Chính
vụ của dưa hấu xưa nay vẫn là mùa nắng (“Trời nắng tốt dưa, Trời mưa
tốt lúa”). Bài tựa hiệu chính sách Lĩnh Nam chích quái liệt truyện của
Lê Quý Đôn cũng có nói rõ: “Sản vật mùa hè của nước ta, không gì quý
bằng dưa đỏ, nêu truyện Quả dưa đỏ để tỏ rõ cái ý cậy của mình làm,
không nhờ ơn người”.
Hương vị dưa hấu đỏ trưng Tết là phong tục tập quán lâu đời của người dân đất phương Nam.
Lĩnh Nam chích quái là một tác phẩm sưu tập
văn học dân gian Việt Nam, xuất hiện vào khoảng đời Lý, Trần, không biết
ai làm, tương truyền do Trần Thế Pháp soạn, Vũ Quỳnh đề tựa. Sách gồm
22 truyện truyền thuyết và cổ tích được truyền khẩu trong dân gian từ
lâu đời (Hồng Bàng về sau), chủ yếu là những cổ tích gốc của nước ta,
đậm tính dân tộc.
“Tây qua” mà Nguyễn Trọng Thuật đã dựa vào đó để xây
dựng thành truyện Quả dưa đỏ - tiểu thuyết chương hồi – là một trong 22
truyện ấy. Mai Yến tuy là con nuôi của vua Hùng Vương thứ 17 (Nghị
Vương), được vua đặt hiệu là An Tiêm. Sống trong cảnh lầu son gác tía
nhưng ông không lấy phú quý vinh quang cậy ỷ mà lại thích tiến thân bằng
con đường tự lập. Do vậy có kẻ sàm tấu cho là bất cần triều lộc. Ông
phải bị đày ra hoang đảo Nga Sơn.
Nạn nhân của một vụ vu oan giá họa
phải cùng vợ và hai con sống trên một hòn đảo vắng giữa biển Đông. Trong
14 năm liền gian nan vất vả ấy, An Tiêm tìm được giống dưa đỏ (dưa hấu –
“tây qua”) đem trồng và nhân ra, lấy trái bán (trao đổi) cho thuyền
buôn nước ngoài. Hoang đảo dần dần đông vui hơn vì có thêm nhiều người
đến bắt chước, khẩn đất trồng dưa ngày càng sung mậu. Vua Hùng nghe tin,
xóa bỏ oan án, và Tết năm ấy cho thuyền ra đảo rước gia đình ông về:
Hùng Nghị Vương đã nên minh chúa,
Có người dâng một đứa hài nhi.
Chẳng tường tên họ là chi,
Mày xanh mắt sáng phương phi khác thường.
Ơn mưa móc quân vưong thấm gội,
Phận cô nhi gặp hội mây rồng.
Đặt tên Mai Yến ân mông,
An Tiêm là hiệu, dụ vòng minh linh.
Chàng Mai Yến tâm tình khác tục,
Không tưởng mừng được lúc giàu sang.
Cho rằng phú quý vinh quang,
Gây ra do tự nơi chàng tiến thân.
Tưởng chàng kẻ vong ân bội ngãi,
Vua giận đày ra đảo Nga Sơn.
Vợ chồng sống cảnh cô đơn,
Cửa nhà không có, áo cơm thiếu dùng.
Nhưng chàng vẫn ung dung vui vẻ,
Ra công làm lặng lẽ yêu đời.
Tự nhiên có đám chim trời,
Tây qua gây giống giứp người mưu sinh.
Nhiều thuyền buôn hành trình qua đó,
Được ăn dưa ruột đỏ cùi xanh.
Thấy rằng vị mát ngon lành,
Mùa dưa quen lệ ghé mành vào mua.
Chàng nhân thế lại thừa phong vận,
Vua nghe tin ân hận thở than:
“Quả nhân giận nó rành oan,
Tiến thân thuyết ấy nó bàn không ngoa”.
Xét Mai Yên quả là người trí,
Không a dua siểm mỵ xu thời.
Gian lao chẳng chút oán trời,
Chịu oan đày đọa không lời trách ai.
Thật xứng chí làm trai cứng cỏi,
Đáng muôn đời vòi vọi tên nêu,
Đức vua càng ngẫm càng yêu,
Bèn sai sứ triệu về triều đoàn viên.
Do
vậy xưa nay ai cũng cho dưa hấu là đặc sản quý, nên chọn để cúng Ông
Bà, nói lên ý chí truyền thống tự lực cánh sinh, xanh vỏ mà đỏ lòng.
Nguyễn Hữu Hiệp (Nguyễn Hữu Hiệp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.