"Tân binh" ghi dấu ấn ở thị trường thế giới: Mía tươi lên đường sang Mỹ, tép muối sang Hàn Quốc...

Minh Huệ Thứ bảy, ngày 10/02/2024 12:37 PM (GMT+7)
Đóng góp cho kết quả xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt 53 tỷ USD, ngoài những mặt hàng chủ lực quen thuộc phải kể đến sự góp mặt của một số “tân binh” như sầu riêng, mía tươi, bưởi Diễn…
Bình luận 0

Mía xứ Mường sang Mỹ

Trong khi xuất khẩu đường của Việt Nam đang ở thế "dồn vào chân tường" thì một số doanh nghiệp ngành mía đường lại tìm được một hướng đi mới, đó là xuất khẩu mía tươi, mía tím đặc sản. Tuy doanh số còn ít ỏi, song từ những trái ngọt đầu tiên, các doanh nghiệp tin tưởng sẽ gặt hái được nhiều đơn hàng lớn hơn trong năm mới.

Ông Nguyễn Huy Nhuận – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, giọng vẫn đầy hào hứng khi kể với phóng viên: Sau hơn 4 tháng đàm phán trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ, ngày 19/3/2023, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (trụ sở ở TP.Hòa Bình) đã xuất khẩu thành công đơn hàng hơn 17 tấn mía trắng đầu tiên vào Mỹ. 

Từ sau chuyến container đầu tiên, đến nay doanh nghiệp đã xuất khẩu thêm 300 tấn mía tươi và hàng chục máy ép nước mía. Ngoài thị trường Mỹ, cây mía xứ Mường còn được xuất khẩu sang Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Điều này cho thấy dù sản phẩm mới bắt đầu đi từ nơi sản xuất nhưng đã định hình rõ về cách thức, phân khúc khách hàng tại nơi tiêu thụ.

"Tân binh" ghi dấu ấn ở thị trường thế giới: Mía tươi lên đường sang Mỹ, tép muối sang Hàn Quốc...- Ảnh 1.

Những cây mía xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn về độ ngọt, dư lượng thuốc BVTV và vượt qua hàng rào kiểm dịch ngặt nghèo. Hiện tỷ lệ mía đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại mỗi vườn chỉ đạt 70 - 75%. Ảnh: Thiên Ngân

Cũng trong năm 2023, Hòa Bình còn có 20 tấn quả sấu cấp đông xuất sang Nhật Bản; 43 tấn rau cải sang Anh; 6 tấn phở sang châu Âu; 56 tấn măng chế biến sang Nhật Bản, EU...

Với tỉnh Hòa Bình, mía tím và mía trắng từ lâu đã trở thành loại cây đặc sản và chủ lực của tỉnh, nổi tiếng có chất lượng tốt, mềm, ngọt, phù hợp ăn tươi và ép nước uống. 

Ông Nhuận cho biết, khách hàng nước ngoài đang có nhu cầu rất lớn đối với mía tươi của Hòa Bình, trung bình từ 1 – 4 container/tháng, trong đó mía tím chủ yếu bán đi Nhật Bản, mía trắng bán nhiều cho doanh nghiệp Mỹ, Canada. 

Đặc biệt là khách hàng Canada, Mỹ, Nhật đã sang tận các vùng trồng mía ở Tân Mỹ, Ân Nghĩa, Yên Hiệp (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) để tìm hiểu, khảo sát vùng trồng và họ rất tin tưởng chất lượng cây mía trồng tại xứ Mường.

"Trước đây nông dân địa phương chủ yếu trồng mía theo kinh nghiệm, bán tại chỗ với giá dao động từ 2.000 – 4.000 đồng/cây, thì nay trồng mía xuất khẩu theo quy trình VietGAP giá bán có lúc lên tới 12.000 – 15.000 đồng/cây. Tất nhiên không phải toàn bộ diện tích trồng mía đều đạt giá cao, nhưng hầu hết bà con đã thay đổi cách thức trồng mía theo quy trình an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng doanh nghiệp đưa ra. Đáng mừng nhất là nông dân không chỉ áp dụng VietGAP cho cây mía mà còn nhân rộng ra cây ớt, bưởi Diễn, thanh long…" - ông Nhuận thông tin. 

Những thay đổi đó ngay lập tức thu được trái ngọt khi đầu tháng 12/2023, Hoà Bình đã xuất khẩu được 16 tấn bưởi Diễn đầu tiên đi Mỹ trong tổng số đơn hàng 48 tấn.

"Tân binh" ghi dấu ấn ở thị trường thế giới: Mía tươi lên đường sang Mỹ, tép muối sang Hàn Quốc...- Ảnh 2.

Chế biến và đóng gói sản phẩm mía tươi để xuất khẩu tại Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân. Ảnh: Thiên Ngân

Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Lê Điệp – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân kể thêm: Sau chuyến khảo sát tận ruộng ở Hòa Bình của đối tác Mỹ, họ đặt mua liên tục. Năm 2023, chúng tôi đã xuất bán được hơn 300 tấn mía trắng sang Mỹ, ngoài ra còn xuất khẩu mía tươi, củ sả, vải thiều sang Nhật Bản, Hàn Quốc. 

"Từ những chuyến hàng thành công, đối tác Hàn Quốc rất tin tưởng và đặt hàng chúng tôi làm thêm mặt hàng mới là tép biển muối. Từ tháng 9 tới nay, Tiến Ngân đã xuất khẩu được 400 tấn tép muối sang nước này, còn nhiều hơn cả sản lượng mía xuất khẩu, đem lại giá trị lớn cho doanh nghiệp cả về doanh thu lẫn uy tín, thương hiệu" - ông Điệp tự hào nói. 

Theo Sở NNPTNT Hòa Bình, lô mía xuất khẩu đầu tiên sang Mỹ là của 2 hộ gia đình ở xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn. Chị Bùi Thị Yến (thôn Mặc, xã Tân Mỹ) vui vẻ cho hay: Lúc công ty đến thu mua mía, gia đình chỉ nghĩ bán như bình thường, sau đó mới biết mía của nhà mình đã được chọn xuất khẩu đi Mỹ nên thấy rất tự hào. 

"Vụ này, mía nhà tôi bán được với giá cao hơn mọi năm khoảng 2.000 đồng/cây. Cứ ổn định như thế này thì năm tới tôi sẽ trồng nhiều hơn, không còn phải trồng xen cây nọ cây kia nữa" – chị Yến nói.

"Tân binh" ghi dấu ấn ở thị trường thế giới: Mía tươi lên đường sang Mỹ, tép muối sang Hàn Quốc...- Ảnh 3.

Từ thị trường đầu tiên là Nhật Bản, sản phẩm mía tươi của Hoà Bình đã mở rộng sang thị trường khác như: Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Mỹ... Ảnh: Thiên Ngân

Quả ngọt từ nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất

Để cây mía được cấp mã số vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nhuận cho biết, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước đều tốn không ít công sức. 

"Bà con người Mường trên địa bàn trồng mía theo thói quen từ hàng chục năm nay, bây giờ làm theo cái mới không dễ. Nhưng một khi đã quen thì bà con đều nhất nhất làm theo. Và có một điều rất hay, đó là nếu bà con có 10 tấn mía thì chỉ bán 10 tấn, dù đối tác muốn mua nhiều hơn. Bà con muốn giữ uy tín, chất lượng sản phẩm của mình chứ không đi mua hàng ở nơi khác về trà trộn vào" – ông Nhuận nói.

"Tân binh" ghi dấu ấn ở thị trường thế giới: Mía tươi lên đường sang Mỹ, tép muối sang Hàn Quốc...- Ảnh 4.

Ngoài mía tươi, Hoà Bình còn có nhiều loại nông sản có tiềm năng xuất khẩu như bưởi Diễn, ớt, tinh bột nghệ, củ sả... Ảnh: Thiên Ngân

Theo ông Nhuận, năm 2023, lần đầu tiên có 60 thùng (tương đương 1.080 hũ) các sản phẩm tinh bột nghệ của Công ty TNHH Tinh bột nghệ Nhưng Vần (huyện Lạc Sơn) và trà chanh đào mật ong của Hợp tác xã Hà Phong (huyện Cao Phong) có chuyến "xuất ngoại" sang thị trường Anh. Các sản phẩm được đóng thùng theo quy cách đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và được Công ty cổ phần R.Y.B vận chuyển sang Anh.

Ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhận định, việc xuất khẩu mía tươi, tinh bột nghệ, trà chanh đào mật ong của tỉnh ra thị trường nước ngoài cho thấy các sản phẩm nông sản của xứ Mường còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế. Nếu như năm 2022, doanh nghiệp chỉ xuất bán sang Anh được 1 container bưởi để chào hàng, thì năm 2023 đã có thêm hợp đồng đến từ một số nước EU. Đặc biệt, với đơn hàng 48 tấn quả bưởi từ thị trường Mỹ đã khẳng định giá trị, chất lượng quả bưởi Diễn trồng ở Hòa Bình. 

"Đây là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, cố gắng của bà con nông dân, các HTX trồng bưởi, các doanh nghiệp trong việc vượt qua các rào cản về kiểm dịch, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV…"– ông Sứ cho hay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem