Tăng cường trợ giúp kiến thức cho nông dân

Thứ sáu, ngày 26/08/2011 04:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Chu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Quản lý kinh tế T.Ư (Bộ KHĐT) trả lời phỏng vấn xung quanh vấn đề "doanh nhân hóa nông dân".
Bình luận 0

Ông nghĩ sao về đề án "doanh nhân hóa nông dân" trong bối cảnh nông thôn và sản xuất nông nghiệp của ta hiện nay?

- Tôi cho đây là ý tưởng tốt và là xu hướng tất yếu nếu chúng ta muốn phát triển nền nông nghiệp mạnh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tính đến việc nông thôn của ta đã đáp ứng được các điều kiện đến đâu để có thể "biến" người nông dân thành doanh nhân giỏi.

img
Nông dân cần được tạo điều kiện tốt hơn để sản xuất, làm ăn.

Chúng ta sẽ không thể có nông dân - doanh nhân nếu không có nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nông dân nếu không có kiến thức, chỉ quanh quẩn với sản xuất nông nghiệp truyền thống thì cũng khó có thể trở thành doanh nhân. Như vậy, cả về chủ quan và khách quan để "doanh nhân hóa nông dân" không phải là việc dễ làm và thực hiện ngay được một sớm một chiều và chỉ với một đề án.

Vậy theo ông, phải những thay đổi như thế nào thì chúng ta mới có thể tạo dựng và phát triển tầng lớp doanh nhân nông dân?

- Nông thôn của ta đã và đang tồn tại cả hai hình thức: Một là doanh nghiệp thuần túy thuê khoán nông dân và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Hai là nông dân tự làm, tự bán, tự phát triển vươn lên thành doanh nghiệp. Do vậy, bây giờ nếu muốn phát triển doanh nhân nông thôn, chúng ta cũng đã ít nhiều có được lợi thế. Tôi cho vấn đề còn lại là phải có những thay đổi về cơ chế, chính sách đối với nông dân và đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mới có thể phát triển được tầng lớp doanh nhân nông dân.

Cụ thể những thay đổi về cơ chế, chính sách ở đây là như thế nào, thưa ông?

- Việc đào tạo thí điểm doanh nhân - nông dân theo hướng đi tắt đón đầu là một giải pháp tốt song không có các giải pháp về chính sách cho sản xuất nông nghiệp song hành thì chúng ta vẫn sẽ chỉ có vài doanh nhân nông thôn. Do vậy, tôi cho rằng, đầu tiên Nhà nước cần tạo điều kiện cho nông thôn đẩy mạnh được sản xuất hàng hóa. Chính sách về đất đai, tín dụng cho nông thôn phải được tháo gỡ. Khi sản xuất nông nghiệp được tích tụ thành hàng hóa thì chúng ta sẽ có những nông dân lớn và ắt sẽ có doanh nghiệp, doanh nhân lớn.

Hiện nay, cản trở nhất trong sản xuất hàng hóa của nông nghiệp là thiếu các yếu tố đầu vào then chốt để thúc đẩy như vốn, kỹ thuật canh tác, đất đai. Các ngành phụ trợ như KH-CN, kỹ thuật, giống... cũng chưa phát triển thành hàng hóa để trợ giúp đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, nông dân. Tại sao chúng ta không "xã hội hóa" những yếu tố này?

- Về đào tạo là đương nhiên bởi nếu để nông dân họ tự học thì rất lâu và khó. Với những nông dân có nhu cầu đạo tạo kỹ năng thì chúng ta cần sớm trợ giúp họ các kiến thức về sản xuất, tiếp cận thị trường, quản lý. Bên cạnh đó, chúng ta cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông thôn, cái này chúng ta đang làm bằng các cơ chế ưu đãi như đất đai, hạ tầng cơ sở, tín dụng... song theo tôi vẫn còn phải làm một cách tổng thể mạnh hơn, chứ không chỉ đơn thuần là ưu đãi cho từng dự án.

Cuối cùng, sản xuất nông nghiệp không giống công nghiệp. Nông nghiệp đòi hỏi phải có sự gắn kết nhiều khâu. Người nông dân phải gắn với cây trồng vật nuôi, ngoài lợi nhuận thì phải có tình yêu với nông nghiệp-nông thôn thì mới gắn kết và phát triển được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem