Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 28/3, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội, đang điều tra vụ nhân viên bảo vệ tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, bị tài xế taxi tông trọng thương và tử vong sau đó.
Công an huyện Gia Lâm cho biết, tài xế tên Trịnh Bá Trọng (SN 1984, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm) đã bị bắt giữ. Trọng có biểu hiện chống đối, không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.
Kết quả xác minh nồng độ cồn của người này là 0,454 mg/l khí thở. Mức vi phạm này vượt mức xử lý kịch khung theo quy định tại Nghị định 100 (trên 0,4 mg/l khí thở).
Chiều cùng ngày, mạng xã hội chia sẻ thông tin chiếc ôtô taxi màu trắng, biển vàng di chuyển trong khu vực nội bộ của khu đô thị đã tông gục một bảo vệ.
Nạn nhân bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu. Theo nội dung bài đăng, xe taxi trên đỗ sai quy định nên bị bảo vệ nhắc nhở và khóa bánh. Sau đó, tài xế lái xe đâm thẳng vào nhân viên bảo vệ.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với những gì diễn ra trong clip cho thấy người lái xe ôtô đã đâm vào phía sau của người điều khiển xe máy gây ra vụ tai nạn giao thông, khiến nạn nhân thương tích nghiêm trọng, được đưa đi bệnh viện cấp cứu và thông tin hiện nay xác định đã tử vong.
Theo quy định của luật giao thông được bộ, người tham gia giao thông phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát. Khi gặp chướng ngại vật phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, có thể dừng lại.
Bởi vậy tất cả những vụ việc mà người tham gia giao thông không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát, đâm vào đuôi xe của phương tiện di chuyển cùng chiều thì người điều khiển phương tiện phía sau có lỗi .
Hành vi có lỗi khi tham gia giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như chết người, thương tích của nạn nhân từ 61% trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, người vi phạm giao thông đường bộ có lỗi sẽ phải chịu trách nhiệm theo Điều 260 Bộ luật hình sự.
Theo ông Cường, trong vụ tai nạn giao thông nêu trên, hành vi vi phạm giao thông đường bộ và hậu quả đã rõ, đây là vấn đề thỏa mãn mặt khách quan của tội phạm.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ mặt chủ quan của tội phạm. Trong đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển lái xe ôtô.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người này do thù tức với người bảo vệ và đã sử dụng phương tiện giao thông (nguồn nguy hiểm cao độ) để đâm thẳng vào người bảo vệ, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra hoặc mong muốn hậu quả chết người xảy ra, đây là hành vi giết người, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật hình sự mà không phụ thuộc vào hậu quả nạn nhân có tử vong hay không.
Vị chuyên gia nêu quan điểm, ai cũng nhận thức được rằng xe ôtô là nguồn nguy hiểm cao độ, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải rất thận trọng, khi điều khiển phương tiện phải chú ý quan sát, làm chủ tốc độ và giữ khoảng cách đối với phương tiện phía trước.
Trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông xảy ra tai nạn mà không có lỗi, vẫn phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân.
Còn trường hợp người nào sử dụng xe cơ giới là phương tiện để muốn gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích tùy thuộc vào tính chất mức độ hành vi và tùy thuộc vào hậu quả cụ thể.
"Trong vụ việc này chắc chắn cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, còn khởi tố về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260) hay tội Giết người (Điều 123) còn phụ thuộc vào mặt chủ quan của tội phạm, trong đó xác định lỗi của người vi phạm là lỗi cố ý hay vô ý đối với hậu quả vụ tai nạn xảy ra" – ông Cường thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.