Sau khoảng hai thập kỷ làm việc ở Hollywood, nam diễn viên người Nhật Hiroyuki Sanada đã đảm nhận một thử thách mới khi đóng vai lãnh chúa nổi tiếng trong bộ phim lịch sử Nhật Bản "Shogun".
Bộ phim dài 10 tập, mô tả những chiến công của vị tướng hư cấu Yoshii Toranaga được mô phỏng theo Tokugawa Ieyasu. Tướng quân ngoài đời thực đã thống nhất Nhật Bản sau khi chiến thắng trong một cuộc nội chiến và Mạc phủ Tokugawa của ông đã cai trị đất nước trong hòa bình tương đối khoảng hơn 260 năm.
Sanada nói: “Bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại đầy xung đột, tôi muốn thế giới biết về Ieyasu, người anh hùng đã chấm dứt thời đại chiến tranh ở Nhật Bản".
James Clavell đã viết cuốn tiểu thuyết cùng tên, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1975. Tác phẩm miêu tả các lãnh chúa Nhật Bản và số phận của một thủy thủ người Anh bị đắm tàu ở Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh.
Hiroyuki Sanada: "Tôi từ chối nhận lương chỉ vì muốn bộ phim trở nên hoàn hảo"
Miniseries truyền hình đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, với sự tham gia của Toshiro Mifune đã được phát sóng tại Mỹ vào năm 1980 và trở thành một cú hích lớn. Hơn bốn thập kỷ sau, phiên bản làm lại hiện đang được phát trực tuyến qua Disney+ và các dịch vụ khác.
Nhóm sản xuất "Shogun" ở Hollywood đã tiếp cận Sanada với chủ ý để anh đảm nhận vai trò nhà sản xuất, hòng bộ phim có thể mô tả chân thực cuộc sống ở Nhật Bản vào những năm 1600.
Sanada chia sẻ thêm : “Tôi đã chấp nhận kịch bản, vì nghĩ đó chính xác là những gì mình muốn. Mặc dù, các nhân vật được mô phỏng theo những người có thật, "Shogun" là một câu chuyện hư cấu. Để người xem đắm chìm trong thế giới bên trong câu chuyện, chúng ta cần phải làm cho nó chân thực. Điểm khởi đầu của chúng tôi là một bộ phim cổ trang Nhật Bản sẽ phải thân thuộc với người Nhật Bản".
Làng chài nơi các thủy thủ người Anh dạt vào bờ có vẻ ngoài chân thực, cũng như nội thất của Lâu đài Osaka và các khu vườn Nhật Bản. Dàn diễn viên cũng có nhiều diễn viên hạng A của Nhật Bản, bao gồm: Tadanobu Asano, Tokuma Nishioka, Fumi Nikaido và Takehiro Hira.
Thoạt nhìn, có vẻ như "Shogun" được quay tại Nhật Bản. Nhưng nó được quay trên một phim trường mở gần Vancouver, Canada. "Đoàn làm phim đã tỉ mỉ tái hiện bối cảnh để có được phần trình bày chân thực", Sanada cho biết.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa nhân viên Nhật Bản và Mỹ là rất quan trọng. Các chuyên gia về kiểu tóc, trang điểm, chiến đấu sân khấu và thậm chí cả cử chỉ phù hợp với thời kỳ đã được đưa đến từ Kyoto, Tokyo và các vùng khác của Nhật Bản. Một số chuyên gia đã làm việc với Sanada hơn 40 năm.
Kimono và các trang phục khác được làm bằng tay. Quần áo truyền thống được nhập khẩu từ Nhật Bản để nghiên cứu và tái tạo lại một cách trung thực trang phục do dân làng và các tướng lĩnh mặc.
Sanada đến thăm các phim trường ngay cả vào những ngày anh không diễn xuất. Anh ấy kiểm tra đạo cụ và quần áo được mặc bởi những người đóng thế, hỗ trợ cho các diễn viên và đoàn làm phim chưa quen làm việc bên ngoài Nhật Bản, và thậm chí đôi khi còn làm phiên dịch.
“Mục tiêu của tôi luôn là tránh những hiểu lầm ở nước ngoài khi vào vai người Nhật hoặc xuất hiện trong một bộ phim về Nhật Bản,” anh nói.
Sanada ra mắt công chúng với vai trò là một diễn viên nhí. Sau đó, anh tiếp tục trở thành một ngôi sao hành động cũng như một diễn viên chuyên nghiệp trên cả màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ. Một bước ngoặt lớn là diễn xuất trong một tác phẩm của Royal Shakespeare Company "King Lear" từ năm 1999 đến năm 2000, do Yukio Ninagawa đạo diễn.
Sanada nói: “Đó là thử thách lớn nhất mà tôi phải đối mặt trong đời, tôi đã trải qua cả những khó khăn và niềm vui khi hội nhập các nền văn hóa để tạo ra một tác phẩm mới mà chưa ai từng xem”.
Ngay sau đó, nam diễn viên thử vai trong bộ phim "The Last Samurai", với sự tham gia của Tom Cruise. Sanada nhớ lại khoảnh khắc đó: "Ai sẽ đóng phim cổ trang Nhật Bản do Hollywood làm? Sẽ không ổn nếu nó không được làm đúng cách. Tôi nghĩ nếu có ai đó định làm điều đó, tôi cũng có thể tham gia và nói những gì cần được nói".
Hollywood có xu hướng miêu tả Nhật Bản và người Nhật như một điều gì đó thần bí, khi thường xuyên sử dụng các khuôn mẫu. Sanada đã nhiều lần can thiệp để đảm bảo rằng "The Last Samurai" không đi theo mô hình đó.
Sanada, người đảm bảo trong quá trình quay phim để chỉ ra những thứ có vẻ "sai" với tư cách là một người Nhật, cho biết: "Tôi không quan tâm dù đó có phải là bộ phim Hollywood đầu tiên và cuối cùng của tôi”, anh nói.
Đạo diễn "Last Samurai" Edward Zwick, ấn tượng với sự cống hiến của Sanada cho sự chân thực, đã mời anh tham gia vào quá trình hoàn thiện bộ phim. Sanada đã dành sáu tháng tiếp theo sống ở Los Angeles bằng tiền của mình để đưa ra lời khuyên về văn hóa Nhật Bản. Một giám đốc nói với Sanada rằng nam diễn viên người Nhật này đã khiến ông nhớ lại niềm đam mê làm phim của chính mình.
Sanada cho biết anh nghĩ rằng mình có thể "phá bỏ những bức tường ngăn cách Đông và Tây" sau trải nghiệm này. "Nếu có một bức tường, thì tôi có thể chấm dứt nó với thế hệ của mình", anh nói.
Anh quyết định rời Nhật Bản và danh tiếng đạt được ở đó để làm cho Los Angeles trở thành ngôi nhà mới. Sanada nói: “Thời gian sẽ không thay đổi chỉ bằng một hay hai tác phẩm. Điều quan trọng là bạn phải luôn tiếp tục. Tôi cảm thấy có giới hạn đối với tầm ảnh hưởng của mình với tư cách là một diễn viên. Tôi muốn mở đường để những người Nhật Bản tài năng có thể thành công trên trường thế giới”. Sanada đồng thời nói thêm rằng, trở thành nhà sản xuất là một cách để thay đổi điều đó.
“Tôi sẽ xây dựng nền tảng và nói với thế hệ trẻ rằng họ luôn được chào đón. Nếu không có ai tiếp tục sau bạn, thì mọi thứ sẽ kết thúc. Các diễn viên và nhân viên Nhật Bản đều ở trình độ cao. Nhiệm vụ của tôi là hỗ trợ họ và đưa họ ra thế giới", nam diễn viên chia sẻ.
Theo Sanada, ở Hollywood, bạn không thể ngủ quên trên chiến thắng. “Thật thú vị khi nhìn thấy các diễn viên gạo cội làm việc không mệt mỏi. Tôi muốn được giống như họ", anh nói.
Theo Deadline, tập mở màn của "Shogun" đã đạt thành tích ấn tượng với 9 triệu lượt xem trên các nền tảng trực tuyến toàn cầu của Hulu, Disney+ và Star+ trong tuần đầu ra mắt. Con số này đưa "Shogun"vượt qua mùa 2 của"The Bear" - bộ phim đã bội thu các giải thưởng truyền hình suốt thời gian qua. Nhưng con số còn đáng chú ý hơn nữa đó là đánh giá gần như hoàn hảo dành cho series phim truyền hình mới này, lên tới 99% trên Rotten Tomatoes, cùng hàng loạt những "lời ngợi ca có cánh" đến từ báo giới.
Tờ The Washington Post cho rằng, "Shogun" như là một phiên bản hấp dẫn của "Game of Thrones" (Trò chơi vương quyền) với bối cảnh Nhật Bản những năm 1600 cùng những câu chuyện đấu tranh quyền lực, những mưu đồ chính trị khó lường và sự phức tạp đan xen của những vấn đề về tôn giáo, cuộc đụng độ giữa nền văn minh phương Đông và phương Tây… Đức tin, lòng trung thành, tham vọng dẫn dắt các nhân vật tới những lựa chọn khác nhau ở thời điểm mang tính chất bước ngoặt cho nhiều sự kiện lịch sử có thật.
Sự khác biệt nổi bật và gây thu hút, tò mò cho khán giả đó là cách "Shogun" thể hiện vai trò, tiếng nói của người phụ nữ Nhật Bản thời phong kiến, đặc biệt là qua nhân vật Lady Mariko – một người có khả năng giao tiếp, kết nối với người phương Tây, bộc lộ trí tuệ, tầm nhìn sắc sảo nhưng lại có đời sống nhiều bí ẩn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.