Tái cấu trúc nền nông nghiệp: Đột phá 3 khâu trọng điểm

Chủ nhật, ngày 22/01/2012 06:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu không tái cấu trúc thì nền nông nghiệp Việt Nam mãi là nền nông nghiệp sản xuất thô, giá trị thấp; đời sống người nông dân sẽ không khá được. Vậy tái cấu trúc nền nông nghiệp như thế nào?
Bình luận 0

Phóng viên NTNN đã phỏng vấn TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn).

Không thể coi là ngành... bám đuôi

Thưa ông, vì sao chúng ta lại đặt vấn đề phải tái cấu trúc nền nông nghiệp trong bối cảnh ngành này vẫn đang phát triển, đóng góp lớn cho tăng trưởng của nền kinh tế? Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tái cấu trúc thì nên bắt đầu ở những ngành, lĩnh vực có nhiều yếu kém?

- Gần đây, chúng ta nói rất nhiều về việc tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó, câu chuyện về tái cấu trúc đầu tư công; tài chính ngân hàng; doanh nghiệp nhà nước được đề cập rôm rả nhất. Đúng là 3 lĩnh vực này, nếu không thực hiện tái cấu trúc sẽ kéo theo những hệ lụy rất khó lường cho nền kinh tế.

img
Tạo ra các vùng sản xuất hàng hoá lớn là vấn đề cần ưu tiên trong phát triển nông nghiệp.

Thế nhưng, bên cạnh đó việc tái cấu trúc ngành, trong đó có ngành nông nghiệp cũng đòi hỏi phải được đặt ra một cách cấp bách nếu như chúng ta muốn đây là ngành có đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Vì sao phải đặt vấn đề tái cấu trúc ngành này? Nhìn lại 25 năm đổi mới vừa qua có thể thấy rõ là chúng ta đã quá tập trung và ưu ái cho công nghiệp trong khi phải nói thẳng là hiệu quả của ngành này không được như kỳ vọng.

Chúng ta đầu tư hạ tầng, xây dựng cảng biển, sân bay, rồi tập trung khai thác dầu thô, than, các loại khoáng sản... nhưng thực tế thì hiệu quả của ngành này như thế nào thì chúng ta thấy rõ ngay nếu không muốn nói là càng đầu tư càng lỗ, còn nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó “đứa con ghẻ lạnh” là nông nghiệp thì vẫn vững bước tiến lên, năm nào cũng xuất siêu.

Đặc biệt, cứ đất nước khủng hoảng thì nông nghiệp lại cứu nền kinh tế. Vậy thì rõ ràng nông nghiệp chính là lĩnh vực cần đầu tư, cần tập trung nhất và cần nhìn nhận lại về sự đóng góp của ngành này.

Nhìn nhận lại như thế nào?

- Thì bây giờ phải coi nông nghiệp là ngành mũi nhọn, ngành cần đầu tư hàng đầu. Nhưng không phải chỉ nói suông mà phải có chiến lược, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển mạnh mẽ. Trước đây, trong chính sách chúng ta luôn coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu nhưng vẫn chỉ coi đây là ngành theo đuôi, chỉ là bệ đỡ, tức là chủ yếu cung cấp lương thực, cung cấp lao động giá rẻ cho công nghiệp và các ngành khác.

Nay quan điểm phải thay đổi, cần coi nông nghiệp là ngành phát triển mạnh, không những đủ ăn mà có thu nhập cao, tạo ra ngành có giá trị và đóng góp lớn cho xuất khẩu lớn. Năm nay, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam được khoảng 25 tỷ USD- con số này là lớn nhưng cũng không ăn thua so với tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của ta.

Nhiều nước công nghiệp như Hà Lan, chỉ riêng nông nghiệp thì kim ngạch xuất khẩu cũng được 50 tỷ USD. Chúng ta không đòi hỏi được như họ nhưng phải đầu tư cho nông nghiệp để đạt được những giá trị tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Đó là nguyên tắc, quan điểm trong tái cấu trúc trong ngành nông nghiệp.

Giải quyết 3 yếu kém

Thực tế thì dù đóng góp nhiều cho nền kinh tế, nhưng rõ ràng nền nông nghiệp của ta vẫn là nền nông nghiệp lạc hậu, giá trị thấp (do chủ yếu xuất khẩu thô, nông sản chất lượng thấp). Vậy, việc tái cấu trúc nền bắt đầu từ đâu?

- Có 2 vấn đề chính cần phải tập trung thực hiện, thứ nhất là cơ cấu lại ngành hàng theo hướng có lợi thế cạnh tranh động, vừa mới phát sinh trong bối cảnh và tình hình mới.

Ví dụ, trước nay chúng ta đâu có nghĩ mình có lợi thế bò sữa, nay bò sữa đã và đang phát triển rất mạnh. Hoặc các cây trồng mới như ca cao, cà phê, thanh long, điều trước đây đâu phải lợi thế của Việt Nam, thậm chí như điều còn phải nhập khẩu nay đều phát triển mạnh mẽ vào dạng nhất, nhì thế giới.

Vậy là ngoài các lợi thế cạnh tranh tĩnh như phát triển cây lúa, cao su, tiêu, lạc, đậu nay phải tập trung vào lợi thế cạnh tranh động như đã nói. Thứ hai, sau khi có cơ cấu lại ngành hàng và xác định được lợi thế cạnh tranh cần quan tâm đến nâng cao giá trị gia tăng- khâu yếu kém nhất hiện nay của không chỉ ngành nông nghiệp. Muốn giá trị gia tăng cao thì phải đột phá 3 khâu: Đầu vào cho ngành nông nghiệp; khâu giữa (chi phí giao dịch); đầu ra cho nông sản.

Thực trạng của 3 khâu đó của Việt Nam như thế nào?

- Yếu kém và nhiều bất cập. Ở đầu vào, các nguyên liệu như giống, thực ăn chăn nuôi, bảo vệ thực vật, thuốc thú y, máy móc nông nghiệp đều phải nhập khẩu. Nói ví dụ như thuốc thú y, mỗi lần có dịch bệnh là chúng ta lại nháo nhào nhập khẩu vì đã sản xuất được nhiều loại vaccin đâu. Còn sản xuất máy móc nông nghiệp cũng được chăng hay chớ, cũng chủ yếu nhập ngoại... Tất cả những bất cập đó đã đẩy đầu vào tăng cao, kéo theo giá thành của các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cao ngất ngưởng.

Ở khâu thứ hai, tức khâu giữa tình trạng lại còn kém hơn. Bằng chứng là hệ thống thị trường của hàng nông sản hiện quá manh mún và có quá nhiều người tham gia. Hệ lụy của điều này là phần lợi rơi vào tay trung gian, thương lái, còn người sản xuất chịu nhiều thiệt thòi. Ở khâu này, đó là chưa kể những yếu kém về xây dựng thương mại, chợ búa nên làm sản phẩm càng chạy vòng vèo, qua rất nhiều khâu.

Ở khúc cuối, phần đầu ra do như marketing, các giao dịch thương mại, sàn giao dịch... cũng còn bất cập nên hàng hoá của ta bán ra thấp hơn so với các chủng loại của các nước khác. Đó là 3 thực trạng yếu kém của nền nông nghiệp, cần tháo dỡ, có giải pháp đột phá nếu không sự khó đem lại sự phát triển kém bền vững, khó đưa lại những giá trị cao và tạo động lực cho sự phát triển.

Khắc phục đất đai manh mún

Công tác quy hoạch sẽ được thực hiện thế nào trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp?

- Chúng ta đang có nhiều mặt hàng nông sản nằm trong top 5, nên không thể sản xuất bừa bãi được, phải có quy hoạch trọng điểm. Ví dụ, với mặt hàng có thế mạnh trong xuất khẩu, chúng ta không nên quy hoạch theo hướng chạy theo số lượng lớn mà cần tập trung xây dựng các vùng chuyên xuất khẩu để nâng cao chất lượng, giảm giá thành.

“Mục tiêu cuối cùng của tái cấu trúc nông nghiệp là phải tạo ra được một nền nông nghiệp phát triển bền vững, giá trị cao và chịu đựng được các ngưỡng môi trường. Làm được những cái đó thì đương nhiên chủ thể của nền nông nghiệp là người nông dân sẽ có đời sống khá hơn”.

Như cây lúa, ở toàn vùng ĐBSCL theo tôi chỉ nên quy hoạch ở 25 - 30 huyện vùng tứ giác Long Xuyên có lợi thế nhất, rồi tập trung hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nối kết thị trường cho cả vùng. Người dân, doanh nghiệp nào thích làm lúa xuất khẩu thì nhảy vào các vùng đó để sản xuất. Các vùng không có lợi thế thì sản xuất bình thường nhưng chỉ hỗ trợ về sinh kế chứ không hỗ trợ xuất khẩu.

Việc quy hoạch nên theo nguyên tắc rà soát lại điều kiện tự nhiên rồi công bố thế mạnh của từng vùng để người dân có quyết định dưới sự tư vấn của các nhà chính sách, khoa học và địa phương. Khi xây dựng được các vùng chuyên canh, chúng ta sẽ tập trung hỗ trợ 3 cả về hạ tầng, khu chế biến, chỗ trợ các dịch vụ việc làm, lo đầu vào, đầu ra... cho các vùng đó.

Nhưng nếu muốn quy hoạch được vùng sản xuất lớn, tập trung thì ít ra đất đai không được manh mún như hiện nay, ông nghĩ sao?

- Hiện nay đất đai của ta manh mún do nông dân có đất không chịu “nhả”, còn người mua cũng không sẵn sàng tích tụ để sản xuất lớn. Người không “nhả” thì có lý do là phải cố giữ một mảnh đất để bảo hiểm trong trường hợp khủng hoảng, thất cơ lỡ vận. Để họ rời ruộng thì Nhà nước phải có lương hưu cho nông dân như một số địa phương đã làm, có các chế độ cho họ sống được khi không có ruộng; cộng với đó Nhà nước phải có chính sách mạnh hơn nữa cho công tác dồn điền đổi thửa...

Đặc biệt, chính sách về hạn điền cần phải được thay đổi theo hướng nới rộng cả về diện tích lẫn thời gian. Song song đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng... cho các DN nông nghiệp, HTX, trang trại để họ làm nòng cốt trong việc tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn. Làm được thế, chúng ta mới có đủ điều kiện để sản xuất hàng hoá lớn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem