Tăng cường kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch, môi giới bất động sản tại TP.HCM

Gia Linh Thứ tư, ngày 26/07/2023 08:57 AM (GMT+7)
TP.HCM vừa yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản tại địa phương nhằm thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Bình luận 0

Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn chưa thoát cảnh ảm đạm dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, điểm nghẽn pháp lý và thắt chặt tín dụng. Hệ lụy, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải chật vật cầm cự vì không có dòng tiền, không có nguồn cung sản phẩm mới để giao dịch.

Dự án mới không có, thị trường trầm lắng khiến hoạt động môi giới bất động sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều sàn giao dịch bất động sản đã phải chấm dứt hoạt động vì thiếu dòng tiền để duy trì.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay trong bối cảnh thị trường khó khăn vẫn có một số sàn, công ty môi giới hoạt động theo hình thức "bát nháo", chưa đúng quy định. Vẫn còn trường hợp nhân viên môi giới thì chỉ tiêu doanh số vẫn ra sức "làm phiền" khách hàng.

Chị Liên (36 tuổi, kinh doanh tự do) cho biết mình thường xuyên bị số điện thoại của nhiều người tự xưng là môi giới các công ty bất động sản gọi điện để giới thiệu sản phẩm. Một số người còn "tấn công", làm phiền chị khi gọi vào giờ nghỉ trưa hoặc buổi tối. "Tôi đề nghị nên có hình thức quản lý chặt chẽ hơn hoạt động môi giới. Với các khách hàng không có nhu cầu, các nhân viên môi giới không được làm phiền", chị Liên cho hay.

Tăng cường kiểm tra hoạt động các sàn giao dịch, môi giới bất động sản tại TP.HCM - Ảnh 1.

Hoạt động môi giới bất động sản TP.HCM diễn ra còn phức tạp. Ảnh: Gia Linh

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, những năm qua, hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thường bắt đầu từ hoạt động môi giới bất động sản.

Sau một thời gian hoạt động môi giới bất động sản, tích lũy được vốn, kiến thức, nhất là am hiểu thị trường, nhiều doanh nghiệp môi giới đã trưởng thành và trở thành chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản; trong đó thậm chí có một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản tầm cỡ hiện nay.

Tuy nhiên, chất lượng các sàn giao dịch bất động sản chưa được chuẩn hóa, nên đã dẫn đến không ít vụ việc làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu tài sản và người tiêu dùng, nhà đầu tư. Thậm chí, có trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Vì vậy, HoREA đã từng kiến nghị siết chặt hoạt động môi giới bất động sản và các nhà môi giới, "cò đất", "cò nhà"… Hiệp hội cho biết cả nước có hơn 300.000 nhân viên môi giới bất động sản nhưng mới chỉ có khoảng 10% được cấp chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh Bất động 2014 chỉ yêu cầu "Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản", điều này đã nói lên bất cập, hạn chế về năng lực, chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp của các sàn giao dịch.

Vì vậy, trong dự thảo "Đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)", HoREA đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ về nội dung chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ đã hoàn thành khóa đào tạo về hoạt động môi giới bất động sản và cấp "chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản". Đặc biệt, cần quan tâm việc cập nhật kiến thức hàng năm cho nhân viên môi giới và xây dựng văn hóa kinh doanh của sàn giao dịch.

Tăng cường kiểm tra hoạt động các sàn giao dịch, môi giới bất động sản tại TP.HCM - Ảnh 3.

TP.HCM sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động môi giới, kinh doanh bất động sản. Ảnh: Gia Linh

Bên cạnh đó, động thái mới đây nhất, Sở Xây dựng TP.HCM cũng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản tại địa phương. Mục tiêu nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra 61 sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra, sở này yêu cầu các soanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản chấp hành nghiêm quy định về điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản.

Các sàn phải công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định. Sàn giao dịch có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ pháp lý của bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh, nếu đủ điều kiện giao dịch mới được giới thiệu cho khách hàng và chịu trách nhiệm trước khách hàng.

Ngoài ra, các sàn phải lập báo cáo về tình hình giao dịch chuyển nhượng, mua bán bất động sản theo mẫu gửi về Sở Xây dựng trước ngày 5 hằng tháng. Đặc biệt, các sàn rà soát lại một số điều kiện, trong đó có điều kiện mỗi sàn phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản còn thời hạn. Người quản lý điều hành sàn phải có chứng chỉ hành nghề.

Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết sẽ thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với các hoạt động của các sàn giao dịch để kịp thời chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem