Ngăn chặn cò mồi
Bắc Giang là 1 trong 9 tỉnh được Bộ LĐTBXH, Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức tư vấn về thị trường lao động Hàn Quốc. Ông Ngô Minh Đoàn – Phó Chủ tịch huyện Lạng Giang (Bắc Giang) bày tỏ, sau 19 năm triển khai công tác xuất khẩu lao động thì đây là lần đầu tiên có một hội thảo tư vấn để đưa lao động về nước đúng thời hạn và chống trốn cho lao động. Mặc dù chậm, nhưng đây là một biện pháp tích cực góp phần giảm thiểu tình trạng lao động “nhảy việc”, lao động trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
|
Tư vấn về quy trình đi XKLĐ Hàn Quốc cho lao động Bắc Giang. |
Chị Dương Thị Xuân, 26 tuổi (xã Bảo Đài, huyện Lục Nam) cho biết: “Tôi đã đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Hiện gia đình vẫn còn khó khăn nên muốn đăng ký đi lại. Sau khi được tư vấn, tôi đã làm thủ tục đăng ký đi lại, chuẩn bị tham gia kỳ thi tiếng Hàn vào tháng 3. Nếu trúng tuyển, tôi sẽ tuân thủ đúng hợp đồng lao động để không làm ảnh hưởng tới uy tín của lao động Việt Nam”.
Bà Nguyễn Thị Lan (huyện Lục Nam) - thân nhân lao động đang làm việc tại Hàn Quốc cho hay: “Do không hiểu quy trình tuyển lao động nên gia đình tôi đã mất 50 triệu đồng để chạy chọt. Vì mất tiền nên khi xuất cảnh, con tôi muốn hết hợp đồng sẽ ở lại để kiếm đủ tiền bù lại. Giờ được tư vấn, gia đình sẽ động viên cháu khi hết hạn hợp đồng phải về nước. Nếu có đi lại lần 2, chắc chắn gia đình sẽ không mất tiền cho “cò” nữa”.
Tăng cường hỗ trợ lao động
“Nếu lao động về nước đúng hạn sẽ được phía bạn tạo điều kiện tuyển dụng trở lại (nếu chủ sử dụng lao động cũ vẫn có yêu cầu). Lao động chỉ phải tham gia một kỳ thi tiếng Hàn và xuất cảnh hợp pháp”- ông Trần Đức Long – Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) bày tỏ.
Từ 5 tới 9.3.2012, Trung tâm Lao động ngoài nước tiếp tục tổ chức kỳ thi tiếng Hàn EPS –Topik cho lao động về nước đúng hạn muốn trở lại Hàn Quốc làm việc. Ngành nghề gồm: Sản xuất chế tạo, nông nghiệp/chăn nuôi, xây dựng, ngư nghiệp.
Thông tin này được thông báo tại các buổi tư vấn ở 9 tỉnh (gồm: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc) khiến các gia đình có thân nhân đang làm việc tại Hàn Quốc rất phấn khởi. Về phía địa phương, các tỉnh, thành cũng đề nghị Trung tâm Lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước nên sao in thông tin về thị trường lao động Hàn Quốc thành các băng, đĩa để địa phương phát cho lao động. “Có như vậy, người lao động sẽ được tiếp cận với thông tin cụ thể để họ hiểu quy trình, quyền lợi và nghĩa vụ của mình”- ông Ngô Minh Đoàn nói.
Ngoài việc tuyên truyền để lao động hiểu quy trình tuyển dụng, tránh cò mồi và có ý thức về nước đúng hạn, ông Trần Đức Long còn cho biết, để ổn định tâm lý của người lao động, hạn chế tình trạng lao động “nhảy việc”, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đề xuất thành lập Quỹ hưu trí cho lao động xuất khẩu. Dự kiến, trong năm nay các đơn vị sẽ khởi động đàm phán đề xuất để thực hiện Quỹ này. Nếu thành hiện thực, mỗi lao động khi hoàn thành hợp đồng lao động có thể nhận thêm từ 4.000-5.000 USD từ Quỹ.
Minh Nguyệt - Lê An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.