Tận cùng nỗi đau của cặp vợ chồng già vùng "sơn cước"

An Sơn (Dòng đời) Thứ hai, ngày 08/12/2014 11:21 AM (GMT+7)
Gần 40 năm qua, cuộc sống của vợ chồng ông Hồ Văn Ô và bà Kăn Đa ở thôn Pơ Nghi, xã A Ngo (A Lưới, Thừa Thiên - Huế) là những chuỗi ngày đầy nước mắt bởi những người con đang khỏe mạnh bỗng dưng bị tàn tật, mắc bệnh điên. Con cái bị bệnh tật hành hạ trong khi cha mẹ đều đã tuổi cao sức yếu khiến gia đình ông Ô bị đẩy vào đường cùng. 
Bình luận 0

Đó là một ngôi nhà lụp xụp, trống hoác, nằm chênh vênh bên sườn đồi. Lúc chúng tôi đến, vợ chồng ông Ô đang ngồi bệt trước hiên nhà, mắt sâu trũng nhìn về phía đại ngàn vô định. Cạnh chỗ vợ chồng này ngồi có một cái chuồng kiên cố được đóng bằng những khúc gỗ to. Đó là nơi “giam chân” người con trai Hồ Văn Ơi (24 tuổi) bị mắc bệnh tâm thần nặng. Phía trong nhà, 2 người con gái tàn tật là Hồ Thị Ir (38 tuổi) và Hồ Thị Eo (36 tuổi) với chân tay co quắp đang ngồi bệt giữa nền đất cáu bẩn. 

Tận cùng nỗi đau 

Sau ngày đất nước giải phóng, vợ chồng ông Ô yêu rồi cưới nhau trong cảnh tay trắng. Từ đó vợ chồng ông cùng nhau kiếm sống bằng việc hàng ngày vào rừng hái măng, chặt củi mang về bán. Bị cơm áo ghì sát đất nhưng cặp vợ chồng này luôn tin tưởng rằng cuộc sống của họ sẽ đổi khác và sẽ có những người con được ăn học nên người. 

img Nhiều năm nay, Hồ Văn Ơi bị giam chân trong chuồng gỗ. (Ảnh:  An Sơn)

Cách đây 38 năm, người con gái đầu lòng Hồ Thị Ir của vợ chồng ông chào đời khỏe mạnh và xinh xắn như bông hoa rừng khiến bà con lối xóm trầm trồ khen ngợi. Vậy nhưng, khi Ir vừa tròn 1 tuổi thì bi kịch bất ngờ ập đến. Ir đang khỏe mạnh thì bỗng lên cơn sốt rồi bị co giật. Không có tiền đưa con đến bệnh viện chữa trị, vợ chồng ông đi gặp hết thầy lang này đến thầy lang khác xin thuốc nhưng bệnh tình của con vẫn không thuyên giảm. Khoảng 4 ngày sau khi ngã bệnh, tay chân của Ir teo dần rồi co quắp. Khi Ir hết ốm cũng là lúc tay chân bị liệt hoàn toàn. Từ đó, cuộc sống của Ir là những tháng ngày lê lết trong nhà bằng tứ chi dị tật.  

Hơn 1 năm sau ngày Ir mắc bệnh, vợ chồng ông Ô sinh thêm người con gái thứ 2 là Hồ Thị Eo. Eo cũng chào đời lành lặn, xinh xắn, gần 2 tuổi đã biết nói thành thạo. Nhưng khi Eo lên 3 tuổi thì nỗi đau một lần nữa lại xảy đến với gia đình ông. Trong một đêm mưa rừng như trút nước, Eo bỗng dưng bị sốt cao rồi cơn co giật. Sau khoảng một tuần sau được các thầy lang cho thuốc uống, Eo hết sốt nhưng cũng từ đó tay chân của cô bé này bị co quắp và dính vào nhau. Ngoài bị bại liệt như chị mình, Eo còn bị câm và điếc rất nặng. 

Nhưng bi kịch xảy đến với gia đình ông Ô chưa dừng lại ở đó. Nguời con trai Hồ Văn Ơi của ông từng là một thanh niên khỏe mạnh nhất nhì thôn Pơ Nghi. Sau khi 2 con gái đầu bị bại liệt, Ơi là tất cả hy vọng còn lại của vợ chồng ông bà. Nhưng rồi niềm hy vọng ấy cũng đã bị tước đoạt. “Một hôm, nó đang ngồi ăn cơm trong nhà thì bỗng dưng rống lên như con thú rồi chạy thục mạng vào rừng. Sau khi được đưa về nhà, nó liên tục chửi bới, đập phá đồ đạc”- ông Ơi kể trong nước mắt. 

Bảy năm giam con trong chuồng 

Biết con mình bị mắc bệnh điên, không kiểm soát được hành vi, vợ chồng ông Ô vay mượn khắp nơi để đưa Ơi đến bệnh viện chữa trị. Nhưng sau nhiều tháng được đưa đến hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, bệnh tình của Ơi vẫn không thuyên giảm. Bác sĩ bảo bệnh của Ơi phải điều trị lâu dài mới có cơ hội tiến triển nhưng gia cảnh khánh kiệt khiến vợ chồng ông không còn cách nào khác ngoài phải đưa con về nhà tự chăm sóc. 
img Hai người con tàn tật Hồ Thị Ir và Hồ Thị Eo của vợ chồng ông Ô. (Ảnh: An Sơn)

Từ ngày về nhà, bệnh tâm thần của Ơi ngày càng trầm trọng hơn. Không chỉ dừng lại ở việc chửi bới người thân và phá phách trong nhà, Ơi còn trở thành nỗi khiếp đảm của hàng xóm. Thanh niên này thường xuyên đến các nhà trong thôn đập phá, chửi bới và đánh người khiến thôn xóm nhiều phen náo loạn.

Vợ chồng ông Ô phải nhờ hàng xóm chặt gỗ rừng mang về đóng một cái chuồng đặt ngay ở thềm nhà để nhốt Ơi. Bảy năm nay, cuộc sống của Ơi là những tháng ngày bị giam cầm trong cái chuồng gỗ này. Bị giam cầm đằng đẵng, Ơi ngày càng hốc hác, ốm yếu theo thời gian. “Bệnh của hắn ngày càng nặng, có ngày hắn khóc, cười và chửi bới từ sáng đến tối. Vợ chồng tui không biết làm chi khác, vì thả hắn ra là gieo rắc tai họa cho hàng xóm”- bà Kăn Đa nghẹn lời. 

Đang trò chuyện thì cái chuồng gỗ nhốt Ơi rung lắc mạnh. Từ trong chuồng, Ơi vung tay đấm thình thịch vào những thanh gỗ, miệng phát ra những câu nói man dại bằng tiếng Ta Ôi. “Hắn lại kêu đói bụng rồi đó. Mỗi ngày ăn 4-5 bữa mà vẫn đói”- bà Kăn Đa giải thích với tôi rồi xúc một tô cơm nguội độn sắn bưng ra cho con. Tô cơm vừa được bà Kăn Đa đưa vào khe hở giữa hai thanh gỗ thì Ơi đã nhanh tay giật lấy rồi dùng tay bốc bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. “Cùng cực quá nên lâu lắm rồi chưa có tiền để lo cho nó một bữa ăn có thịt, cá. Vì ăn uống thiếu chất nên nó ngày càng gầy rạc đi”- bà Kăn Đa kể thêm. 


Những người con mắc bệnh tật khiến vợ chồng ông Ô ngày càng kiệt sức. Hiện vợ chồng ông đều đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải vào rừng hái măng, chặt củi đem bán kiếm tiền lo thuốc thang, cơm nước cho 3 người con. Phải vắt kiệt sức già nên vợ chồng ông giờ cũng bị mắc rất nhiều bệnh tật. Giọng ông Ô lẫn vào trong cơn gió buốt chiều sơn cước: “Nhiều khi tui bị ngất xỉu khi đang hái măng trong rừng do kiệt sức, may mà được người khác phát hiện.  Có lúc hai vợ chồng nghĩ quẩn nên định tìm đến cái chết để giải thoát nỗi khổ, nhưng khi nghĩ mình khuất núi rồi lấy ai lo cho con nên lại động viên nhau gắng gượng được thêm ngày nào hay ngày đó”.

Theo UBND xã A Ngo, thời kháng chiến chống Mỹ, vợ chồng ông Ô từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Ba người con của vợ chồng ông Ô mắc bệnh nhiều khả năng do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ bố mẹ.  

“Cậu bé trốn trong xó nhà” lại nhập viện

Em Văn Ngọc Trung (7 tuổi, ô 7, lô 108, Đường Đệ, Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) - nhân vật trong bài “Cậu bé trốn trong xó nhà” trên Dòng Đời số 16 bị dị tật hậu môn bẩm sinh, phải trải qua nhiều lần phẫu thuật tái tạo hậu môn nhưng đến nay vẫn phải làm thủ thuật nong hậu môn 2 lần/ngày rất đau đớn. Bị bệnh quái ác nên em luôn bị xa lánh, xua đuổi, không được đi học… Ngay sau khi Dòng đời số 16 và báo điện tử Dân Việt (thuộc NTNN) đăng bài về em, nhiều bạn đọc, nhà hảo tâm đã quyên góp tiền giúp em chữa bệnh. Một nhà hảo tâm (xin giấu tên) ở TP.HCM đã liên hệ với Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM để lên lịch khám, mổ cho bé Trung. Vì đã qua nhiều lần phẫu thuật không thành nên có thể việc chữa trị sẽ kéo dài mới mong thành công. Ngoài viện phí, cha mẹ bé còn phải lo chi phí sinh hoạt suốt quá trình nằm viện, trong khi nhà cháu thuộc diện hộ nghèo. 

Dòng Đời mong bạn đọc quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ bé Trung nhiều hơn nữa để bé có thể chữa khỏi bệnh, hòa nhập cộng đồng, được đi học như mọi trẻ em và có tương lai tốt đẹp hơn. 

Mọi sự quan tâm, hỗ trợ xin gửi về: Anh Văn Ngọc Tuấn, ba bé Trung, tài khoản số 60110000638915 Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam BIDV, Chi nhánh Khánh Hòa. Tài khoản quỹ từ thiện của báo NTNN số 1506311002117 Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Hồ, Hà Nội, ghi rõ: ỦNG HỘ EM VĂN NGỌC TRUNG mổ tái tạo hậu môn.

Mai Khuê
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem