Ông Nguyễn Hữu Nhị cho biết, những năm qua, các cấp Hội ND trong tỉnh đã vận động hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tạo ra nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm phong phú với chất lượng ngày càng được nâng lên phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhận thức của hội viên, nông dân về an toàn thực phẩm đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều tồn tại; nhiều hộ, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chạy theo lợi nhuận ít quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng; việc sử dụng tùy tiện phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản trong ngày càng diễn biến phức tạp; số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân…
Ông Nguyễn Hữu Nhị thăm mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất, tiêu thụ rau, quả an toàn tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ảnh: Hoàng Minh
Hội tổ chức để nông dân ký cam kết thực hiện 3 không- không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không sử dụng chất cấm trong bảo quản và chế biến thực phẩm; không kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm bẩn và 3 có- có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; có hiểu biết về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm an toàn; có trách nhiệm phát giác, đấu tranh và ngăn chặn thực phẩm không an toàn”.
Ông Nguyễn Hữu Nhị
|
Thực trạng đáng lo ngại về an toàn thực phẩm hiện nay có phải là cơ sở để BCH Hội ND tỉnh Nghệ An xây dựng và ban hành Nghị quyết về tuyên truyền, vận động nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm an toàn?
- Đúng vậy. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận trong BCH Hội ND tỉnh nhiều lần. Và ngày 9.5 vừa qua, BCH Hội ND tỉnh đã nhất trí ban hành Nghị quyết số 01 về “Tuyên truyền, vận động nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm an toàn”. Đây cũng là chương trình, hành động của các cấp Hội ND tỉnh Nghệ An thực hiện Công văn số 1516-CV/HNDTW do Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN ký ban hành về việc yêu cầu Hội ND các tỉnh, thành phố tổ chức cho hội viên, nông dân ký cam kết thực hiện 3 không- không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm bẩn…
Việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết 01 của Hội ND tỉnh Nghệ An có tính cấp thiết như thế nào, thưa ông?
- Vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Việc sử dụng tùy tiện phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò của tổ chức Hội ND các cấp trong việc tạo động lực, tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn cũng như tham gia phối hợp tổ chức cho nông dân liên kết sản xuất theo hướng an toàn chưa được quan tâm đúng mức…
Mục tiêu hướng tới của Nghị quyết 01 mà BCH Hội ND tỉnh vừa ban hành là gì, thưa ông?
- Phấn đấu trong năm 2016, các cấp Hội ND xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền vận động về an toàn thực phẩm đến 100% cán bộ, hội viên, nông dân; làm chuyển biến cơ bản về nhận thức trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, có tác động rõ rệt tới việc cải thiện tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến năm 2020, về cơ bản, việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trong hệ thống của tổ chức Hội ND được thiết lập và phát huy hiệu quả…
Thưa ông, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Hội ND tỉnh và các cấp Hội ND địa phương có giải pháp cụ thể nào?
- Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của Hội ND, cần có sự tạo điều kiện và phối hợp của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp, nhà khoa học với nông dân ở khâu sản xuất, chế biến…Về phía các cấp Hội ND sẽ chú trọng thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ, hội viên, nông dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và cách làm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn. Hội ND các cấp trong tỉnh tập trung tuyên truyền về nội dung các quy định, các tiêu chuẩn về điều kiện an toàn thực phẩm như Luật An toàn thực phẩm và các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành hướng dẫn thi hành; tuyên truyền, phổ biến các chính sách của tỉnh về khuyến khích sản xuất an toàn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Thứ hai, Hội phải gắn công tác tuyên truyền với vận động, tổ chức cho nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn; khuyến khích phát triển chăn nuôi nông hộ áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp.
Thứ ba, Hội phối hợp xây dựng mô hình điểm chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, từng bước nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh gắn với phối hợp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Hội tăng cường, đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn…
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.