“Âm thầm làm chỗ dựa”
Trong ngày 22.10, ngày khai mạc kỳ họp thứ 4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành những đánh giá tốt đẹp cho ngành nông nghiệp: "Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển, giữ vai trò rất quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn. Giá trị sản xuất toàn ngành cả năm đạt khoảng 3,9%. Sản lượng lúa cả năm ước đạt trên 43 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm 2011, xuất khẩu 7,4 triệu tấn gạo...".
|
Các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều trên nghị trường QH. |
Về những con số này, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế -xã hội, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói: "Nông thôn thực sự là bệ đỡ cho các lĩnh vực khác khi gặp khó khăn. Trên 300.000 lao động mất việc làm trong năm 2012 đã về nông thôn tạm sống không tạo sức ép lớn về an sinh xã hội".
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng dùng những lời lẽ đầy hình ảnh để ca ngợi nông dân: "Một lần nữa trong lịch sử dân tộc khi đất nước khó khăn, nông dân lại âm thầm làm chỗ dựa vững chắc cho đất nước, cho cách mạng. Ơn nghĩa đó phải được đền đáp xứng đáng vì đó là đạo lý cao nhất".
Tại kỳ họp, Thống đốc Ngân hàng hứa sẽ tăng cường đưa vốn về nông thôn; Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng NNPTNT hứa sẽ thực hiện tốt hơn việc bán nông sản Việt; Thủ tướng cũng đưa ra những chủ trương, chính sách tăng đầu tư cho nông thôn trong năm 2013.
Nhưng cái ơn nghĩa như ĐB Đáng đề cập chưa được đền đáp xứng đáng cho người nông dân. Nông thôn Việt Nam được các ĐB phản ánh ở nghị trường còn vô vàn khó khăn; đời sống người nông dân còn rất nghèo do giá nông sản rẻ, thiếu vốn sản xuất.
Chính phủ thừa nhận: "Do nguồn lực còn hạn chế nên việc mở rộng diện và nâng mức hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu".
Các ĐB cũng mang đến nghị trường nhiều nỗi khổ của người nông dân mà không phải do họ tạo ra. Đó là việc nông dân mất đất rồi mất luôn thu nhập, thất nghiệp. Hay như câu chuyện Thủy điện Sông Tranh 2, khiến hàng triệu nông dân ở Quảng Nam lo nơm nớp vì động đất. Thủy điện có lẽ là câu chuyện "điên đầu" nhất của các ĐB với khu vực nông thôn.
"Tái cơ cấu" nông nghiệp
Có lẽ, ít kỳ họp nào mà ĐB lại lên tiếng kêu gọi Chính phủ tập trung đầu tư cho tam nông nhiều đến vậy. ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) nói: "Nâng mức đầu tư công cho nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vì đây là đối tượng địa bàn chiến lược, là chỗ dựa an toàn cho tình hình kinh tế suy giảm và chính sách an sinh xã hội". ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cũng ngắn gọn: "Tôi đề nghị phải có một chiến lược đầu tư dài hạn cho khu vực này".
Đầu tư, trước hết là vốn, trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, việc nông dân khó tiếp cận vốn, vốn hỗ trợ về nông thôn không trúng đích được nêu ra. Trong phiên chất vấn, các ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng)… yêu cầu phải thúc đẩy tiêu thụ nông sản, phải xây dựng bằng được thương hiệu nông sản, trước hết là nâng vị thế của hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Như vậy, các ĐB không chỉ mong Chính phủ đầu tư có chiều sâu, để nông thôn không còn "gánh nặng" cho Chính phủ với các chính sách an sinh xã hội; mà ĐB còn muốn có một khu vực nông thôn với người nông dân và nền nông nghiệp phát triển bền vững. Tiến sĩ Trần Du Lịch (ĐB TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: "Gốc của vấn đề là phải tạo ra một nền nông nghiệp từ giá trị tăng thấp, khai thác tài nguyên sang nông nghiệp giá trị cao".
Tại kỳ họp, Thống đốc Ngân hàng hứa sẽ tăng cường đưa vốn về nông thôn; Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng NNPTNT hứa sẽ thực hiện tốt hơn việc bán nông sản Việt; Thủ tướng cũng đưa ra những chủ trương, chính sách tăng đầu tư về cho nông thôn trong năm 2013. Điều đó ít nhiều làm các ĐB yên tâm; cử tri vui mừng chờ đợi và họ sẽ giám sát những lời hứa đó.
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.