Tái cơ cấu kinh tế đang “bao che” doanh nghiệp

Thứ bảy, ngày 06/04/2013 06:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau một năm thực hiện, công cuộc tái cơ cấu, nền kinh tế chưa tập trung vào giải quyết vấn đề căn bản là tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bố lại nguồn lực trong toàn xã hội...
Bình luận 0

Đó là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013, do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 5, 6.4 tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa với chủ đề "Tái cơ cấu - Một năm nhìn lại".

Đây cũng là nhận định của đa số các đại biểu, chuyên gia tham dự diễn đàn. Các đại biểu cho rằng, sau một năm thực hiện, công cuộc tái cơ cấu, nền kinh tế chưa tập trung vào giải quyết vấn đề căn bản là tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bố lại nguồn lực trong toàn xã hội, làm cho nguồn lực được sử dụng có hiệu quả, hợp lý và bền vững hơn. Quá trình tái cơ cấu không những chưa tạo áp lực để các doanh nghiệp dấn thân, sáng tạo tư duy, đổi mới cách làm mới mà trái lại có phần “bao che” cho những doanh nghiệp vốn là những tác nhân khiến nền kinh tế thêm trì trệ.

img
Việc tái cơ cấu phải được triển khai quyết liệt, toàn diện và dài hạn hơn.

Dù rằng các báo cáo kinh tế theo từng quý đều cho thấy GDP tăng, nhưng bức tranh tổng thể vẫn còn kém. Năm 2012, tình hình lạm phát giảm, nhưng vấn đề đáng quan ngại là hàng tồn kho quá lớn, trong đó phải kể đến việc đóng băng bất động sản. Theo đánh giá, hiện các tỉnh thành cả nước tồn kho trên 160.000 căn hộ, trong đó dẫn đầu là TP.HCM với trên 28.000, Hà Nội đứng nhì với 20.500 căn hộ, tương đương gần 50.000 tỷ đồng tồn kho. Nợ xấu ở hệ thống ngân hàng lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, bằng khoảng 8-10% GDP.

"Cho dù lạm phát được kéo từ 18% năm 2011 xuống 6,8% năm 2012, nhưng đó chỉ là những thành tích tạm thời, không có gì chắc chắn trong thời gian tới" - PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá.

Theo nhận định của một số chuyên gia, sau 1 năm triển khai tái cơ cấu, Chính phủ đã dành nhiều công sức để xây dựng một hệ thống văn bản hành chính. Tuy nhiên, chất lượng văn bản không cao, triển khai còn chậm và chưa có những chuyển biến cụ thể trên từng nội dung tái cơ cấu, kết quả là chưa rõ ràng, nhất là đối với khu vực kinh tế trong nước. Các chuyên gia cũng đã nhìn nhận, cơ hội tái cơ cấu đang đến độ chín muồi, năm 2013 là năm bản lề để tái cơ cấu khi Đề án tổng thể tái cơ cấu đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu phải được triển khai quyết liệt, toàn diện và dài hạn hơn mới mong mở ra thời kỳ tăng trưởng mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem