Tai nạn thuyền di cư tại Ý: Nỗi đau đớn tột cùng của người ở lại

Hồng Ngọc (CNN) Thứ ba, ngày 14/03/2023 10:49 AM (GMT+7)
Đã hai tuần kể từ khi chiếc thuyền di cư bị nhấn chìm ngoài khơi bờ biển miền nam nước Ý, vậy nhưng bình yên vẫn chưa thể đến với các nạn nhân cũng như người thân của họ.
Bình luận 0
Tai nạn thuyền di cư tại Ý: Nỗi đau đớn tột cùng của người ở lại - Ảnh 1.

Nhiều nạn nhân sẽ không thể trở về quê hương để an táng. (Nguồn: Valeria Ferraro/Cơ quan Anadolu)

Vào ngày 26/02, ít nhất 64 người bao gồm cả trẻ em và phụ nữ đã thiệt mạng sau khi một chiếc thuyền gỗ chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đâm phải đá gần thị trấn ven biển Crotone ở khu vực phía Nam của Calabria.

Cho tới nay, thi thể của những người mất tích, chủ yếu là trẻ em, vẫn tiếp tục trôi dạt vào bãi biển. Vào sáng ngày 11/03, thêm một bé gái khoảng 5-6 tuổi đã được phát hiện trôi dạt vào bờ biển Ý, nâng tổng số người thiệt mạng của chiếc thuyền xấu số lên 74. Đáng buồn hơn, gần một nửa trong số đó là trẻ vị thành niên.

Cơ quan điều tra địa phương đã cung cấp danh tính của nhiều người thiệt mạng, trong đó có Torpekai Amarkhel, một nữ nhà báo 42 tuổi đến từ Afghanistan, cùng chồng và hai trong số ba đứa con của họ. Cô con gái bảy tuổi của cô, nằm trong số khoảng 30 người vẫn mất tích, cũng được cho là đã tử nạn sau thảm kịch. Theo chị gái của cô, Amarkhel đã trốn khỏi Afghanistan cùng gia đình sau một cuộc đàn áp phụ nữ tại quê nhà.

Shahida Raza, nữ cầu thủ bóng đá và khúc côn cầu của đội tuyển quốc gia Pakistan, cũng nằm trong số những người thiệt mạng. Một người bạn cho biết cô đi du lịch với hy vọng có thể đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho người con trai khuyết tật của mình.

Ban đầu, những đồ đạc được tìm thấy sẽ được đánh dấu theo chữ và số thay vì tên của nạn nhân. Khi những người đầu tiên tìm thấy thi thể của Abiden Jafari, cô gái 28 tuổi người Afghanistan, họ chỉ xác định cô ấy là KR16D45 - với ký hiệu KR nhằm chỉ thành phố Crotone gần đó, con số 16 vì cô ấy là nạn nhân thứ 16 được tìm thấy, D cho donna (nghĩa là phụ nữ), và 45 cho số tuổi được ước tính của cô.

Không thể trở về quê nhà

Những nạn nhân tử nạn cũng bị cuốn vào cuộc đấu tranh giữa Nhà nước Ý và người thân của họ. Bộ Nội vụ Ý đã ra lệnh chuyển tất cả các thi thể từ Calabria, nơi quan tài của các nạn nhân xấu số được tưởng niệm trong khán phòng, đến nghĩa trang Hồi giáo Bologna để chôn cất theo giao thức dành cho những người di cư bất hợp pháp thiệt mạng trên đường tới Ý.

Khi tới nhận di hài người thân của mình, người nhà các nạn nhân đã phản đối giao thức trên bằng cách dựng những tấm biển và ngồi trước khán phòng. Sau cuộc đàm phán căng thẳng, Quận Crotone đã xác nhận rằng 25 gia đình, chủ yếu là người Afghanistan và Syria, đã đồng ý chôn cất người thân của họ ở Bologna.

Những người chưa được xác minh danh tính cũng sẽ được chôn cất tại Bologna cùng với di hài của một trong những kẻ buôn người.

Số phận của những nạn nhân còn lại vẫn là một điều cần phải xem xét, nhưng thị trưởng của Crotone Vincenzo Voce cho biết chính phủ Ý sẽ trả phí hồi hương cho quốc gia của những người di cư và phí chôn cất của các nạn nhân cùng người thân của họ các vùng khác của nước này.

Hầu hết những người sống sót đã được chuyển đến một khách sạn ở Crotone sau khi một nhóm người ủng hộ nhân quyền phản đối cơ sở vật chất của khu giam giữ.

Được biết khu vực chỉ bao gồm một phòng tắm chung dành cho nam giới, một phòng tắm khác dành cho phụ nữ gần khu vực ngủ, và nơi ngủ chỉ bao những ghế dài và nệm để ngủ trên sàn. Họ cũng không được cấp khăn trải giường, khăn tắm hoặc gối. Mười hai nạn nhân đã được chuyển đến một trung tâm tiếp nhận dành cho trẻ vị thành niên không có người đi cùng.

Tai nạn thuyền di cư tại Ý: Nỗi đau đớn tột cùng của người ở lại - Ảnh 2.

Những mảnh gỗ trôi dạt vào bờ biển khoảng 2 ngày sau khi chiếc thuyền chở người di cư bị chìm ngoài khơi vùng Calabria, miền nam nước Ý. (Nguồn: Alessadnro Serrano/AFP)

Những câu hỏi về việc giải cứu

Bên cạnh những việc cần làm đối với những người sống sót và nạn nhân, cơn phẫn nộ của dư luận về chính cuộc giải cứu cũng ngày càng lớn dần.

Trước khi vụ việc xảy ra, một máy bay giám sát Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu Frontex đã phát hiện con tàu xấu số khoảng 1 ngày trước khi nó bị chìm và thông báo cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Ý. Tuy nhiên Lực lượng này tuyên bố rằng con tàu trên không phải là thuyền di cư và không gặp bất cứ vấn đề nào.

Để khẳng định, hình ảnh giám sát cảm biến nhiệt do Lực lượng Cảnh sát biển công bố cho thấy chỉ có một người được nhìn thấy trên tàu khi họ bay qua đó. Trong khi đó, theo lời kể của những người sống sót, họ đã bị nhốt trong tàu và không phép lên trên hít thở không khí trong suốt chuyến hành trình kéo dài 4 ngày xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Văn phòng công tố viên Crotone xác nhận họ đã mở một cuộc điều tra hình sự về trường hợp giải cứu thất bại sau khi hơn 40 hiệp hội nhân quyền và tổ chức phi chính phủ ký đơn yêu cầu công khai tất cả các hồ sơ để xác định xem ai đã không hỗ trợ chiếc thuyền theo quy định của Luật hàng hải nước Ý.

Hôm thứ Năm, Hội đồng Bộ trưởng do Thủ tướng Giorgia Meloni dẫn đầu đã họp về thảm họa ở Cutro và cho biết họ sẽ tập trung vào việc nhắm tới các đường dây buôn người và tăng thời gian ngồi tù đối với những kẻ buôn người lên 30 năm.

Các bộ trưởng cũng thảo luận về việc “đẩy nhanh cơ chế xin tị nạn” thay vì tăng hạn ngạch, tức là tiếp nhận 82.700 người di cư đủ điều kiện xin tị nạn vào năm 2023. Cho đến nay, hơn 17.600 người đã đến Ý bằng đường biển.

Năm 2022, 105.131 người đã di cư tới nước này bằng đường biển. Quá trình xin tị nạn thường mất từ ba đến năm năm, tùy thuộc vào quốc gia của người di cư. Những người người nhập cư với mục đích kinh tế sẽ được hồi hương trở về quốc gia của họ.

Tổng thống Ý Sergio Mattarella cho biết những công dân Afghanistan sống sót sẽ được ưu tiên xin tị nạn. Hiện vẫn chưa rõ liệu những người không đủ điều kiện sẽ được hồi hương về quê hương của họ hay không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem