Tây Ninh: Dự án hỗ trợ người nghèo chưa phát huy hiệu quả

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 28/08/2020 05:00 AM (GMT+7)
Theo đánh giá của HĐND tỉnh Tây Ninh, các dự án nông nghiệp hỗ trợ người nghèo trên địa bàn tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 chưa phát huy hết hiệu quả.
Bình luận 0

Qua 4 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, đã có 6.252 hộ thoát nghèo, 8.859 hộ thoát cận nghèo. Toàn tỉnh còn 5.269 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,69% tổng số hộ gia đình; giảm 2,63% hộ nghèo và cận nghèo so với năm 2015.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn những hạn chế khi nhiều địa phương chưa huy động được các nguồn khác để bổ sung. Đa số hộ nghèo và cận nghèo ít tái đầu tư phát triển sản xuất, khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

Tây Ninh: Dự án hỗ trợ người nghèo chưa phát huy hiệu quả - Ảnh 1.

Quân y bộ đội biên phòng Tây Ninh khám bệnh cho người nghèo trên biên giới. Ảnh: Lê Quân

Đối với các dự án nông nghiệp hỗ trợ người nghèo, ông Nguyễn Thành Tâm - Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định, công tác tổ chức, phê duyệt, xây dựng các dự án phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình chưa có nhiều chuyển biến so với giai đoạn trước. 

Thực tế giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, việc tổ chức sản xuất chăn nuôi sau khi người dân nhận hỗ trợ không hiệu quả. Con giống chất lượng thấp, bị hao hụt trong quá trình chăn nuôi, hoặc nuôi chưa hết chu kỳ đã bán luôn con giống. Việc giám sát triển khai các mô hình chưa chặc chẽ nên xảy ra tình trạng hộ dân không thực hiện đúng mô hình ban đầu.

Theo Sở NNPTNT, mức hỗ trợ ở giai đoạn 2014-2017 từ 5 - 7 triệu đồng/hộ chỉ đủ để hỗ trợ con giống, nên các hộ chỉ có thu nhập trong giai đoạn chăn nuôi, không đủ vốn để tái sản xuất. 

Năm 2018, định mức hỗ trợ tăng lên từ 10 - 15 triệu đồng/hộ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người thụ hưởng. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn vốn đầu tư còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT cho hay, thời gian tới, sở sẽ tổng kết, đánh giá lại hiệu quả các mô hình để các địa phương lựa chọn. Đồng thời, tăng cường giám sát các địa phương trong khâu lập và triển khai dự án để kịp thời hướng dẫn, khắc phục các hạn chế. Còn theo ông Tâm, để đa dạng sinh kế thì còn nhiều mô hình phi nông nghiệp khác. Phải đảm bảo các mô hình đưa ra được thực hiện bài bản, được hỗ trợ, theo dõi từ đầu đến cuối...

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem