Tâm tình quê lúa

Hoàng Trọng Thủy Thứ bảy, ngày 01/02/2020 07:00 AM (GMT+7)
Người – có thể có cái duyên từ nhỏ, nhưng phần nhiều có trong quá trình lớn lên, tìm được cái duyên thật khó, bởi duyên luôn “lặn” vào trong. Chợt nhớ câu thơ của người bạn học: “Chị tôi con gái ven sông/Cái duyên lặn giữa mặn nồng phù sa”...
Bình luận 0

Duyên đất, duyên người

Người đời hay nói duyên thầm, hay cái duyên nó lặn vào trong. Đã “thầm” lại “lặn” thì cái mớ bòng bong ấy dễ gì mà tìm được ra hình, ra dáng. Quê tôi Thái Bình -  tỉnh có biển, nhưng những người tôi đã gặp, bất chợt hay thân quen…, có mấy ai “ăn sóng nói gió” bao giờ!? Đem cái nghĩ bộn bề ấy, tôi hỏi chuyện các lão làng, các cụ bảo, nhờ có cái khác ấy mà làm nên một nét duyên đất, duyên người.

 Đất Thái Bình khi thuở hoang sơ, các ngư dân Thanh Hóa, Nghệ An đánh cá ven biển theo con nước, họ đã đến đây và lên bờ, tìm đến ở những gò đất cao. Họ lập nên làng, đắp đê nên đồng và làm nghề trồng lúa. Những năm 1660, Thiền sư Dương Không Lộ đi truyền đạo Phật, đem theo dòng người từ Kinh Bắc về ngụ cư. Và lần cuối, là đoàn quân, khỏe như tráng sĩ theo chân tướng Nguyễn Công Trứ về lấn biển, đào sông.

img

Cánh đồng quê lúa Thái Bình. Ảnh: T.B.S

Ba cuộc di dân ấy đã làm nên miền quê lúa Thái Bình có đa sắc màu văn hóa, với những tập tục và tính cách khác nhau, nhưng hợp lại thành điểm chung là kiên gan chống chọi thiên nhiên, với thù trong, giặc ngoài; vắt mồ hôi xuống đồng để kiếm kế mưu sinh.

Nét đẹp quê hương gắn liền với mỗi con người trong bước đường phương trưởng. Học có được cái duyên, giữ cho được cái duyên – Đó cũng là sự lớn lên về nhân cách, về khẳng định chính mình, để đi tới đích thành công.

Trải qua hàng ngàn năm vậy đã hình thành nên cốt cách con người Thái Bình: Có tính cần cù, tiết kiệm, có cái hay lam, hay làm của người miền Trung đầy nắng gió; có cái lịch lãm, hiền hòa, ham học và vui ca… của người Kinh Bắc; có sự quả cảm, hy sinh và nghĩa khí… của người lính, của những tráng sĩ rời thành đô đi lấn biển, đào sông.

 Nói đến cái duyên, trước hết là nói về người con gái. Nói đến con gái Thái Bình là nói đến vẻ đẹp hiền hòa của người Kinh Bắc, cái đằm thắm, mặn mà pha chút biển của người miền Trung, cái chịu thương, chịu khó, thương người như thể thương thân của tinh thần Phật đạo. Giống như sự lớn lên của hạt lúa: Nảy mầm, thức dậy vươn xa - con gái Thái Bình có những ước mơ dung dị mà lớn lao; đơn giản mà sâu sắc; có tài năng nhưng không quá thể hiện hơn người và biết cách sống với những hành động đối xử xung quanh.

Trải qua biết bao nghèo khó, vất vả, con gái Thái Bình vẫn rắn rỏi, kiên gan vượt lên số phận. Và trong cuộc sống xô bồ, hối hả hiện nay, con gái Thái Bình dù làm nghề nông hay bác sĩ, nhà báo hay thợ hồ…, họ vẫn chăm chỉ việc công – tư, giữ ấm cho hạnh phúc gia đình, giữ được vẻ đẹp hiền hòa, chân chất – Duyên quê. Và vì lẽ đó, mà thời chiến cũng như thời bình, thời bao cấp cũng như thời hội nhập, không ít chàng trai ở nhiều miền đất nước tìm bạn đời, tìm người yêu là cô gái Thái Bình.

Duyên còn nợ…

Nhiều năm sống ở Thủ đô, nhớ về quê, tôi thử gắng tìm một góc nhìn riêng về cái duyên từ lớp trẻ quê ở Thái Bình đang học và làm việc tại Hà Nội. Dường như ai cũng cho rằng, duyên là vẻ đẹp của tâm hồn, của nhân cách, của văn hóa toát ra từ mỗi con người. Nó hiển hiện trong mọi hành vi dù là nhỏ nhất, từ lời nói, nụ cười, lối ứng xử…, thậm chí là trong cách ăn mặc…; để có duyên, giữ được duyên không khác gì mang nợ. Và nợ có trong duyên!

img

Cào ngao trên biển Đồng Châu (Tiền Hải, Thái Bình).Ảnh:  MINH SƠN

Nợ ai? Trước hết là nợ chính mình, sau là nợ cha, nợ mẹ, nợ quê hương! Đó là khi rời cha mẹ, hòa vào cuộc sống tất bật mưu sinh hoặc chạy theo sự phù hoa chốn đô thành. Con người dễ đổi thay, cũng có thể là tóc, áo quần theo mốt lạ, là ngại cả giọng nói của chính mình; là nhịn ăn, nợ học phí… dành mua điện thoại, xe máy sành điệu… Và cứ theo thói quen suồng sã ấy, dần dà sẽ mất đi sự ham học, thẳng thắn, chân thành…

Vẻ đẹp ngoại hình đi cùng một cái đầu rỗng thì sẽ là thảm họa cho tương lai! Bởi thế, không chỉ với người quê lên phố, mà cả người quê đang ở lại quê nhà, hãy không ngừng chăm chút cho dung nhan và sức khỏe, chăm lao động, trau dồi kiến thức, học hỏi cách ứng xử chân thành, để đoàn kết cùng nhau tiến bộ.    

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem