Tạo cơ hội cho thuốc nội vào bệnh viện

Thứ ba, ngày 31/12/2013 10:59 AM (GMT+7)
Tỷ lệ sử dụng thuốc nội của cả nước mới được 48%. Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà sản xuất thuốc trong nước cần có nhiều bằng chứng khoa học hơn để thuyết phục bác sĩ và người dân.
Bình luận 0
Chất lượng là quan trọng

Nhiều ý kiến cho rằng, các bác sĩ thích kê đơn thuốc ngoại vì được chi nhiều tiền hoa hồng. Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định, đó chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất của sự việc. Quan trọng vẫn là tác dụng điều trị của thuốc nội trong bệnh viện có hiệu quả hay không thì mới thuyết phục được bác sĩ.
Một buổi đấu thầu thuốc vào BV Việt Đức (Nguồn ảnh: ANTĐ)
Một buổi đấu thầu thuốc vào BV Việt Đức (Nguồn ảnh: ANTĐ)

“Các ca bệnh ở tuyến trên thường là ca bệnh nặng, bác sĩ thường phải kê đơn theo kiểu “phủ đầu” để chặn đứng bệnh, trong khi biệt dược mạnh của Việt Nam chưa có hoặc hiệu quả kém hơn. Do đó, muốn thuốc nội vào bệnh viện được nhiều hơn, các công ty dược cần phải có các nghiên cứu, bằng chứng để thuyết phục bác sĩ. Thực tế chứng minh trong thời gian qua, những thuốc chiếm thị phần nhiều trong các bệnh viện đa số là từ các công ty có đầu tư cho sản xuất và có thử tương đương sinh học với các thuốc ngoại khác” – bà Lan cho biết.

Đồng tình với quan điểm đó, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Đối với tôi, trong quá trình điều trị, nếu thấy thuốc nội tốt thì tôi sẽ kê đơn ngay. Ví dụ như thuốc ho Hoastex của Việt Nam rất rẻ, chỉ chừng 15.000– 20.000 đồng/lọ mà lại rất hiệu quả. Trong khi đó, cũng với một loại thuốc ho nhập ngoại giá cao gấp 3- 4 lần”.

Tuy nhiên, TS Dũng phân tích, quan trọng hơn, Bộ Y tế cần phải hạn chế các thuốc generic (thông thường) ngoại tương đương thuốc nội của Ấn Độ, Trung Quốc… “Nhập nhèm là thuốc ngoại nên các thuốc này có giá thành đắt hơn thuốc nội rất nhiều lần, trong khi chất lượng và hiệu quả điều trị là tương đương thậm chí kém hơn thuốc nội. Chỉ cần hạn chế thuốc ngoại kiểu đó là thuốc nội đã có thêm cơ hội để gần hơn với người dân Việt”- TS Dũng nhận định.

Quản lý chặt trong bệnh viện

Theo TS Trần Viết Tiệp – Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), mỗi năm, tiền thuốc của bệnh viện vào khoảng 60 tỷ đồng, tương đương với các bệnh viện tỉnh. Tỷ lệ thuốc nội sử dụng trong bệnh viện chiếm 45-50%, chủ yếu là các loại thuốc generic, nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau và các thuốc bổ trợ khác. Theo ông Tiệp, muốn quản lý chặt việc kê đơn, tránh lạm dụng thuốc, kê đơn thuốc đắt tiền, bệnh viện đã có chương trình quản lý chất lượng, xây dựng phác đồ điều trị, bác sĩ phải tuân thủ, không thể tự kê đơn. Nếu trường hợp nào điều trị không khỏi, cần thay thế các thuốc đặc trị thì hội đồng chuyên môn sẽ quyết định.

Theo Đề án người Việt dùng thuốc Việt, phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc nội sẽ tăng từ 48% như hiện nay lên gần 70%.

Bệnh viện 71 T.Ư (Thanh Hóa) trực thuộc Bộ Y tế nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc nội lên đến 70%. Ông Doãn Trọng Tiên – Giám đốc Bệnh viện 71 cho biết, hội đồng thuốc của bệnh viện luôn lựa chọn thuốc và ưu tiên sử dụng thuốc nội, quan trọng là hiệu quả điều trị cho bệnh nhân với tiêu chí: Khỏi bệnh và tiết kiệm.

Theo ông Nguyễn Minh Thảo – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các cơ sở khám chữa bệnh đều có tiêu chí lựa chọn thuốc chung, tuy nhiên vẫn có sự khác nhau rất lớn về tỷ lệ thuốc nội trong đấu thầu thuốc. Ngay trên cùng địa bàn TP.Hà Nội nhưng bệnh viện quận có tỷ lệ dùng thuốc nội rất thấp, còn bệnh viện huyện lại dùng thuốc nội nhiều. 6 tháng đầu năm 2012, quận Đống Đa chỉ sử dụng 39% thuốc nội; huyện Quốc Oai 60%; huyện Đan Phượng dùng thuốc nội tới 100%.

Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem