Tất tần tật về xe Trung Quốc qua góc nhìn người dùng Việt

Nguyễn Thịnh Thứ hai, ngày 01/02/2021 15:23 PM (GMT+7)
Từ khi chiếc Beijing X7 ra mắt năm ngoái thì nổ ra các tranh cãi liên quan đến xe Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.
Bình luận 0

Dưới đây là bài viết của một người tiêu dùng Việt trên diễn đàn về xe Trung Quốc. Một góc nhìn cá nhân nhưng nói đúng suy nghĩ của nhiều người và thực trạng về xe Trung Quốc ở thị trường Việt nói riêng. 

"Tôi nằm vùng nghiên cứu về xe Trung Quốc được một thời gian. Hôm nay tôi xin đưa ra một số ý kiến về các câu hỏi thường được đặt ra cho xe Trung Quốc để mọi người cùng tham gia bình luận:

1. Xe Trung Quốc có tốt không? Có bền không?

Những mẫu xe Trung Quốc đình đám thời gian trước như Brilliance V7, Zotye Z8, Z8L và đặc biệc là chiếc Beijing X7 chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam. Các mẫu xe Trung Quốc thường thu hút người dùng bằng 2 thứ: Giá cả và option.

Tất tần tật về xe Trung Quốc qua góc nhìn người dùng Việt - Ảnh 1.

Xe Trung Quốc Beijing X7 từng gây xôn xao ở Việt Nam khi ra mắt năm ngoái.

Vì thế nếu so sánh về option, thông số kỹ thuật của động cơ ...thì cùng phân khúc, không hãng xe nào tại thị trường Việt Nam có thể so sánh. Các review từ người dùng thực tế cũng thấy về tiêu chí tốt thì các xe Trung Quốc đều nổi trội nên không nói nhiều về vấn đề này. 

Vậy nên xe Trung Quốc có bền không? Tôi từng tìm hiểu những người sử dụng xe thực tế Brilliance V7, Zotye Z8 thì đa số họ đều chia sẻ xe vận hành tốt, ít lỗi trong thời gian họ sử dụng. Nhưng thời gian sử dụng xe thực tế thì chỉ mới được từ 2 - 3 năm, người sử dụng xe Trung Quốc đa số là vì mục đích gia đình nên họ đi cũng không nhiều. Ở góc độ đánh giá bền thì với 1 chiếc xe Trung Quốc phải đợi thêm một thời gian nữa để có đánh giá cụ thể hơn. 


Có điều lăn tăn là nhà phân phối chính thức các dòng xe nói trên là Kylin. Nghe nói đã có trên 10 năm kinh nghiệm hoạt động nhưng chỉ thấy các dòng xe Zotye, BAIC, Brilliance trong khoảng 2-3 năm gần đây còn bàn luận sôi nổi. Các dòng khác mà NPP này đã bán ra ít nghe bình luận, đánh giá nhiều. 

Ý kiến cá nhân tôi thì xe là phương tiện điện tử. Các đồ điện tử dù của hãng nào đều không thể tránh lỗi lầm sau 1 thời gian sử dụng. Quan trọng mức độ tỷ lệ lỗi đó như thế nào, 1 chiếc xe lỗi trong 10 chiếc với 1 chiếc xe lỗi trong 1000 chiếc khác nhau rất nhiều. Và lỗi đó ảnh hưởng thế nào, cách xử lý của các hãng ra sao. Chẳng phải thế mà nhiều người thà bỏ nhiều tiền hơn ra để mua đồ chính hãng để được bảo hành đâu.

2. Các mẫu xe Trung Quốc không bán chạy tại thị trường quê nhà

Sự thật doanh số bán các dòng xe Zotye, Brilliance tại Trung Quốc là rất thấp. Thậm chí gần đây Brilliance phải xin phá sản để tái cơ cấu lại công ty. Dòng tiền thân của Beijing - BAIC cũng chỉ ở mức trung tại Trung Quốc khi so sánh với các dòng xe nội địa và nhập khẩu khác. 

Nhưng Trung Quốc là thị trường tiềm năng lớn nhất trên thế giới nên sự cạnh tranh của các dòng xe ô tô tại đây rất gay gắt. Người dân TQ nếu cùng 1 giá tiền họ sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn rất nhiều và chi phí mua xe tại Trung Quốc không phải áp đặt quá nhiều mức thuế như ở Việt Nam. 

Đơn cử là giá bán của X7 tại Trung Quốc ngang với các dòng xe tại Việt Nam như Mazda, Honda, Hyundai ... Nói tới đây chắc có nhiều người thắc mắc tại sao các nhà phân phối không nhập các dòng xe nội địa cạnh tranh top đầu với các hãng xe nhập ấy mà lại đi nhập các dòng xe ít được chú ý như Zotye, Brilliance, BAIC ...

Về điều này, tôi nhận định rằng:

- Thương hiệu: Các hãng xe lớn trên thế giới rất chú ý hình ảnh, thương hiệu của chính mình. Tôi từng làm việc với một đại lý đã từng đàm phán để được làm nhà phân phối chính thức của một hãng xe châu Âu tại Việt Nam. Để xin được giấy phép ấy thì nhà phân phối phải chứng minh được năng lực tài chính, có kế hoạch quảng bá thương hiệu, xây dựng các showroom, garage đạt chuẩn của hãng do đó để làm 1 nhà phân phối cho 1 hãng lớn thì rất phức tạp và chi phí đầu tư ban đầu phải rất lớn. 

- Do đó, nhà phân phối tư nhân chọn các hãng xe ít được chú ý hơn thì các điều kiện, tiêu chuẩn làm đại lý cũng thấp hơn, chi phí bỏ ra ban đầu cũng sẽ thấp hơn. Các hãng xe Zotye, BAIC có thể ít được chú ý nhiều nhưng thiết nghĩ các hãng xe đã bỏ công sức nghiên cứu, chế tạo 1 chiếc xe thì cũng mong được bán rộng rãi. Chẳng ai muốn chế ra 1 chiếc xe gây tai tiếng cho cả 1 hãng xe. 


- Khi đưa ra giá bán, họ cũng đã nghiên cứu các loại động cơ, option ít ra phải tương đương với các hãng xe khác trên thị trường nên các chiếc Zotye, BAIC có thể không bán chạy vì thị hiếu nhưng option và các thông số kỹ thuật trên giấy tờ thì tôi nghĩ nó cũng phải tương đương với các dòng xe khác và nếu xét về giá thì những những dòng xe khác đó tại Việt Nam chắc phải giá hơn 1 tỷ. Cho nên những nhà phân phối tư nhân sẽ đánh vào thị hiếu của người tiêu dùng: Trả ít tiền hơn để hưởng những thứ cao cấp hơn tại thị trường của bạn.

3. Xe Trung Quốc bảo hành, bảo dưỡng như thế nào ?

Xe đối với nhiều người là tài sản lâu dài. Việc bảo hành, bảo dưỡng định kỳ thế nào? Khi hỏng hóc thì các phụ kiện, phụ tùng thay thế có dễ tìm kiếm và thay thế không sẽ là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là đối với xe Trung Quốc.

Tất tần tật về xe Trung Quốc qua góc nhìn người dùng Việt - Ảnh 4.

Cùng thị trường Trung Quốc, các xe mang về Việt Nam đều có giá bán ngang hoặc thấp hơn so với các hãng xe nhập. Nhưng tại sao về Việt Nam thì khoảng cách giá lại trở nên lớn như vậy? Ai cũng biết, xe ô tô tại Việt Nam hạn chế nhập do cơ sở hạ tầng tại Việt Nam không đáp ứng nổi nếu số lượng xe ô tô trong nước bùng nổ số lượng lớn nên giá cả xe ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô khi nhập về Viẹt Nam muôn kiểu thuế chồng thuế khiến giá bán ra tại Việt Nam, có thể gấp mấy lần giá trị thực của xe. 

Giá xe tại Việt Nam bao gồm những loại chi phí như: giá trị xe nhập, chi phí thuế, chi phí điều hành hoạt động bán xe của đại lý, chi phí dự phòng cho bảo hành, bảo trì, lợi nhuận mong muốn của nhà phân phối để thu hồi chi phí đầu tư ban đầu.

Xe nhập từ nước khác và xe nhập từ Trung Quốc có lẽ sẽ cùng giá trị chi phí thuế (nếu xe Trung Quốc cũng khai đúng giá trị nhập khẩu) nhưng các chi phí khác thì nếu bạn là đại lý của hãng Honda, KIA, Mazda thì chi phí mở showroom, chi phí nhân viên, chi phí đội ngũ marketing và lợi nhuận mong muốn của các nhà đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí của các hãng tư nhân. 

