Phá huỷ nhân cách
Trên mạng xã hội đang chia sẻ clip về việc một người mẹ (ở Bắc Giang) khi bắt được con ở quán game đã tụt quần con giữa phố để trừng trị.
Tháng 11.2015, một người cha ở Buôn Mê Thuột cũng đã bị dư luận phản đối khi dùng xích sắt trói chân con trai (14 tuổi) để cấm con đến quán game. Người cha này cho biết, con ông đã nhiều lần bỏ nhà, bỏ học để “cày” thâu đêm suốt sáng ở quán game. Ông cứ tìm về con lại trốn nhà đi. Để lấy tiền chơi game, con trai ông cũng đã vài lần ăn trộm tiền của gia đình. Cuối cùng bất lực, ông đành trói con vào cột nhà, hy vọng có thể cai nghiện game giúp con. Ông biết xích con là không đúng nhưng sợ thả ra thì con sẽ bị game làm hỏng mất.
Một cửa hàng game online trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: I.T
Theo bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, nghiện game là căn bệnh tâm thần ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Nhiều cha mẹ đưa con đến bệnh viện với nỗi bất lực vì không thể khuyên bảo, ngăn cấm được con. Thậm chí nhốt con, ngăn không cho con chơi game thì các cháu điên cuồng la hét, đập phá. Có trẻ giống như “dính chặt” vào màn hình, trở thành 1 phần của của trò chơi, cha mẹ gọi gì cũng không nghe thấy. Có trẻ lảm nhảm với những nhân vật trong game.
Bác sĩ Cương cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận vài chục bệnh nhân nghiện game, số ca bệnh ngày càng gia tăng. Độ tuổi phổ biến là từ 15-25 tuổi, hầu hết là nam giới. Nhưng cá biệt có “ông” đã ngoài 50 tuổi cũng mê game đến quên ăn, quên ngủ, ngất xỉu trên màn hình, tỉnh dậy lại tiếp tục chơi. Gia đình phải đưa đến bệnh viện.
“Game làm biến đổi nhân cách của giới trẻ. Những cháu nghiện game có đặc trưng là “rất ngoan”, ai nói gì cũng không giận, không phản ứng. Bác sĩ hỏi bệnh nhân cũng không nghe thấy. Họ không nhìn, không nghe thấy vì họ đang chìm đắm trong trò chơi tưởng tượng, dù không ngồi trước màn hình. Trẻ mê game đánh nhau cũng dễ trở nên bạo lực, hay cáu giận, thích làm “người hùng”, giải quyết xung đột bằng nắm đấm, thậm chí là vũ khí như… game” – bác sĩ Cương nhận định.
Cá biệt, TS Trần Hữu Bình – nguyện Viện trưởng Viện Tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) đã từng gặp bệnh nhân bị ám ảnh tình dục sau khi nghiện game sex. Bệnh nhân nữ mới học lớp 9, cùng với bạn quen trên mạng chơi game sex online. Sau đó, hai bên đã hẹn hò vào nhà nghỉ để biến trò chơi ảo thành thật, kiệt sức lại dùng cả thuốc kích dục, suốt 3 ngày. Khi gia đình tìm được thì con gái như người vô hồn, tả tơi ở nhà nghỉ. Sau đó, tuy sức khoẻ hồi phục nhưng cô gái lại thường xuyên đòi hỏi được quan hệ tình dục, luôn nhận mình là “nữ hoàng sex”, thích cởi quần áo trước mặt mọi người. Cuối cùng, gia đình đã phải đưa cô bé đi bệnh viện điều trị.
Điều trị đúng cách
“Nghiện game ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm thần. Người bệnh có thể hoảng sợ, lo âu, cáu gắt hoặc trầm cảm, lầm lì, hung bạo. Họ khá nhạy cảm đến mức có thể gây bạo lực nếu bị khiêu khích. Hoặc hết tiền chơi game, người nghiện game có thể trộm cắp, cướp giật, gây án mạng. Cũng có em buồn chán, kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần đến mức muốn chết. Do đó, cha mẹ cần kịp thời đưa con đi khám để được tư vấn và điều trị” – PGS Bình nhận định.
Bác sĩ Lê Đào Nghĩa – Phó Trưởng khoa Tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần Mai Hương, Hà Nội) cho biết, trẻ được coi là nghiện game khi mỗi ngày chơi game kéo dài và không dứt nổi màn hình. Đồng thời, hành vi chơi game ảnh hưởng đến nền nếp sinh hoạt, khiến người nghiện mất ngủ, chán ăn, học hành sa sút, nhân cách thay đổi, ngại tiếp xúc, ít nói, trầm cảm, khi không có tiền chơi game thì sẵn sàng đi ăn trộm, cướp giật hoặc lừa lọc để có tiền. Khi bị ngăn cấm không được chơi game thì bồn chồn, căng thẳng, thậm chí cáu giận, la hét, bỏ ăn…
“Yếu tố thúc đẩy một người nghiện game bao gồm - môi trường (được bạn bè rủ rê chơi, sẵn có nơi để chơi, có tiền, nhàn rỗi), chất gây nghiện (có game online) và yếu tố tâm lý của chính bản thân người nghiện. Do đó, để “cai” game, trước hết nên “cắt” một hoặc tất cả các yếu tố nói trên thì người nghiện sẽ không có cơ hội tiếp cận trò chơi” – bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.
Tuy nhiên, bác sĩ Nghĩa cho biết, khi đã đến mức nghiện, game cũng giống như các chất gây nghiện khác (heroin, rượu bia…) khi người nghiện sử dụng sẽ kích thích sự hưng phấn trong não. Vì thế, nếu bị cấm không chơi game nữa, người nghiện game sẽ bị hội chứng sau cai (bồn chồn, cáu gắt, trầm cảm, hung hãn…). Họ cũng sẽ tìm mọi cách để tiếp cận chất gây nghiện. Đến lúc này cần phải có sự can thiệp của các bác sĩ, ngoài tư vấn tâm lý còn phải dùng thuốc để điều trị.
Những dấu hiệu nhận biết trẻ em có nghiện game hay không - bố mẹ yêu cầu con chấm dứt chơi game để học hành, ăn cơm thì con cũng nấn ná hàng tiếng mới chấm dứt; khi cha mẹ cấm chơi thì cáu gắt, bực bội; con mất ngủ, ít nói, ngại tiếp xúc; kết quả học hành sa sút… Lúc đó cần nhanh chóng cách ly con khỏi môi trường có game trong vòng vài tháng. Phải đảm “cắt đứt” triệt để vì nếu con vẫn chơi dù ít hay nhiều thì tâm trí của trẻ vẫn ám ảnh về trò chơi”.
Bác sĩ La Đức Cương
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.