Ông đánh giá thế nào về việc một số doanh nghiệp vận tải tăng giá cước quá cao (tới 20%)?
Giá cước vận tải là do các doanh nghiệp tự quyết định, các cơ quan quản lý và Hiệp hội Vận tải ô tô không thể can thiệp được. Giá xăng dầu ngày 24.2 vừa qua tăng khoảng 20%. Trong khi đó, xăng dầu chiếm từ 40-60% trong tổng giá thành dịch vụ vận tải nên sẽ làm chi phí vận tải tăng khoảng 10%.
Ngoài yếu tố trực tiếp này, các yếu tố về tỷ giá, giá cả các hàng hoá liên quan đến dịch vụ vận tải như phụ tùng ô tô, lương thưởng cho lái xe, công nhân... cũng ảnh hưởng gián tiếp đến cước vận tải; làm tổng chi phí tăng khoảng 15%. Vì vậy, việc tăng giá cước trong thời gian tới là bất khả kháng. Theo tôi, mức tăng hợp lý là 10%.
Doanh nghiệp nên làm gì để đưa ra một mức giá hợp lý?
Các doanh nghiệp cần tiết kiệm chi phí vận tải. Xe khách cần nâng cao hiệu quả sử dụng ghế; các hãng taxi không chạy lòng vòng đón khách để tiết kiệm xăng. Ngoài ra, có thể cơ cấu lại bộ máy, công nhân... để tránh việc tăng chi phí vận tải quá cao. Nếu doanh nghiệp đưa ra mức tăng quá cao sẽ không cạnh tranh với các hãng khác và ảnh hưởng đến doanh thu của chính mình.
Hiện một số doanh nghiệp đã âm thầm tăng giá vé, việc này có bị coi là vi phạm không?
Muốn tăng giá cước, các doanh nghiệp sẽ phải làm các thủ tục kê khai với cơ quan quản lý giá địa phương, doanh nghiệp vận tải hành khách phải in lại vé, thực hiện việc niêm yết giá tại nơi bán vé 7 ngày trước khi tăng.
Nếu tự tăng mà không khai báo là sai quy định. Để tránh việc bị ép giá, hành khách nên vào trong bến để mua vé. Nếu hành khách lên xe rồi mới mua vé, hoặc không mua vé sẽ bị nhà xe lấy giá cao hơn.
Cảm ơn ông!
Sỹ Lực (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.