Tâm sự đầu năm của tác giả "Mùa xuân làng lúa làng hoa"

Thứ ba, ngày 24/01/2012 07:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến Tết năm 2012 này, ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của tôi tròn 30 tuổi. Tôi chợt nhớ về cái Tết của năm 1982, thật vui biết bao khi ca khúc được NSND Thanh Hoa hát lần đầu trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Bình luận 0

Cánh đồng làng ven đê

“Mùa xuân làng lúa làng hoa”, tôi viết cách đây đã nhiều chục năm xuất phát từ một kỷ niệm riêng tư, để tặng cho làng hoa Nghi Tàm Hà Nội.

img
Hoa thược dược ở làng hoa Nghi Tàm.

Trước khi đặt bút viết, tôi suy nghĩ nhiều lắm, viết về Hà Nội, về hồ Tây thì nhiều người trước tôi đã từng viết và viết rất hay, liệu mình có vượt được không. Rồi một lần tôi đạp xe đi theo đường từ Bưởi lên mạn Xuân La, Xuân Đỉnh, đi trên đường đê, tôi chợt thấy bên tay phải là hồ Tây và những làng hoa, bên tay trái là những cánh đồng lúa xanh rập rờn, chợt nảy ra một ý, phải rồi, hồ Tây giống như một hạt ngọc nằm giữa một bên là lúa, một bên là hoa. Những ý nhạc, lời ca chợt bật ra luôn “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng/Sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngào ngạt /Hương hoa bay dào dạt/ Làng hoa em gọi mùa/Mùa xuân!”.

Chính bởi cảm ơn những cánh đồng làng của người dân Xuân La, Xuân Đỉnh mà tôi mới trở về viết đoạn 1 của ca khúc: “Bên lúa, em bên lúa, cánh đồng làng ven đê/Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều”. Nếu không có những cánh đồng ven đê Hồ Tây thì tôi sẽ không bao giờ có được ca khúc ấy.

Bài hát tôi viết cho giọng nữ cao, bởi hồi ấy, tôi thích giọng của ca sĩ Thanh Hoa, nghĩ rằng mình viết bài này là để cho Thanh Hoa hát. Viết xong, tôi mang tới Đài Tiếng nói VN, nói với Ban âm nhạc của Đài là tôi muốn Thanh Hoa hát bài này. Rồi Tết năm 1982, tôi được nghe ca khúc của mình vang lên trên làn sóng, ca sĩ Thanh Hoa là người thể hiện. Tôi thích nhất bản thu đầu tiên, âm nhạc phối khí thì chưa hay, nhưng cảm xúc thì thanh thoát, ngọt ngào.

Thương những con ngõ gạch

Thấm thoắt bao nhiêu mùa tết đã qua, năm nào tôi cũng có cái hạnh phúc được nghe lại ca khúc của mình vang lên vào mỗi dịp mùa xuân. Tôi gọi đó là khúc tình ca đơm hoa từ lòng đất.

Tôi ở làng Giá (Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây cũ) nhưng chơi thân với một người bạn ở làng hoa Nghi Tàm nên hay lên đó chơi. Cái làng này hay lắm, quê không phải là quê, mà phố cũng không phải là phố, những người nông dân trong làng rõ ràng cũng chân lấm tay bùn chả khác gì nông dân làng tôi, nhưng họ lại có vẻ gì đó rất thanh lịch của người Hà Nội.

img
Nghi Tàm, Hà Nội Tết 1973.

Tôi nhớ bà mẹ người bạn của tôi, rõ là một người mẹ nông dân, quanh năm bận áo cánh nâu, gụ, vậy mà mỗi dịp Tết đến, bà cụ mang hoa lên chợ hoa Hàng Lược bán thì trông khác hẳn. Bên ngoài chiếc áo cánh nâu, bà khoác thêm một chiếc áo gi lê màu be hoặc màu kem hồng, tóc vấn gọn trong vành khăn nhung đen, nom rõ rành rành là một người đàn bà Kẻ Chợ. Nếp sinh hoạt trong nhà cũng vậy, từ cách sửa soạn mâm cơm, chén trà, tất thảy đều thanh lịch, nhẹ nhàng, cách sống của người trồng hoa Nghi Tàm hình như cũng đẹp lây, thơm lây từ hoa.

Hoa trồng theo kiểu “công nghiệp” bây giờ tôi thấy chẳng khác gì... gà công nghiệp, thân mập mạp, bông cứng cáp, chẳng còn vẻ diễm lệ của hoa xưa trong vườn.

Tôi nhớ mỗi độ Tết về, hai vườn hoa ven nhà người bạn tôi lại khoe sắc, những bông thược dược đủ màu, hoa dơn (lay ơn) trắng, hồng, hoa violet tím ngắt... đó là những thức hoa người Hà Nội hay bày trong nhà mấy ngày Tết. Và những con ngõ gạch trong làng hoa thì ngấm trĩu sương đêm nên sạch tanh, các mẹ, các chị, các em quẩy những thúng hoa đi bán, tiếng guốc khua giòn giã.

Giờ thì ven hồ Tây, những làng lúa, làng hoa chỉ còn là dĩ vãng. Cuồn cuộn theo cơn sóng đô thị hóa, lúa đã mất mà hoa cũng chẳng còn. Gia đình người bạn tôi có 3 người con trai, mảnh vườn hai bên nhà trước kia để trồng hoa giờ thành 3 ngôi nhà sát cạnh nhau. Những con ngõ gạch thân thương trong làng giờ thay bằng đường bê tông khô cứng. Làng cổ Nghi Tàm xưa có lệ nhà trai làng khác muốn cưới con gái làng phải nộp gạch để làng lát đường, những con ngõ gạch theo bước chân các cô gái làng về nhà chồng mà dài ra thêm mãi, giờ đứt đoạn về đâu.

Đồng lúa và đồng hoa ven hồ Tây cũng về đâu?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem