Liên quan đến sự việc một lái xe tải ở Hải Phòng đánh lái “xuất thần” cứu hai cô gái ngã ra đường, tuy không gây thiệt hại vào người nhưng làm hư hỏng tài sản của người khác và của chính mình.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong trường hợp này mặc dù lái xe tải đã gây thiệt hại về tài sản cho người khác (kể cả trường hợp có thương vong) nhưng không phải bồi thường vì thuộc trường hợp tình thế cấp thiết được quy định tại Điều 23 Bộ luật hình sự 2015.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: IT
Luật sư Thơm phân tích, tình thế cấp thiết là tình thế của người đứng trước sự đe dọa đến lợi ích được pháp luật bảo vệ đồng thời muốn bảo vệ lợi ích này, người ta không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại cho lợi ích khác cũng được pháp luật bảo vệ.
Trong luật hình sự, người được coi là đã hành động trong tình thế cấp thiết khi người đó đã biết hy sinh một cách hợp lý lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích khác lớn hơn, cần thiết hơn. Chính vì tính hợp lý này mà về mặt xã hội, có thể coi việc hành động trong tình thế cấp thiết là hành động có ích.
Còn về mặt hình sự, hành động này không bị coi là tội phạm, nên việc gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Đồng thời, người có hành vi gây thiệt hại sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thông thường, nhiều lái xe bị bất ngờ khi gặp chướng ngại vật đã đánh xe và lao thẳng vào phía bên đường, có thể lao vào nhà dân.
Nhưng trong trường hợp này, lái xe đã bẻ lái hạn chế thấp nhất việc va chạm trực tiếp với nhà dân, tránh gây hậu quả lớn là việc làm cần thiết.
Tuy bị thương nhưng anh Tiến vẫn cho rằng mình là người may mắn. Ảnh: IT
Do đó, việc gây thiệt hại về tài sản trong tình thế cấp thiết, theo quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 thì lái xe và chủ phương tiện thuộc trường hợp miễn trừ trách nhiệm dân sự.
“Lái xe tải xứng đáng được vinh danh vì đã hy sinh lợi ích của mình để cứu hai người. Theo luật, nếu như chủ xe con chưa mua bảo hiểm thân vỏ thì lái xe tải cũng không phải bồi thường. Còn nếu có bảo hiểm, phía công ty bảo hiểm sẽ chi trả chi phí sửa chữa. Còn về tình, tùy sự thỏa thuận của hai bên”, luật sư Thơm cho biết.
Về trách nhiệm của hai cô gái, luật sư Thơm cho rằng rất khó để quy trách nhiệm cho hai người này vì họ cũng là người bị tai nạn trong một tình thế không mong muốn.
“Điều đáng nói ở đây là tình người, nếu như hai cô gái kia không đứng dậy bỏ đi mà ở lại hỏi han, cảm ơn người lái xe xe tải vì đã có hành động dũng cảm và nhanh trí để cứu mình sẽ hợp lý hơn. Hai người này là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ việc”, luật sư nêu quan điểm.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, những ngày qua trên mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh hai xe máy xảy ra va chạm khiến cô gái ngã xuống giữa đường. Đúng lúc này, tài xế xe tải chở đá đi tới nhanh chóng đánh lái để tránh đâm trực diện vào hai người ngã.
Tuy tránh đâm vào hai người nhưng xe tải do đánh lái sang hết phần đường bên trái nên đã va chạm phải xe ô tô con và sau đó cũng bị lật nhào ra đường, đá trên thùng xe đổ vung vãi. Sự việc diễn ra tại đường 359C, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Sau khi clip xuất hiện trên mạng xã hội đã thu hút nhiều bình luận khen ngợi tài xế xe tải xử lý tình huống tốt, không gây thương vong về người.
Được biết, người điều khiển xe tải là anh Đỗ Văn Tiến (trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng).
Điều 23 Bộ luật hình sự 2015 quy đình về tình thế cấp thiết như sau:
1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.