Tâm sự của nạn nhân bị bạo lực gia đình chồng đâm gãy xương sườn
Tâm sự của nạn nhân từng bị bạo lực gia đình: "Chồng dùng kéo đâm bị thương, đánh tôi gãy xương sườn..."
Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 22/07/2022 06:13 AM (GMT+7)
Số vụ bạo lực gia đình gia tăng, một phần do cuộc sống hiện đại tồn tại nhiều mâu thuẫn, phần khác là vì nạn nhân đã dám bước ra khỏi bóng tối, tìm tới ánh sáng.
Nạn nhân bị bạo lực gia đình: "Tận cùng của nỗi đau, phía cuối con đường tôi đã tìm thấy ánh sáng"
Đó là lời chia sẻ đầy nước mắt của chị Nguyễn N.L 45 tuổi (Thường Tín, Hà Nội). Gần 20 năm sống trong cuộc sống hôn nhân là chừng đó thời gian chị đối mặt với một người chồng vũ phu, bạo lực.
Mới đây chị N.L đã từng chia sẻ lại quãng thời gian đau đớn đến tột cùng ấy với cộng đồng, hy vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình, giúp họ bước ra khỏi bóng tối.
Chị N.L nhớ lại quãng thời gian cách đây 5 năm, lúc đó con gái của chị cũng học lớp 12 cháu bắt đầu thi đại học. "Bình thường tuần vài lần chồng tôi lại gây sự, đánh mắng tôi. Thương con nên tôi cố chịu đựng, càng chịu đựng anh ta càng lấn tới. Đỉnh điểm là đúng ngày thi của con, anh ta đánh tôi bầm dập cơ thể, gãy xương sườn và còn dùng cả kéo đâm tôi bị thương".
Lúc ấy, chị đã vô cùng bế tắc, không biết đi đâu về đâu, chị đã từng nghĩ tới cái chết. Rồi chị được một người lạ gợi ý gọi qua đường dây tư vấn của Ngôi nhà bình yên tại Hà Nội. Sau khi nghe tư vấn, nhân viên của ngôi nhà đã hỗ trợ đưa tôi đến Ngôi nhà bình yên để tạm lánh.
Lúc đó, trong đầu chị N.L vẫn còn chưa định hình được Ngôi nhà bình yên là thế nào. Phải mất một thời gian sau khi được nhân viên hỗ trợ, trị liệu tâm lý, điều trị sức khỏe chị mới ổn định lại. Không những thế, ngôi nhà bình yên còn hỗ trợ để chị tiếp cận với các dịch vụ pháp lý. Nhờ vậy, chị nhanh chóng ly hôn được với chồng, con gái cũng thi đậu đại học và giờ cháu tốt nghiệp loại giỏi, chuẩn bị đi làm.
"Thật may, cảm ơn các cán bộ của ngôi nhà bình yên, nhờ có họ, có cộng đồng không bỏ mặc tôi mà mẹ con tôi đã sống sót, tìm lại được niềm vui, hạnh phúc. Tận cùng của nỗi, đau phía cuối con đường tôi đã tìm thấy ánh sáng", chị N.L nói.
Bà Lê Thị Thủy - Nguyên là giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển cho biết hoàn cảnh của chị N.L chỉ là một trong hàng nghìn nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ. Trước đó, trung tâm đã can thiệp cho nhiều nạn nhân có hoàn cảnh và câu chuyện còn bi đát hơn.
Có người còn bị chồng đánh đập suốt nhiều năm, rồi đi ngoại tình thậm chí mang cả bồ về nhà ngủ trước mặt vợ. Bị bạo hành, nhưng nhiều nạn nhân không thể bỏ chạy bởi chồng không đồng ý ly hôn. Sau khi được nhân viên tham vấn hỗ trợ hầu hết các trường hợp can thiệp đều có kết quả tích cực.
Có những nạn nhân của bạo lực gia đình đã mất hoàn toàn niềm tin vào bản thân
Chị Đỗ Hà Lệ - Cán bộ xã Hội của Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh (Ngôi nhà tạm lánh cho trẻ em gái và phụ nữ bị bạo lực gia đình) cho biết, thời gian làm tại ngôi nhà chị đã tiếp xúc hỗ trợ tham vấn cho rất nhiều nạn nhân. Khá nhiều nạn nhân sau một thời gian dài hứng chịu bạo lực gia đình họ gần như mất hết niềm tin vào cuộc sống, vào bản thân.
Có chị khi bước chân vào Ngôi nhà Ánh Dương, liên tục nghĩ tới cái chết. Có chị đã không thể cất nên lời, chỉ ứa nước mắt khi cán bộ hỗ trợ tham vấn, hỗ trợ. Sau vài ngày im lặng có nạn nhân mới dám kể lại những lần bị chồng bạo hành và những uất ức mà họ phải chịu đựng.
"Tôi đã phải rất cố gắng giữ bình tĩnh khi lắng nghe câu chuyện của một nạn nhân bị bạo hành. Chị kể chị bị chồng đánh, túm tóc đầu rồi dí đầu xuống đất, anh ta còn dùng giày dẫm lên đầu lên mặt rồi di di mặt chị xuống đất. Lúc ấy chị thậm chí còn chẳng thấy đau chỉ cảm thấy mất hết niềm tin vào cuộc sống, thấy thân phận của mình chẳng khác gì một con kiến", chị Lệ kể lại.
Theo chị Lệ, những nạn nhân của bạo lực thường rất đa dạng, nhưng đa phần đều gặp phải các tổn thương từ: Thể chất tới tinh thần. Nhiều người còn đối mặt cả với các vấn đề bạo lực về kinh tế, sống kham khổ.
Chính bởi điều đó, việc trị liệu, hỗ trợ cho các nạn nhân bạo lực gia đình thường trải qua một thời gian dài, bền bỉ. Việc đầu tiên là phải giúp họ tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống, cảm thấy tự tin hơn vào bản thân, chân trọng bản thân. Có như vậy mới có sức mạnh vượt lên.
Trong thời gian qua, ngôi nhà Ánh Dương tiếp nhận, hỗ trợ 23 trường hợp nạn nhân bị bạo lực gia đình, trong đó có 13 người có nhu cầu tạm lánh tại ngôi nhà Ánh Dương. Có những nạn nhân tạm lánh tới 30 ngày.
“Chúng tôi mong những nạn nhân tới với ngôi nhà Ánh Dương sớm tìm lại được chính mình, vượt qua được những khổ đau để sống hạnh phúc. Chỉ cần mọi người có nghị lực, có niềm tin vào bản thân thì khổ đau nào cũng phải qua đi", chị Lệ nhắn nhủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.