Tàu 67 nằm bờ 2 năm: Ngư dân thiệt lớn, quyết theo kiện đến cùng

Trương Hồng - Kim Oanh Chủ nhật, ngày 02/07/2017 18:55 PM (GMT+7)
Công ty đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân Trần Văn Liên nói rằng không liên quan, vì sự cố hỏng máy là do một đơn vị khác, còn ngư dân Liên "tố" lại, việc hỏng máy là do công ty đóng tàu tự ý chạy thử tàu nên mới gây ra…
Bình luận 0

Công ty đóng tàu “đổ lỗi”.

Ngày 1.7, liên quan đến vụ việc tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Liên (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vừa đóng mới chạy thử đã hư, nằm bờ 2 năm, ông Nguyễn Quang Kỳ - Giám đốc Công ty Cổ phần đóng tàu Bảo Duy cho biết, vụ việc không liên quan đến Bảo Duy. Bởi hợp đồng giữ công ty với ông Trần Văn Liên là đóng vỏ tàu. Việc lắp ráp các loại máy móc ngư dân ký kết hợp đồng với công ty khác.

img

Tàu vỏ sắt của ngư dân Liên lúc vừa hạ thủy

Ông Kỳ lý giải, hợp đồng đơn vị ký với ngư dân Trần Văn Liên là đóng vỏ tàu, dùng thép Nhật, có dấu đăng kiểm thị trường Nhật. Việc lắp đặt máy, vận hành máy trên tàu ông Liên ký hợp đồng riêng với công ty Liên Á.  Đây là hợp đồng riêng lẻ không dính đến công ty đóng tàu Bảo Duy.

“Hiện tại tàu nằm bờ là do sự cố về máy, vụ việc được ông Liên khởi kiện, công ty chúng tôi rất buồn. Dù không phải lỗi của chúng tôi, Bảo Duy cũng đã có nhiều động thái tích cực, họp các bên liên quan tìm tiếng nói chung để giải quyết vấn đề. Công ty cũng đã hỗ trợ 600 triệu đồng về tinh thần để ngư dân Liên khắc phục sự cố vươn khơi đánh bắt. Sau đó, phía công ty Liên Á sửa chữa không được và bây giờ hiện trạng con tàu vẫn nằm trên đà tại cơ sở đóng tàu Âu thuyền Thọ Quang” - ông Kỳ cho biết.

img

Công ty Bảo Duy "đổ lỗi" tàu hỏng máy không liên quan

Vị giám đốc này trần tình thêm, việc đóng tàu này, công ty đã thiệt hại rất lớn, hợp đồng giữa hai bên có giá trị khoảng 10 tỷ đồng để đóng vỏ tàu. Tuy nhiên phía ngân hàng mới giải ngân 3 tỷ đồng, phần còn lại vẫn chưa thấy. Mong cơ quan chức năng xúc tiến xử lý vụ việc cho nhanh để các đơn vị chịu trách nhiệm phần máy móc nhanh chóng thay thế cho ngư dân họ vươn khơi theo tinh thần Nghị định 67…”.

Chủ tàu “tố” công ty Bảo Duy phá máy!.

Công ty Bảo Duy nói không liên quan, trong khi đó ngư dân Trần Văn Liên phản bác ngay, sự cố hỏng máy là do công ty Bảo Duy gây nên, vì tàu chưa bàn giao, chưa có kỹ thuật máy của công ty Liên Á vào mà phía Bảo Duy tự ý thuê tài công chạy thử. “Nếu đơn vị đóng tàu không cho tàu chạy thử khi chưa có kỹ thuật máy của công ty Liên Á và chủ tàu thì làm sao có việc máy tàu hỏng. Trách nhiệm chính vẫn là Bảo Duy, vì ông muốn bàn giao nhanh tàu cho tôi để còn đóng chiếc khác. Chính đơn vị Bảo Duy phá máy, tôi sẽ theo đến cùng ra tòa với hai doanh nghiệp để đòi cho được quyền lợi…” - ngư dân Liên bức xúc.

img

Ngư dân Trần Văn Liên "tố" máy tàu hỏng là do cty Bảo Duy tự ý cho tàu chạy thử khi không có kỹ thuật máy và chủ tàu

Cũng theo ngư dân Liên, việc tàu nằm bờ 2 năm qua, không hoạt động đã thiệt hại hàng tỷ đồng, tiền trả tiền công vay cho lao động đi tàu, tiền vay ngân hàng, tiền lãi suất. Việc tàu nằm bờ khiến cuộc sống gia đình ông vô đường cùng, phải đi làm thuê lại cho người khác.

Trao đổi với Dân Việt, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, các ngành chức năng của tỉnh đã nhiều lần làm việc với các bên liên quan kể cả ngư dân Liên nhưng không đạt kết quả, vì thế ngư dân đã kiện ra hai doanh nghiệp đóng tàu, lắp ráp máy ra TAND TP Tam Kỳ. Quan điểm của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam là đứng về phía ngư dân”.

Như Dân Việt thông tin, ngư dân Trần Văn Liên (51 tuổi, ngụ thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) chủ tàu sắt  Qna- 94679TS thuộc Nghị định 67 trị giá 16 tỉ đồng gần 2 năm nay vẫn án minh bất động tại bờ biển Thọ Quang (TP Đà Nẵng). Việc tàu nằm bờ do hỏng máy này khiến gia đình ông Liên lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất, nên ông quyết định đưa doanh nghiệp đóng tàu cho ông ra TAND TP Tam Kỳ để nhờ công lý đòi lại quyền lợi.

Hai doanh nghiệp đóng tàu cho gia đình ông là Công ty cổ phần đóng tàu Bảo Duy (trụ sở Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (trụ sở Hà Nội). Trong đó, công ty Liên Á chủ yếu cung cấp máy móc và kỹ thuật cho tàu.

Hiện trên địa bàn tỉnh tổng sản lượng khai thác thủy sản quý I đạt 18.240/83.000 tấn theo kế hoạch cả năm. Có 30 cơ sở đóng tàu cá lớn, nhỏ. Trong đó, có 11 cơ sở đóng tảu vỏ gỗ và 1 cơ sở đóng tàu cỏ thép composite có quy mô lớn, mỗi năm có khả năng đóng khoảng 15-20 chiếu tàu cá cỡ từ 250CV trở lên. Theo NĐ 67, trên địa bàn Quảng Nam có tổng 35 chiếc tàu vỏ sắt được giải ngân theo hợp đồng tín dụng, hiện đã hạ thủy vươn khơi được 29 chiếc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem