Tắc biên, mở biển
Những ngày này, ông Trương Quang An - Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (Long An) đang tất bật “đóng” thanh long xuất đi Trung Quốc bằng đường biển qua cảng Cát Lái (TP.HCM). Đi bằng con đường này, theo ông An, không lo phải chịu cảnh ùn ứ như đã từng xảy ra với nhiều xe thanh long những ngày vừa qua tại cửa khẩu Tân Thanh ở Lạng Sơn.
Nhhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đã đưa thanh long sang Trung Quốc bằng đường biển. Ảnh: I.T
Trong 8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thanh long của Trung Quốc đạt 298.000 tấn, trị giá 248 triệu USD, giảm 16,2% về lượng và giảm 7,5% về trị giá. Giá nhập khẩu thanh long bình quân 8 tháng đạt 831,3USD/tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc nhập khẩu quả thanh long chủ yếu từ thị trường Việt Nam với lượng chiếm tới 99,9% tổng lượng nhập khẩu. |
Tại huyện Châu Thành, thanh long đang vào vụ mùa. Châu Thành là vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất của tỉnh Long An với hơn 9.000ha (toàn tỉnh có hơn 12.000ha). Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - cán bộ Phòng NNPTNT huyện Châu Thành, phần lớn sản lượng thanh long ở Châu Thành xuất sang Trung Quốc. Nếu thanh long nghịch vụ tại Châu Thành xuất khẩu được 80% thì vụ mùa là 40%. “Lâu nay, đa số thanh long ở địa phương xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ” - ông Mẫn thông tin.
Theo ông An, những ngày qua, ông đã đóng được 7 container thanh long ruột đỏ (19 tấn/contairner) xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường biển với giá 22.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Vạn Thành - Chủ tịch HĐQT HTX Thanh long Vạn Thành (Châu Thành), mặc dù nhanh hơn đường biển nhưng xuất khẩu thanh long bằng đường bộ chi phí đắt hơn gấp đôi đường biển và hay xảy ra sự cố ùn tắc.
Hiện, chi phí cho một contairner xuất khẩu thanh long đi đường biển mất khoảng 40 triệu đồng. HTX Vạn Thành hiện có hơn 100 thành viên với diện tích hơn 100ha chuyên trồng thanh long xuất khẩu. HTX này đang “đóng” thanh long xuất sang các thị trường khó tính và Trung Quốc.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - chủ kho thu mua thanh long xuất khẩu Bảo Quyên (Long An) cho biết, hiện có xu hướng các doanh nghiệp thu mua thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc cũng chọn đường biển cho an toàn. “Tại cửa khẩu “công” (container) đi rất ì ạch, nhưng tại đây “công” ra khỏi các kho thanh long vẫn bình thường. Nếu tắc đường bộ, doanh nghiệp sẽ đưa thanh long đi đường cảng” - chị Thúy cho biết.
Mở rộng thị trường
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau, quả Việt Nam cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp bắt đầu chọn đường biển để xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc. Nhưng theo ông Nguyên, để làm được điều này, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long cần xúc tiến thương mại ở các địa phương phía bắc Trung Quốc.
“Các doanh nghiệp nên tham gia các cuộc xúc tiến thương mại, hội chợ ở phía Bắc Trung Quốc để tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới, tránh cảnh ùn tắc tại cửa khẩu. Tôi biết có những doanh nghiệp ở TP.HCM chuyển hàng bằng đường thủy vào phía Bắc Trung Quốc, sản phẩm của họ đi lên Thượng Hải, Bắc Kinh rất thuận lợi, không gặp khó khăn gì hết, cũng không phải chịu cảnh ùn ứ” - ông Nguyên nói.
Lý giải về tình trạng ùn ứ, ông Nguyên cho rằng, đa số người dân, doanh nghiệp Việt đều đưa hàng qua Quảng Tây (Vân Nam, Trung Quốc), trong khi đây là những vùng trồng thanh long rất nhiều. “Đáng nói là chúng ta lại đưa hàng sang đúng vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm - thời điểm Trung Quốc cũng đang thu hoạch thanh long nên cảnh đụng chợ, ùn tắc, bị ép giá là điều khó tránh khỏi, lặp lại năm này qua năm khác” - ông Nguyên nêu một thực tế.
Vì vậy, ông Nguyên cho rằng, người dân trồng thanh long nên tiến hành rải vụ, từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, bởi thời điểm đó Trung Quốc không có thanh long, một số nơi trồng nhưng cũng không có trái.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, Trung Quốc đang giám sát rất chặt việc buôn lậu và đẩy mạnh quá trình thông quan điện tử nên việc kiểm tra gắt gao, chặt chẽ hơn trước. “Họ từng nói với ta về tình trạng doanh nghiệp khi khai báo và bao bì thì ghi loại hoa quả này nhưng trong ruột lại là một loại hoa quả khác. Chính vì vậy, vừa qua họ yêu cầu các xe vận tải của Việt Nam phải mở hết mui bạt ra để kiểm tra nên mất thêm thời gian” - ông Hòa nêu một thực tế.
Đây cũng là điều ông Nguyên bức xúc khi sự cẩu thả của một số doanh nghiệp đã làm chậm quá trình thông quan. “Bao bì in một đằng, giấy tờ khai đánh máy một nẻo, kiểm dịch hải quan Trung Quốc phát hiện sai sót nên tăng cường kiểm tra, kiểm soát... dẫn đến chậm thông quan” - ông Nguyên nói.
Từ thực tế này có thể thấy, nếu doanh nghiệp Việt Nam không nhìn nhận nghiêm túc vấn đề, đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, thì cảnh ùn ứ sẽ còn tái diễn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.