Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, xã NTM Tân Lập đã thực sự “đổi đời”.
Theo ông Bùi Minh Hùng - Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban Quản lý Đề án Xây dựng NTM xã Tân Lập: “Đia bàn Tân Lập rộng tới trên 7.000ha với 9 ấp trong đó ấp xa trung tâm xã là 14km. Trước năm 2008, cả xã chỉ mỗi một đoạn đường vào khu vực nhà thờ được trải nhựa. Các tháng mùa mưa việc đi lại và vận chuyển nông sản của bà con nông dân ở những ấp sâu ra lộ đường nhựa ĐT741 gặp nhiều trở ngại”.
|
Mô hình nuôi cá lăng đặc sản của anh Ngưu Tấn Đạt. |
“Thay áo”
Khi được T.Ư chọn thí điểm xây dựng mô hình NTM, nhân dân Tân Lập không chỉ phấn khởi, mà còn thể hiện sự ủng hộ với việc hàng trăm hộ nông dân góp đất, tháo dỡ các công trình để giao mặt bằng sớm xây dựng các công trình giao thông nông thôn, trường học, đường điện, nghĩa trang...
Để làm thay đổi bộ mặt xã nhà theo hướng hiện đại, chính quyền Tân Lập đã tập trung quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội từ việc xây dựng nghĩa trang, chỉnh trang khu dân, chợ nông thôn; điện – đường- trạm y tế - trường học… đến khu trung tâm hành chính của xã.
Đưa chúng tôi thăm con đường trải nhựa vừa đưa vào sử dụng kéo dài từ ấp 9 ra khu nghĩa trang, ông Bùi Minh Hùng thông tin: “Với 8,138 tỷ đồng vốn đầu tư, đến tháng 4 này xã đã có 6,6km đường giao thông được hoàn chỉnh; 3.46km còn lại đang khẩn trương thi công”.
Nếu cộng cả đầu tư lưới điện, xây dựng 4 trường học và trạm y tế, tổng vốn huy động ở Tân Lập hiện đã lên tới 31,176 tỷ đồng, trong đó nhân dân góp gần 2,2 tỷ thông qua ủng hộ đất, hiện vật kiến trúc. “So với cách đây vài năm, Tân Lập đang khoác lên mình tấm áo mới vừa đẹp, vừa bền”- ông Hùng ví von.
Nhiều mô hình làm kinh tế giỏi
Với tiêu chí tăng tỷ lệ hộ khá giàu, tiến tới không còn hộ nghèo, Tân Lập không chỉ dừng ở thế mạnh là có 3.316ha cao su, 1.240ha điều. Trong quá trình triển khai thực hiện NTM, Tân Lập huy động mọi nguồn lực trong nông dân và khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tạo ra nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và đảm bảo sự bền vững môi trường.
Ông Nguyễn Bá Cường- Chủ tịch Hội ND xã Tân Lập nói: “Qua phong trào ND sản xuất, kinh doanh giỏi, chúng tôi phối hợp với Chi cục BVTV hướng dẫn 19 hộ nông dân bước đầu trồng 3ha rau an toàn; hợp tác với Công ty Công Minh hỗ trợ nông dân trồng xen ca cao trong vườn điều; thành lập CLB nuôi thủy sản nước ngọt với 25 thành viên”.
Nhờ hệ thống hạ tầng cơ sở đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại, nhân dân đã biết phát huy nội lực trong sản xuất. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của xã sẽ vượt mức bình quân của tỉnh Bình Phước.
Ông Bùi Minh Hùng - Chủ tịch UBND xã Tân Lập
Nhờ được chuyển giao KHKT lại được vay vốn lãi suất ưu đãi của Ngân hàng CSXH, Quỹ Hỗ trợ ND và các kênh vốn của các ngân hàng thương mại khác, nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi khá hiệu quả.
Như hộ ông Trần Công Chinh ở ấp 5 bán con giống ếch đạt doanh thu 142 triệu đồng/năm. Cũng ở ấp 3, năm 2009 được Hội ND cho vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND, anh Ngưu Tấn Đạt - một người dân tộc Khmer tận dụng 1.000m2 mặt nước đập hồ Suối Giai đóng bè nuôi cá lăng đặc sản. Năm 2010, anh thả 20.000 con giống, sau 12 tháng nuôi bán thu lãi trên 100 triệu đồng.
Trong khi ở ấp 2, hộ ông Nguyễn Văn Khiền chỉ có 0,6ha đất, ông dựng 400m2 lán trồng nấm bào ngư. Vụ đầu ông làm 12.000 bịch phôi, sau khi trừ chi phí lãi 32 triệu đồng với 2 lao động.
“Năm 2010, xã Tân Lập có 165 nông dân được bình chọn ND sản xuất, kinh doanh giỏi, trong khi tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,3%, giảm một nửa so với cách đây 3 năm”- ông Nguyễn Bá Cường cho biết.
Khuynh Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.