Diện tích cây trồng biến đổi gen đã vượt 185 triệu ha
Báo cáo của ISAAA cho thấy, diện tích canh tác cây trồng BĐG đã tăng gấp 110 lần sau 21 năm thương mại hoá – phát triển từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên tới 185,1 triệu ha vào năm 2016.
“Cây trồng BĐG đã trở thành một trong các nguồn cung nông nghiệp quan trọng, mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân trên toàn thế giới khi năng suất cây trồng được cải thiện cùng với các nỗ lực bảo tồn môi trường canh tác”, Chủ tịch ISAAA - Paul S. Teng cho biết.
Cây ngô biến đổi gen đã được trồng đại trà ở Việt Nam. Ảnh: Quang Trần
Đặc biệt, theo ông Paul S. Teng: Sự chấp thuận thương mại hóa và canh tác các giống khoai tây và táo BĐG gần đây từng bước cho thấy những lợi ích trực tiếp dành cho người tiêu dùng khi thành tựu của CNSH đã tạo ra những sản phẩm ít bị thối hoặc bị hư hỏng, góp phần giảm bớt một cách bền vững thực phẩm bị lãng phí và chi phí mua sắm.
Khi nghiên cứu sâu hơn về lợi ích của CNSH, báo cáo ISAAA cũng chỉ ra rằng ứng dụng cây trồng BĐG đã giúp giảm lượng phát thải khí CO2 tương đương với việc ngừng hoạt động 12 triệu chiếc ô tô hàng năm; đồng thời giảm bớt tác động tiêu cực từ canh tác nông nghiệp lên môi trường thông qua việc giảm 19% nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc trừ cỏ. Thêm vào đó, tại các quốc gia đang phát triển, việc canh tác các cây trồng BĐG đã hỗ trợ giảm thiểu nạn đói khi giúp nâng cao thu nhập cho khoảng 18 triệu nông dân cùng gia đình của họ, từ đó giúp cải thiện và ổn định tài chính cho hơn 65 triệu người.
“Công nghệ sinh học, cụ thể là cây trồng BĐG là một trong các giải pháp cần thiết giúp người nông dân canh tác được nhiều hơn trên diện tích đất ít hơn”, điều phối viên toàn cầu của ISAAA - Randy Hautea - giải thích thêm. Tuy nhiên, theo ông, tiềm năng của cây trồng BĐG chỉ có thể được mở ra khi người nông dân có thể mua và trồng những loại cây này, thông qua quá trình xem xét pháp lý và cấp phép một cách khoa học.
Táo biến đổi gen (GMO) đã chính thức được công nhận thương mại hóa.
Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu về diện tích cây BĐG
Cũng theo báo cáo của ISAAA, vào năm 2016, Brazil có diện tích canh tác ngô, đậu nành, bông và hạt cải dầu BĐG tăng 11% – duy trì là nước lớn thứ 2 sau Hoa Kỳ canh tác cây trồng BĐG trên toàn cầu. Tại Brazil, diện tích đậu nành BĐG chiếm 32,7 triệu ha trong số 91,4 triệu ha canh tác cây trồng này toàn cầu.
Báo cáo của ISAAA cũng chỉ rõ: Năm 2016, có tổng cộng 26 quốc gia, gồm 19 quốc gia đang phát triển và 7 nước công nghiệp, đã canh tác cây trồng BĐG; trong đó, 54% được trồng tại các quốc gia đang phát triển và 46% tại các nước công nghiệp; 8 quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, đã trồng 18,6 triệu ha cây BĐG vào năm 2016.
Năm 2016, các quốc gia tiếp tục dẫn đầu trong việc canh tác cây trồng BĐG là Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Canada và Ấn Độ. Diện tích canh tác cây trồng BĐG tại 5 quốc gia này chiếm tới 91% tổng diện tích canh tác toàn cầu.
Các quốc gia canh tác 90% đậu nành BĐG là Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Canada, Nam Mỹ và Uruguay; xấp xỉ 90% diện tích ngô BĐG được trồng tại Mỹ, Brazil, Argentina, Canada, Nam Mỹ và Uruguay; hơn 90% bông BĐG canh tác tại Mỹ, Argentina, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Nam Mỹ, Mexico, Úc và Myanmar; và khoảng 90% hạt cải dầu BĐG được trồng tại Mỹ và Canada.
Về tổ chức ISAAA:
Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng CNSH trong nông nghiệp (ISAAA) là một tổ chức phi lợi nhuận có mạng lưới các trung tâm quốc tế nhăm góp phần xóa đói giảm nghèo thông qua việc chia sẻ kiến thức và ứng dụng công nghệ sinh học trong cây trồng. Clive James, Chủ tịch danh dự và là nhà sáng lập ISAAA đã sống và làm việc trong 30 năm tại các nước đang phát triển ở Châu Á, Mỹ La tinh và Châu Phi, cống hiến nỗ lực của mình cho nghiên cứu nông nghiệp và các vấn đề phát triển mà trọng tâm là công nghệ sinh học cây trồng và an ninh lương thực toàn cầu.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.