĩ đã cho bệnh nhân tiêm chất hóa giải filler, giải phóng chèn ép và thông lòng mạch máu, đồng thời sử dụng thuốc giãn mạch, chống huyết khối, và chống phù nề.
"Để làm đẹp, bệnh nhân nên đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu - thẩm mỹ để được các bác sĩ khám và tư vấn các phương pháp làm đẹp an toàn khoa học. Bệnh nhân không nên đến các cơ sở y tế không có bác sĩ chuyên khoa, không có chứng chỉ hành nghề về chuyên ngành thẩm mỹ, không nghe tư vấn thiếu khoa học và đặc biệt là không được để những người không phải bác sĩ thực hiện thủ thuật cho mình nhằm hạn chế các tai biến có thể xảy ra" - TS Khiêm nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.