“Để đạt được con số này có sự đóng góp không nhỏ đồng vốn của ngân hàng đã giúp bà con nông dân có vốn để đầu tư trồng và chăm sóc cà phê…” - đó là khẳng định của Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban huyện Mai Sơn (Sơn La) Phạm Văn Khánh.
Cán bộ Chi nhánh Agribank Thanh Hóa (trái) trao đổi với hộ dân vay vốn để đầu tư sản xuất tơ tằm.
Khơi thông dòng tín dụng
Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ năm 2011 trở lại đây, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng tương đối ổn định so với tổng dư nợ nền kinh tế, ở mức 19-20%. Đến cuối tháng 9.2014, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vưc phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 718.000 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2013.
Nhờ được “tiếp sức” từ những đồng vốn vay ngân hàng kịp thời, nhiều nông dân đã thoát được đói nghèo. Được chứng kiến niềm vui của anh Mai Văn Đảng, đội 12 xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh (Nam Định) chúng tôi cảm nhận được hiệu quả của đồng vốn của dự án tài chính nông thôn III. “Nhờ được tiếp cận 50 triệu đồng nguồn vốn của Ngân hàng NNPTNT Việt Nam, tôi đã đầu tư chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện được đời sống gia đình” - anh Đảng cho biết.
Còn anh Cao Văn Công ở tiểu khu Chè Đen I, thị trấn Nông Trường Mộc Châu (Sơn La) đã tiếp cận được nguồn vốn 500 triệu đồng của Ngân hàng NNPTNT Việt Nam chi nhánh Mộc Châu để đầu tư trồng cây ăn quả trên diện tích 7ha với 800 cây xoài, 500 cây bơ, 700 cây nhãn, 200 cây mắc ca. Số cây ăn quả này mới cho thu hoạch, trung bình đã thu được 1 tỷ đồng.
Tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên tăng cao
Một trong những điểm tích cực của diễn biến tín dụng trong 3 năm gần đây là đang có sự dịch chuyển theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Theo số liệu của NHNN, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng chung. Đồng thời, NHNN cũng tích cực triển khai một số chính sách về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tính đến cuối tháng 7.2014, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 12,73%, công nghiệp hỗ trợ tăng 6,12% so với cuối năm 2013. Doanh số cho vay lúa gạo trong 8 tháng đầu năm 2014 đạt 66.169 tỷ đồng. Đến thời điểm 31.8.2014, dư nợ cho vay thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đạt 33.232 tỷ đồng, tăng 23,14% so với 31.12.2013; trong đó dư nợ cho vay thu mua xuất khẩu đạt 14.294 tỷ đồng (chiếm 43% tổng dư nợ cho vay).
Còn cho vay đối với lĩnh vực thủy sản tính đến 31.8.2014, dư nợ toàn quốc ước đạt khoảng 55.500 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo, các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra, tôm về xem xét cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng, khoanh nợ tối đa 3 năm và khuyến khích cho vay mới.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, NHNN đã khẩn trương chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố ven biển và hệ thống ngân hàng thương mại tích cực triển khai. Ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ngành ngân hàng cam kết đảm bảo đủ nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của bà con ngư dân đóng mới trên 2.000 tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Đã có 5 ngân hàng thương mại cam kết dành 14.000 tỷ đồng để cho vay chương trình này.
NHNN cũng đã phối hợp Bộ NNPTNT, Bộ KHCN lựa chọn 27 doanh nghiệp tại 22 tỉnh có mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tham gia chương trình cho vay thí điểm. Thời gian thực hiện thí điểm cho vay là 2 năm; Lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn lần lượt là 7 - 10 - 10,5%/năm .
Vui lòng nhập nội dung bình luận.