Tác giả 9X phải cắt 2/3 lá phổi và toàn bộ dạ dày: "Tôi từng nghĩ ai sẽ yêu một thân hình đầy vết sẹo?"

Yến Thanh Thứ năm, ngày 19/09/2024 14:25 PM (GMT+7)
Biến cố tới với Phạm Ngọc Phương Thảo (Thảo Min) vào tuổi 15 khi một chiếc xe khách 48 chỗ chèn qua người, khiến cô nằm viện hơn một năm, đối diện với những khoảnh khắc sinh tử. Thế nhưng, bằng nghị lực và khát khao, Thảo Min vẫn mở ra cho chính mình một hành trình tuyệt đẹp sau đó.
Bình luận 0

Cảm hứng nào khiến bạn bắt tay vào viết cuốn sách "Hãy sống hết mình vì đời ngắn lắm"?

- Mỗi người đều có những ước mơ trong đời, tôi cũng không ngoại lệ. Từ lâu, tôi đã ấp ủ trong mình nhiều dự định, khát khao, có ước mơ được chu du đây đó, ngắm cảnh đẹp đất trời, có ước mơ viết sách, tạo ra giá trị cho xã hội.

Việc viết sách được tôi nung nấu từ những tháng ngày dài nằm viện. Trong sâu thẳm, tôi tin những trải nghiệm mình đã trải qua nhất định có thể giúp cho ai đó đang gặp khó khăn, đặc biệt là tiếp thêm nghị lực tới các gia đình có người thân đang trải qua hoàn cảnh tương tự. Chính suy nghĩ ấy cũng đã thúc đẩy tôi sớm hoàn thiện cuốn sách này nhanh nhất có thể.

Với những người đang khoẻ mạnh, tôi hy vọng cuốn sách sẽ giúp họ thêm trân trọng những gì mình đang có, yêu và cảm nhận từng cái đẹp mà cuộc sống này đang ban tặng.

Tác giả 9X phải cắt 2/3 lá phổi và toàn bộ dạ dày: "Tôi từng nghĩ ai sẽ yêu một thân hình đầy vết sẹo?"- Ảnh 1.

Tác giả Phạm Ngọc Phương Thảo (Thảo Min). (Ảnh: NVCC)

Từng trải qua những ngày dài đằng đẵng trong bệnh viện, phải cắt tới phổi trái và cắt hết dạ dày vì biến chứng. Đã khi nào bạn thấy tuyệt vọng?

- Có chứ! Khi các bạn học sinh tung tăng đến trường, còn bản thân mình nằm trên giường bệnh, xung quanh đầy những ống truyền, tôi đã cảm thấy sao ghen tị với những bạn học của mình tới thế. Thời điểm đó, tôi không thể nhấc được chân lên, hi vọng về việc sau này có thể đi lại dường như trở về con số 0. Thậm chí, tôi không dám nghĩ là mình sẽ còn có thể yêu ai, hoặc ai đó có thể yêu một thân hình đầy những vết sẹo như thế này.

Nhìn lại, khoảng thời gian đó thực sự là thách thức đối với tôi. Nhưng nhờ vậy, tôi đã học được cách đối mặt và chấp nhận thực tế. Tình yêu thương vô bờ bến của người thân và sự ủng hộ, động viên từ gia đình, bè bạn cũng nâng tôi đứng dậy.

Đã có rất nhiều cuốn sách/tuyên ngôn về việc giới trẻ sống hết mình. Thế nhưng, thế nào là sống hết mình vẫn là điều gây nhiều tranh cãi. Với Thảo, sống hết mình là gì?

- Với tôi, sống hết mình là trân trọng từng phút giây cuộc sống. Sống sao để khi nhìn lại, bản thân không cảm thấy mình đã sống hoài sống phí, có thể cảm ơn và biết ơn những gì mình đã trải qua.

Sống hết mình còn là sống cả phần của những người kém may mắn hơn, trân trọng hơn những gì mình đang có, để thấy rằng mình sinh ra có đủ tay, đủ chân, có gia đình yêu thương là điều đáng quý biết nhường nào.

Sống hết mình không phải là làm thử những điều mạo hiểm chỉ để khoe mẽ hay phô trương với mọi người. Có một điều mà tôi biết chắc rằng việc sống hết mình sẽ không hề lãng phí thanh xuân mà sẽ là món quà để sau này nhìn lại, ta thầm cảm ơn bản thân trong quá khứ bởi đã có những tháng năm hết mình vì tuổi trẻ.

Vì sao sau thời gian chống chọi với tử thần, Thảo đã trở thành một giáo viên tiếng Anh, truyền cảm hứng và năng lượng cho nhiều người trẻ. Tại sao bạn chọn công việc này?

- Sau khi từ bệnh viện trở về nhà, tập luyện hồi phục sức khỏe, tôi tranh thủ tập viết lại và nhận ra rằng mình vô cùng thích học tiếng Anh, muốn nâng cao và cải thiện thêm bộ môn này.

Ban đầu, tôi chỉ giúp các em họ để chúng có thể học tốt môn này. Sau một thời gian, tôi nhận ra mình hoàn toàn có thể giúp được nhiều người hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn các em không chỉ coi tiếng Anh như một môn học, mà còn là cánh cửa mang lại tri thức, niềm vui và sự hiểu biết, giúp các em có thể mở mang hơn, tự tin bước vào đời. Tôi mong không chỉ bản thân có thể chinh phục được ước mơ mà còn giúp nhiều bạn trẻ khác có cơ hội chinh phục ước mơ của chính họ.

Những năm qua, Thảo đã được đặt chân tới nhiều địa danh khác nhau dọc ba miền Bắc - Trung - Nam. Những trải nghiệm đó thay đổi con người bạn như thế nào?

- Trong số những con đường tôi đã có dịp ghé qua, tôi đã may mắn được tới các tỉnh miền Tây của đất nước. Nơi đây, người dân phải sống ở những ngôi nhà tạm đơn sơ ven bờ sông, không ít hoàn cảnh kham khổ, vất vả. Thế nhưng, mỗi lần trò chuyện với tôi, họ đều giữ nụ cười tươi trên môi, luôn cởi mở và trìu mến. Thái độ của họ khiến tôi nghĩ rằng: Dù giàu có hay nghèo khổ, bất kể bạn là ai, chỉ cần bạn cảm thấy bản thân thật hạnh phúc, bạn biết ơn và trân trọng cuộc sống từ sâu thẳm trái tim thì bạn nhất định sẽ cảm nhận được điều đó.

Cảm ơn những chia sẻ của bạn!

Vào ngày 1/11/2010, khi đang trên đường đi học về, Phạm Ngọc Phương Thảo (Thảo Min) bất ngờ bị một chiếc xe khách 48 chỗ chèn qua người. Cô đã phải vào viện điều trị trong suốt hơn một năm, không ít lần đối diện với cánh cửa tử thần. Vụ tai nạn nghiêm trọng khiến cô vỡ trực tràng, vỡ bàng quang, vỡ xương chậu, vỡ cơ hoành, phần phía sau cơ thể bị kéo lê đã dập nát rất nặng, đặc biệt là phần lưng và dưới hông. "Ngày đầu tiên tới Bệnh viện 103, bác sĩ đi găng thọc được cả hai ngón tay vào lưng tôi, sờ thấy gai cột sống vì nó đã bị hoại tử, ăn mòn vào da thịt. Do thời gian nằm viện quá lâu, tôi đã phải cắt ⅔ phổi trái và cắt hết dạ dày vì biến chứng" – Thảo Min kể lại.

Trong cuốn sách Hãy sống hết mình vì đời ngắn lắm, Thảo Min vẽ lên bức tranh cuộc đời bằng những "nét cọ" mạnh mẽ, nhắc nhở người đọc hãy sống trọn vẹn, để khi nhìn lại, không có gì phải hối tiếc. Các trang sách của cô chứa nỗi đau, lòng can đảm và hơn hết là khát vọng sống hết mình, biến mỗi giây phút trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem