Tăng lương để lao động không nhảy việc, doanh nghiệp lợi hay thiệt?

Thùy Anh Thứ ba, ngày 28/05/2024 13:00 PM (GMT+7)
Tiền lương là một trong 2 lý do, bên cạnh môi trường làm việc tồi, khiến nhiều công nhân nhảy việc. Đó cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến năng suất lao động giảm.
Bình luận 0

Công nhân nói gì về lý do "nhảy việc" liên quan tới tăng lương?

Anh Nguyễn Văn Nam (35 tuổi) công nhân nhà máy chế tác linh kiện điện tử Đài Loan tại Khu Công nghiệp Đông Anh Hà Nội cho biết, anh rời quê từ Thanh Hóa ra Hà Nội làm việc, đi làm được 15 năm, nhưng có tới 7 lần "nhảy việc". Lý do "nhảy việc" cũng rất đa dạng. Có lần công ty cho nghỉ việc vì hết đơn hàng, có lần thì do công việc không phù hợp với anh, có lần nghỉ do dịch Covid-19... nhưng nhiều nhất vẫn là nguyên nhân do chế độ tiền lương thấp.

"Có thời điểm tiền lương của tôi chỉ được 6,5 triệu đồng/tháng, tiền lương của vợ tôi cũng được hơn 7 triệu đồng/tháng. Thu nhập cả 2 vợ chồng chỉ khoảng 14 triệu đồng/tháng khiến vợ chồng tôi rất áp lực vì phải nuôi thêm 2 con nhỏ và lại phải hỗ trợ bố mẹ già ở quê. Không còn cách nào khác tôi phải liên tục tìm việc có mức thu nhập cao hơn", anh Nam nói.

Tăng lương để lao động không nhảy việc, doanh nghiệp lợi hay thiệt?- Ảnh 1.

Anh Nam cho biết, tiền lương thấp không đủ sống khiến anh muốn "nhảy việc" để tìm công việc có mức thu nhập cao hơn. Ảnh: HQ

Theo anh Nam, mỗi tháng dù rất tiết kiệm, gia đình anh cũng đã chi hết khoảng 12 triệu đồng. Chi phí cụ thể: 2 triệu đồng tiền thuê nhà và điện nước; 3 triệu đồng tiền ăn cho 4 người; tiền học cho 2 con là 2 triệu đồng; chi phí xăng xe điện thoại 500 nghìn đồng; tiền thăm hỏi, đình đám khoảng 600 nghìn - 1 triệu đồng; tiền phụ giúp bố mẹ ở quê ốm là 2 triệu đồng... đó là chưa kể các khoản tiền ốm đau hay các khoản lớn phát sinh như đồ đạc dùng trong nhà.

Tất nhiên, trong nhiều trường hợp lao động "nhảy việc" không hẳn là vì tiền lương thấp. Có những lao động chấp nhận "nhảy việc" liên tục để có một môi trường làm việc tốt hơn, được học hỏi nhiều kỹ năng hơn để nâng cao tay nghề. Phần đông, những người nhảy việc vì tiền lương thấp đều rơi vào nhóm có trình độ kỹ thuật thấp, hạn chế chuyên môn.

Năng suất lao động tăng, tăng lương sẽ hạn chế lao động phải "nhảy việc"

Mới đây tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia", bà Phạm Thu Lan - Viện trưởng Viện công nhân, Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng tiền lương, thưởng và phúc lợi có liên quan mật thiết tới sự gắn kết và năng suất lao động.

Theo bà Lan, mọi người lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương, nhất là người có thu nhập thấp. Thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỷ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc. Công nhân, lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhảy việc cao, 8-12%/tháng ở các ngành đông lao động.

Trong quan hệ kinh tế, nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là việc bình thường, nhưng nhảy việc chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự lại là sự lãng phí không đáng có.

Một doanh nghiệp có 1000 công nhân nhưng 1 tháng 100 công nhân liên tục ra vào. Doanh nghiệp này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, làm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ và đào tạo nhân viên… trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất.

Tăng lương để lao động không nhảy việc, doanh nghiệp lợi hay thiệt?- Ảnh 2.

Bà Phạm Thu Lan - Viện trưởng Viện công nhân, Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng tiền lương thấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc tăng năng suất lao động. Ảnh: N.H

"Năng suất của các yếu tố khác đều phụ thuộc vào người lao động. Người lao động không có kỹ năng thì dù doanh nghiệp có nhiều công nghệ hiện đại cũng trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, học tập cũng cần có động lực. Người lao động khi còn đang phải vướng bận kiếm bữa cơm hàng ngày cho gia đình thì học tập cho bản thân không phải là sự ưu tiên. Công nhân, lao động không thể dành thời gian, tâm trí và sức lực cho việc học tập, chưa nói tới người có tiền lương thấp sẽ không có nguồn lực để đầu tư cho học tập của bản thân và con cái", bà Lan nói.

Để giảm thiểu sự nhảy việc do tiền lương thấp, theo bà Lan, Nhà nước cần cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Đảm bảo lao động có thể tiếp cận đủ chi phí cơ bản cần thiết cho lao động và gia đình như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại, giáo dục, quan hệ xã hội, mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai.

Tiếp đó là, tăng độ bao phủ BHXH; thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập; chính sách phúc lợi nhà ở, trường học, bệnh viện; thu hút nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm để cải tiến khoa học công nghệ, nâng cao đời sống cho người lao động từ đó nâng cao suất lao động quốc gia; luật hóa trách nhiệm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn; sự thiện chí của người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn trong việc thiết lập tiền lương tối thiểu nhất là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực hợp tác xã...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem