Tập trung giảm tồn kho tại các dự án bất động sản dang dở

Thứ sáu, ngày 18/04/2014 20:37 PM (GMT+7)
Ngày 18.4, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) đã tổ chức kỳ họp XIII tổng kết hoạt động năm 2013 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2014. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và chủ trì hội nghị.
Bình luận 0
Theo số liệu ước tính, tổng diện tích nhà ở tăng thêm trong năm 2013 khoảng 79 triệu m2 sàn. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc năm 2013 khoảng 19,6 m2 sàn/người (tại khu vực đô thị khoảng 23,1 m2 sàn/người, tại khu vực nông thôn khoảng 18 m2 sàn/người). Nhiều chương trình nhà ở đã đạt những kết quả khả quan, tuy nhiên tiến độ thực hiện vẫn còn chậm và gặp nhiều vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính. Nguồn cung nhà ở xã hội (NOXH) còn thiếu, thiếu quỹ đất để đầu tư NOXH tại vị trí thuận lợi.

Một số địa phương chưa tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai dự án mới cũng như thực hiện chuyển đổi, cơ cấu lại dự án. Cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng NOXH như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án và hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương chưa được quan tâm đúng mức...

img
Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn còn thiếu, (Ảnh minh họa).

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, triển khai các dự án NOXH là việc làm lâu dài và không nên nóng vội. Hiện nay, thị trường BĐS đã có nhiều khởi sắc, thể hiện ở cả ba tiêu chí: giá cả đã chững lại, giao dịch tăng, tồn kho giảm. Đồng thời, nhiều chương trình tín dụng ra đời bước đầu đã làm thị trường BĐS ấm lên, khẳng định các giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ là đúng và trúng.

Các dự án nhà có vị trí thuận lợi, giá cả hợp và được người dân tin tưởng và NOXH đều có tính thanh khoản cao, khắc phục lệch pha cung cầu, hướng đến nhu cầu thực và khả năng chi trả của người dân.

Tuy nhiên, thị trường BĐS còn rất khó khăn. Nhiều dự án dở dang, ở những vị trí xa trung tâm, chủ đầu tư không có năng lực đã ảnh hưởng, gây nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng còn chậm, cần có sự phối hợp tốt hơn giữa ngân hàng, địa phương và doanh nghiệp. Số dự án được cấp phép quá lớn so với nhu cầu thực và khả năng chi trả, do vậy cần tập trung xử lý tồn kho các dự án này. Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh kiểm tra rà soát các dự án này để dừng, hoãn hoặc tiếp tục cho triển khai.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc cho phép cơ cấu lại các dự án BĐS. Các ngân hàng có cơ chế để người dân vay xây dựng nhà ở cho công nhân. Các doanh nghiệp sử dụng lao động cần quan tâm xây nhà ở cho người lao động. Trong khi, các doanh nghiệp cũng phải tự cứu lấy mình, tích cực đẩy mạnh tái cấu trúc phù hợp. Bộ cũng đang tích cực ban hành các chính sách liên quan đến nhà cho thuê, khuyến khích nhưng có điều kiện đối với việc chẻ nhỏ, chuyển đổi các căn hộ…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, kết quả năm 2013 đáng khích lệ. Trong điều kiện còn khó khăn, tỷ lệ diện tích sàn nhà ở bình quân toàn quốc đã đạt 19,6 m2/người, tuy nhiên cần tăng tốc và có chính sách hài hòa để đạt mục tiêu 25m2/người vào năm 2020 theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các chương trình phát triển nhà ở đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thúc đẩy tăng trường cho các thị trường liên quan, đặc biệt là thị trường vật liệu xây dựng.

Phó Thủ tướng khẳng định, định hướng quy hoạch NOXH đã rõ ràng, quy hoạch khu NOXH gần các khu nhà ở thương mại, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng các tiện ích, tạo sự công bằng xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa nhân văn. Chính phủ kiên quyết không thực hiện việc hoán đổi quỹ đất 20% dành cho NOXH tại các dự án khu đô thị mới. Hiện nay, nguồn cung NOXH còn thiếu trong khi diện tích đất dành cho NOXH vẫn còn. Các dự án cải tạo chung cư cũ chưa nhiều, thiếu NOXH cho thuê, thủ tục hành chính còn rườm rà, chậm ban hành Thông tư liên tịch về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai… Do vậy, Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS cần tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng đề nghị các bên liên quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, đặc biệt sớm ban hành Thông tư liên tịch về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Bộ Xây dựng khẩn trương có tờ trình Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Về lâu dài cần một chính sách tín dụng riêng cho NOXH, gói 30 nghìn tỷ đồng chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt, cần chuyển tư duy từ mua sang cho thuê nhà mới đáp ứng được nhu cầu. Phó Thủ tướng lưu ý, cần có thêm những ưu đãi phát triển nhà cho thuê, phải tìm nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa mặn mà. Nếu biết đấy là chiến lược thì phải có giải pháp, cơ chế chính sách và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung tháo gỡ.

Thời gian tới, các địa phương và ngân hàng cần tiếp tục rà soát tín dụng cho các dự án, ưu tiên dành các khoản tín dụng để hoàn thành các dự án dở dang, giảm tồn kho, trường hợp đặc biệt mới cho phép triển khai dự án mới.

Đối với chương trình phát triển nhà ở công nhân, các giải pháp chưa nhiều và dù có giải quyết được cũng chỉ đạt được 20%, trong khi 80% nhà công nhân do người dân chủ động xây dựng. Do vậy đề nghị Ban Chỉ đạo tập trung, lập các đoàn kiểm tra để đưa ra những giải pháp phù hợp, thúc đẩy phân khúc này. Đối với chương trình Nhà ở 167 giai đoạn hai, nhà ở cho đồng bào bão lũ miền trung, Thủ tướng đã đồng ý tiếp tục triển khai. Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định sớm việc bố trí vốn...

Đã giải ngân gần 5,7% gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng

Tính đến ngày 15.4, tổng số tiền năm Ngân hàng đã cam kết là 3.365,9 tỷ đồng, tổng dư nợ là 1.699,4 tỷ đồng. Cụ thể: Đối với hộ gia đình, cá nhân: Các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 3.962 hộ với số tiền là 1.504 tỷ đồng, đã giải ngân cho 3.941 hộ (chiếm 99,5%) so với số hộ đã được cam kết, số tiền là 975,7 tỷ đồng.

Riêng tại TP Hà Nội: Có 2.144 hộ được cam kết cho vay với số tiền là 829 tỷ đồng (chiếm 55% so với cả nước). TP Hồ Chí Minh: Có 434 hộ được cam kết cho vay với số tiền là 242 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 16% so với cả nước).

Đối với tổ chức: Các ngân hàng đã cam kết cho vay 21 dự án với số tiền là 1.862 tỷ đồng, đã giải ngân cho 17 dự án, dư nợ là 723,8 tỷ đồng. TP Hà Nội có bốn dự án với dự nợ là 179,9 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh có hai dự án với dư nợ là 226 tỷ đồng.

Nhân dân (Theo Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem