Những cơ chế, chính sách ưu đãi cũng được tỉnh này áp dụng để tăng sức hấp dẫn đầu tư vào nông nghiệp.
Từ những thành công bước đầu
Vốn là tỉnh phát triển vể công nghiệp, nhưng nông nghiệp của Hưng Yên cũng luôn được đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả cao. Những năm qua, tỉnh đã xây dựng và phê duyệt 06 quy hoạch lĩnh vực ngành nông nghiệp, ban hành 17 chương trình, đề án, dự án, kế hoạch và nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn . Nhiều nguồn vốn cũng được cân đối, bố trí để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn.
Ứng dụng kỹ thuật mạ khay vào sản xuất nông nghiệp tại Hưng Yên. Ảnh: Tư liệu
Đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 726 mô hình kinh tế trang trại tăng gần 4 lần so với năm 2011. Tổng số lao động của các trang trại khoảng 1.700 người, bình quân 03 lao động/trang trại. Tổng vốn đầu tư vào sản xuất của các trang trại là 910 tỷ đồng (không tính giá trị đất), bình quân 1,2 tỷ đồng/trang trại; doanh thu của các trang trại là 1.794,28 tỷ đồng, bình quân đạt 2,47 tỷ đồng/trang trại.
|
Ông Nguyễn Văn Doanh - Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên cho biết, từ những nỗ lực này, Hưng Yên đã xác định rõ những cây trồng vật nuôi chủ lực. Từ đó xác định được lợi thế để tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, đưa ra các chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, chất lượng, bền vững nhằm nâng cao hiệu quả chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
Năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hưng Yên đạt trên 11.040 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước. Toàn tỉnh đã xây dựng được 112 “cánh đồng mẫu”, với tổng diện tích 1816 ha. Lĩnh vực chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại ngày càng phát triển, số trang trại chăn nuôi chiếm gần 90% tổng số trang trại trên địa bàn tỉnh.
Tư duy sản xuất hàng hóa
Nhiều trang trại tại Hưng Yên đã mạnh dạn ứng dụng VietGAP vào sản xuất. Ảnh: Tư liệu
Nếu chỉ chú trọng đến tăng năng suất nông sản, người nông dân vẫn luôn ở vị thế bấp bênh. Bởi thế, những chính sách hỗ trợ của tỉnh thường tập trung vào các mô hình sản xuất hàng hoá và đã đem lại thành công bước đầu. Một số mô hình đang được nhân rộng như: Mô hình trồng lúa xuất khẩu giống ĐS1ở xã Chính Nghĩa, với quy mô 30ha và mô hình sản xuất lúa theo phương pháp nông - lộ - phơi (SRI) ở xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, với quy mô 50ha; mô hình sản xuất giống lúa TBR45 ở huyện Tiên Lữ với quy mô 30ha; mô hình sản xuất rau an toàn ở các huyện Yên Mỹ, Kim Động, thành phố Hưng Yên... Nhiều tiến bộ KHKT được áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi góp phần nâng cao chất lượng, xử lý ô nhiễm môi trường mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hàng năm, Hưng Yên cũng đã tổ chức cho các tổ chức kinh tế, chủ hộ sản xuất nông nghiệp, nông thôn tham gia các hội chợ, hội thảo về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, hội nghị tập huấn kiến thức thị trường. Các hoạt động này đã tăng cường quảng bá các nông sản của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả. Tỉnh cũng hỗ trợ, xây dựng được 06 nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho các nông sản có thế mạnh như: Nhãn lồng Hưng Yên, Quất cảnh Văn Giang, Tương Bần Mỹ Hào, Gà Đông Tảo và Chuối tiêu hồng ở Khoái Châu, Vải lai chín sớm ở Phù Cừ; đã tổ chức xuất khẩu (thăm dò thị trường) sản phẩm Nhãn sang thị trường Mỹ, xuất khẩu sản phẩm Chuối sang thị trường Trung Quốc, Nga.
Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến cũng đang phát huy vài trò cầu nối đưa nông sản ra thị trường. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 45 doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản và khoảng 2.000 cơ sở chế biến hộ gia đình và HTX, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực : Xay xát, chế biến thực phẩm, chế biến long nhãn, táo sấy, mứt quả, chưng cất tinh dầu hương liệu,...đã góp phần tích cực tiêu thụ nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn, tạo thêm việc làm và phát triển công nghiệp - dịch vụ ở nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.