Do đó đừng thắc mắc khi giá xe Trung Quốc của các hãng tư nhân sẽ thấp hơn giá xe của các hãng nhập khác khi giá trị xe tại thị trường Trung Quốc là gần như sau. Không xét về độ bền, nếu xét về thông số, option của một chiếc xe 600- 700 triệu đồng bằng với một chiếc xe hơn cả tỷ thì tất nhiên đâu đó, bạn cũng đang chịu một số rủi ro về sau. 

Đơn cử là MG, một hãng xe thương hiệu Anh bị thâu tóm bởi nhà đầu tư Trung Quốc, họ mở ra nhiều đại lý khắp cả nước, quảng bá thương hiệu mạnh mẽ thì chính giá xe của họ có thể chỉ thấp hơn một chút so với các loại xe cùng phân khúc trên thị trường chứ không chênh nhau đến vài trăm triệu như hiện tượng Beijing X7 so với Tucson, CRV, Corrola Cross...

Người dùng sẽ được gì và mất gì khi mua xe Trung Quốc?

- Cái được lớn nhất và giúp mọi người tự tin nhất có lẽ là: Cùng phân khúc, giá tiền thì khẳng định các hãng xe nổi tiếng tại Việt Nam đều chưa thể sánh bằng xe Trung Quốc, từ thông số động cơ, option nên người dùng sẽ được hưởng thụ những công nghệ tiên tiến nhất với mức chi phí bỏ ra thấp hơn nhiều. Trong thời gian bảo hành thì đến nay có vẻ mọi thứ đều ổn, từ sự hỗ trợ của nhà phân phối và linh kiện, phụ tùng thay thế. 

- Tuy nhiên hệ thống nhà phân phối xe Trung Quốc ít trên cả nước. Hiện tại Kylin chỉ có một trụ sở tại Hải Phòng, 02 chi nhánh tại HN và TPHCM. Ở tỉnh muốn xem, mua xe thì phải tập trung đi tới các điểm này. Bảo hành, bảo dưỡng định kỳ cũng vậy. 

Có nhiều người nói khi hư hỏng thì Kylin hỗ trợ chuyển phụ tùng mới cho người dùng ra garage ngoài thay thế. Điều này cũng tiện nhưng cũng có nhiều bất lợi nhất khi garage không chuyên với các loại xe Trung Quốc phải thay các loại linh kiện, phụ tùng phức tạp. Thứ nữa, người dùng phải có bản lĩnh để vượt qua được định kiến xài hàng Trung Quốc của những người xung quanh. 

Điều đáng lo là các hãng xe Trung Quốc nổi tiếng với loạt đổi mới nhãn hiệu, loại xe liên tục. Trong thời gian ngắn có lẽ hãng vẫn có thể cung cấp phụ tùng, phụ kiện trong thời gian bảo hành nhưng sau thời gian bảo hành, khi các hãng xe sản xuất mẫu mới thì các linh kiện, phụ tùng cũ có còn đáp ứng được không thì phải đợi thêm thời gian để kiểm chứng. 

Cộng đồng xe ô tô Trung Quốc còn hạn chế, các đồ liên quan, đồ độ cho xe thường phải mua trực tiếp từ Trung Quốc. Khó thanh lý hoặc giá thanh lý sẽ mất giá trị nhiều hơn so với các hãng khác tại Việt Nam. Nếu nhà phân phối không có sẵn linh kiện thì thời gian đặt hàng và nhận hàng từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ kéo dài. Nhà phân phối tư nhân nên việc liên kết, tài trợ mua xe từ ngan hàng sẽ khó khăn và phức tạp. 

Ý kiến cá nhân thì tôi hoan nghênh các hãng xe Trung Quốc vì dù sao nó tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn trên thị trường. Nhờ sự cạnh tranh hơn mà có lẽ các hãng xe nhập khẩu sẽ chú ý đến khách hàng tiêu dùng Việt Nam hơn để giữ thị phần, các nhà đầu tư sẽ xem xét việc đầu tư hệ thống bài bản như MG ở Việt Nam". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem