Văn phòng Chính phủ vừa công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Bộ luật Lao động. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung, Bộ luật Lao động với 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng.
Trong đó, một số nội dung lớn của Bộ luật Lao động như tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ 60 tuổi (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và tăng 4 tháng đối với nữ kể từ năm 2021.
Nói về việc tác động của việc tăng tuổi hưu đối với lương hưu, tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch với 11 Luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua, Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, việc điều chỉnh tuổi hưu nhằm thể chế hóa nghị quyết 28 của TƯ về cải cách chính sách xã hội.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Thành An)
Theo ông, việc điều chỉnh tuổi hưu là xu hướng của nhiều quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh già hóa dân số. Hiện chúng ta thực hiện đa mục tiêu, trước hết là vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho giới trẻ, thích ứng với già hóa dân số. Đặc biệt, Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ già hóa dân số cao.
"Việc điều chỉnh tuổi hưu nhằm đảm bảo sự phát triển, bảo toàn quỹ bảo hiểm xã hội, đảm bảo rút dần khoảng cách chênh lệnh về giới, tiến tới tuổi nghỉ hưu của nam, nữ có thể cân bằng", ông nói và khẳng định "điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ với bất kỳ quốc gia nào".
Dẫn chứng cho việc trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2010 nước Anh bắt đầu cải cách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhưng năm 2000 đã biểu tình, nhiều nước "bên cạnh ta" đã đưa ra Quốc hội 5 năm nhưng chưa thông qua được.
"Vì vậy đây là quyết tâm chính trị lớn, thể hiện tầm nhìn dài, có tính chất chiến lược để đi tắt đón đầu xu hướng già hoá dân số", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành LĐTBXH cũng cho hay, việc điều chỉnh tuổi hưu từ đa mục tiêu như vậy phải kèm theo sửa đổi rất nhiều luật liên quan như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật việc làm…
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Nghị quyết 28 của T.Ư về cải cách bảo hiểm xã hội đã đưa ra 11 nội dung cải cách thì việc sửa đổi bộ luật Lao động vừa qua mới chỉ giải quyết được 1 nội dung là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, còn 10 nội dung nữa liên quan như giảm thời gian đóng hưởng bảo hiểm xã hội…
“Hiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định 20 năm, bình quân ở nước ta là 19 năm 8 tháng. Trong đó, một người khi nghỉ hưu chỉ hưởng đủ 10 năm, còn 9 năm 8 tháng phải ăn nhờ thế hệ sau. Vì vậy, sắp tới phải điều chỉnh 10 nội dung nữa trong luật Bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn, có thể điều chỉnh từ 20 năm rút xuống 15 năm, tiến tới có thể 10 năm theo 3 nguyên tắc đóng hưởng, bình đẳng và chia sẻ", ông nói.
Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ với bất kỳ quốc gia nào.
Bộ trưởng cũng phân tích thêm, trong quy định về tuổi nghỉ hưu có câu quan trọng là luật trước đây quy định “có thể” được nghỉ hưu sớm hoặc muộn thì lần này là “có quyền” nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn theo trần.
"Quyền này có thể tiến tới quy định trong luật BHXH là nghỉ hưu sớm hoặc muộn trước 5 năm hoặc 10 năm nhưng chưa đủ tuổi thì phải chờ. Tuy nhiên, có thể khuyến khích bằng cách có thể đóng BHXH bổ sung vào để đủ năm tuổi nghỉ hưu thì hưởng luôn, không phải chờ đủ tuổi", Bộ trưởng phân tích.
Ông cho hay, từ "quyền" này rất linh hoạt và ban soạn thảo bộ luật phải lần mò với nhau từng từ, từng chữ để quy định chứ không phải tự nghĩ ra được.
Nói về chính sách tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ 1/1/2021, tinh thần chung là tách lương công chức, viên chức, khác hẳn với lương hưu. Cụ thể là lương hưu từ BHXH, lương công chức, viên chức Nhà nước trả, lương doanh nghiệp thì do chủ sử dụng lao động trả.
"Lương hưu không ảnh hưởng gì sản xuất kinh doanh hay công chức, viên chức. Lương hưu sẽ lấy từ quỹ BHXH, nên có thể phân loại có đối tượng người nghỉ hưu sẽ được quan tâm cao hơn. Hiện, lương người nghỉ hưu trước năm 1993 rất thấp, càng nghỉ hưu về trước càng thấp, càng khó khăn nên tới đây phải điều chỉnh theo cách đó", Bộ trưởng ngành lao động nói.
Đồng thời, tư lệnh ngành lao động nhấn mạnh rằng, mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu cộng với cải cách bảo hiểm xã hội là để nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội hơn, Tư lệnh ngành lao động nói: “Bộ luật Lao động không dừng lại ở 20 triệu người đóng bảo hiểm bắt buộc mà sẽ mà mở rộng hơn ở 34,5 triệu người ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động để số lượng đóng bảo hiểm tăng lên, kể cả bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khi đó, người già khi về hưu có thụ hưởng từ bảo hiểm xã hội. Đây là một trong hai trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh của người lao động".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.