Đề xuất giảm giờ làm: Chuyên gia ủng hộ, doanh nghiệp lo

Thùy Anh Thứ hai, ngày 27/05/2024 15:06 PM (GMT+7)
Giảm giờ làm việc có ý nghĩa nhân văn với người lao động, nhưng liệu giảm giờ làm có làm giảm năng suất lao động? Vấn đề này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các bên.
Bình luận 0

Giảm giờ làm giúp công nhân được tái tạo sức lao động

Đây là lần thứ 2 Công đoàn tiếp tục đưa đề xuất về vấn đề có liên quan tới giảm giờ làm thêm. Theo đó, Tổng liên đoàn đề xuất giảm giờ làm dần từ 48 giờ xuống 44 giờ, lộ trình giảm xuống còn 40 giờ/tuần. Đây cũng là xu hướng phát triển của thế giới.

Mới đây tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024", đại diện cán bộ công đoàn các cấp cũng đã có những kiến nghị liên quan tới vấn đề này.

Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty Changshin Việt Nam cho biết, năng suất lao động là yếu tố quyết định sự phát triển của một doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Người lao động giảm giờ làm nhưng sợ thu nhập giảm: Ảnh: N.T (lao động làm doanh nghiệp điện tử tại Bắc Ninh)

Người lao động giảm giờ làm nhưng sợ thu nhập giảm: Ảnh: N.T (lao động làm doanh nghiệp điện tử tại Bắc Ninh)

Ông Tuấn Tú kiến nghị Chính phủ xem xét để giảm dần giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần cho phù hợp và theo kịp các nước cùng khu vực.

Theo ông Tú, việc giảm thời gian làm việc tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi dài hơn để tái tạo sức khỏe và chăm lo hạnh phúc gia đình. Đây cũng là cách gián tiếp tăng năng suất lao động.

Luật lao động hiện hành quy định lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho lao động biết.

Không phải cứ giảm giờ làm là giảm năng suất lao động

Phần đa các chuyên gia lao động ủng hộ phương án giảm giờ làm thêm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thì không mấy đồng thuận về vấn đề này.

Đại diện doanh nghiệp FDI làm trong lĩnh vực may mặc tại Hà Nội cho biết, sau 3 năm xảy ra dịch Covid-19 đơn hàng của công ty bị giảm rất nhiều. Công việc của công nhân ít đi, thu nhập cũng giảm theo. Chính bởi vậy, thời điểm này các đơn hàng mới bắt đầu được phục hồi, nếu Chính phủ giảm giờ làm thời điểm này sẽ làm giảm năng suất lao động, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp có sử dụng đông lao động.

Trước các kiến nghị của đại diện doanh nghiệp, đại diện công đoàn cho rằng: Không phải cứ giảm giờ làm là giảm năng suất lao động. Giảm giờ làm nhưng nếu cải tiến được khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất thì năng suất lao động vẫn có thể tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa thể tuân thủ giờ làm việc theo quy định. Ảnh: N.T

Nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa thể tuân thủ giờ làm việc theo quy định. Ảnh: N.T

Trước đó, hồi đầu năm Bộ LĐTBXH đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần.

Bộ LĐTBXH cho biết, giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội vì thế cần nghiên cứu kỹ. Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo một báo cáo, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần (từ 48 giờ/tuần trở lên) và số giờ làm việc trung bình năm (khoảng 2.339 giờ) cao nhất thế giới. Về giờ làm thêm, Việt Nam ở mức trung bình của thế giới, nhưng tình trạng vi phạm giờ làm thêm xảy ra khá phổ biến. Trong khi đó, nước ta có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày) và số ngày nghỉ lễ, Tết ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt trước đó, ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, để giảm giờ làm phải chuẩn bị dần các điều kiện như: Cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập lao động.

"Hiện nay mặt bằng tiền lương, tiền công ở nước ta cơ bản được doanh nghiệp trả theo thời gian làm việc. Do năng suất lao động chưa thực sự cao, mặt bằng thu nhập thấp nên doanh nghiệp vẫn phải kéo dài thời giờ làm việc. Với thực trạng này, nếu giảm giờ làm nữa thì thu nhập của người lao động sẽ giảm theo, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người lao động", ông Huân nói.

Từ những phân tích trên, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, phải chờ đến khi kinh tế ổn định, khoảng sau năm 2030 mới có thể tính tới chính sách giảm giờ làm.

Việc áp dụng giảm giờ làm ngay cho người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần ở thời điểm hiện tại là khó khăn, do vậy có thể giảm bằng việc chỉ nên đi làm sáng thứ Bảy, còn chiều thứ Bảy và Chủ nhật người lao động được nghỉ để chăm lo cho bản thân và gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem