Dành hơn 59 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Ông Nguyễn Hữu Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Đại cho biết, xã có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 2.768ha, với 5.907 khẩu. Năm 2011, khi phát động xây dựng xã NTM, cơ sở hạ tầng của địa phương vẫn hết sức thiếu thốn, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao, hơn 20%.
“Khi bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Đại xác định mục tiêu quan trọng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bằng việc làm cụ thể và mang tính bền vững. Theo đó, xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động người dân tích cực cải tạo vườn tạp, chủ động chuyển từ trồng lúa sang phát triển kinh tế vườn đồi, trồng rừng… Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện” - ông Bình chia sẻ.
Trang trại chăn nuôi của gia đình bà Trần Thị Tuyết cho thu nhập khá. ảnh:Trương Hồng
Ngoài việc đầu tư phát triển sản xuất, Tam Đại đã dành các nguồn lực để xây dựng 10km đường giao thông trục xã, liên xã, đạt tỷ lệ 100%; xây dựng 24,7/28,6km trục liên thôn, đạt 86,36%; 16,64km đường ngõ, xóm, đạt 100% và hơn 2km giao thông nội đồng... Tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM tại xã Tam Đại đạt 59.013,09 triệu đồng, trong đó nhân dân góp hơn 24.846 triệu đồng, chiếm 42,1%...
Bên cạnh đó, xã đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp tại 6 thôn với 80ha cho giá trị thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm. Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương mại phát triển khá sôi động, với 208 cơ sở sản xuất kinh doanh, 10 tổ hợp tác và 2 HTX đang hoạt động có hiệu quả.
Phấn đấu đạt 40 triệu đồng/người/năm
Bà Trần Thị Tuyết (trú thôn Đại An, xã Tam Đại) hiện là một trong những hộ nông dân điển hình của xã với mô hình trang trại tổng hợp trồng rừng và nuôi gần 3.000 con chim cút. Mỗi ngày bà xuất bán ra thị trường 2.000 quả trứng, 200 con chim thịt, thu nhập bình quân 700.000 - 800.000 đồng/ngày. “Có được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của chính quyền xã. Qua các chương trình hỗ trợ nông dân, đến nay mô hình nuôi cút, nuôi gà, trồng rừng của gia đình tôi đã thành công và cho thu nhập khá, nhờ vào đó mà có đồng ra, đồng vào nuôi các con ăn học…” - bà Tuyết tâm sự.
Ông Nguyễn Hữu Bình cho biết thêm: “Để giữ vững và nâng cao 19/19 tiêu chí đã đạt, thời gian tới Tam Đại sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân để đảm bảo mức thu nhập bình quân 40 triệu đồng/năm vào năm 2020. Để làm được điều này, xã đang quy hoạch lại vùng sản xuất, trong đó chú trọng sản xuất lúa giống hàng hóa, lúa chất lượng cao, chuyển 5ha trồng màu tại đồng Cát, đồng Xoài sang chuyên canh rau sạch, an toàn...”.
Đặc biệt, xã cũng sẽ quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, vận động nhân dân sử dụng các loại giống cây cho chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như keo lai hom, keo cấy mô; tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm…; không ngừng đầu tư nâng chuẩn cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về sản xuất, cơ giới hóa, thủy lợi…
“Tin vui là UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đầu tư nâng cấp 2 trạm bơm Phước Thượng và Đại Hanh với tổng mức đầu tư 4,2 tỷ đồng, dự kiến sẽ triển khai trong năm nay. Khi công trình đi vào hoạt động, chắc chắn việc sản xuất của bà con sẽ rất hiệu quả…” - ông Bình nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.