Đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh đã xuống giống vụ đông xuân 2017-2018 khoảng 25.000ha sắn. Trong đó, gần 13.600ha mì đã bị nhiễm bệnh khảm lá, chiếm 1/2 diện tích.
Nông dân chủ quan
Nước ta hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu nào đánh giá mức độ ảnh hưởng của bệnh đến năng suất và chất lượng. Vì vậy chưa có đủ cơ sở thuyết phục người dân là bệnh có ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ.
Người dân gom đốt những cây sắn bị nhiễm bệnh. Ảnh: Trúc Ly
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Tây Ninh, đa số diện tích sắn từ vụ đông xuân 2016 - 2017 bị nhiễm bệnh ở giai đoạn muộn, cây đã hình thành củ, ảnh hưởng chưa nhiều đến năng suất nên nông dân vẫn giữ lại để tiếp tục chăm sóc, thu hoạch. Tâm lý chủ quan này tiếp tục được duy trì dù nông dân ít nhiều nhận thức được sự nguy hại của bệnh khảm lá.
Từ đầu vụ đông xuân 2017-2018 đến nay, các nhà máy chế biến tinh bột sắn thu mua củ tươi với giá cao (từ 2.200-3.500 đồng/kg với hàm lượng tinh bột 30%) đã kích thích nông dân xuống giống mà không tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Ông Phạm Văn Hòa - nông dân trồng sắn ở xã Tân Lập (huyện Tân Biên) cho biết, do nôn nóng khi thấy giá mì tăng, nhiều người tiếp tục xuống giống ngay trên đất đã bị nhiễm bệnh.
Việc trồng các giống mì không rõ nguồn gốc, không có khả năng kháng bệnh cũng là nguyên nhân khiến cây bị nhiễm bệnh ở giai đoạn sớm, từ 15-60 ngày sau khi trồng. “Có ruộng nhiễm toàn bộ 100% diện tích và diện tích nhiễm lại ngày càng tăng nhanh” - ông Hòa kể.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Chi Cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Tây Ninh, đa số người sản xuất vẫn chưa chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn. Chi phí sản xuất trung bình từ 20-25 triệu đồng/ha cũng khiến nhiều nông dân tiếc của, không thực hiện tiêu hủy cây bệnh hoặc có thực hiện nhưng không triệt để.
Bệnh khảm lá lây lan qua hom giống và bọ phấn trắng. Nhưng phần lớn các hộ dân lại dùng nguồn giống trong vùng dịch, giống nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng. Bọ phấn trắng là loài côn trùng đa thực, gây hại trên nhiều loại cây trồng nên luôn hiện diện trên đồng và gây hại ở giai đoạn cây còn non. Việc không thực hiện theo các khuyến cáo khiến 54,6% diện tích mì trồng vụ đông xuân 2017-2018 nhiễm bệnh khảm lá và phần lớn nhiễm ở giai đoạn cây con.
Chỉ đạo thiếu quyết liệt
Bên cạnh đó, Chi cục BVTV thừa nhận, Ban chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá sắn còn thiếu quyết liệt trong việc vận động, thuyết phục người dân có sắn bị bệnh khảm lá tiêu huỷ nguồn bệnh. Diện tích nhiễm lớn, không có lao động để phun thuốc đồng loạt trong khi lực lượng cán bộ mỏng, khó kiểm tra đội ngũ phun thuốc thuê cho đúng kỹ thuật. Ban chỉ đạo cũng chưa có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn việc thu gom cây sắn trong vùng dịch hoặc cây sắn nhiễm bệnh để dùng làm giống trong vụ đông xuân 2017-2018.
Việc tiêu hủy cây bị bệnh trên diện tích có tỷ lệ nhiễm dưới 70% không triệt để do sắn có thời gian sinh trưởng dài, từ 7-12 tháng. Sau khi nhổ, đốt, bệnh vẫn tồn lưu trên các cây còn lại nhưng chưa biểu hiện triệu chứng. Việc tiêu hủy phải thực hiện liên tục và nhiều lần trong suốt vụ sắn. Phần lớn hộ sản xuất có diện tích từ 1-5ha hoặc hơn nên phải tốn kém rất nhiều công lao động để rà soát cây bệnh.
Việc hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho người dân cũng gặp khó khăn. Bộ Tài chính xếp cây sắn ở mức hỗ trợ thuộc nhóm cây lương thực, rau màu. Trong khi ở Tây Ninh, cây sắn sản xuất chủ yếu phục vụ công nghiệp chế biến. Theo Chi cục BVTV, hiện các bộ ngành chưa thống nhất ý kiến nên sau 5 tháng triển khai biện pháp chống dịch vẫn chưa chi được tiền hỗ trợ thiệt hại cho nông dân.
Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sẽ dẫn đến giảm năng suất 80%, chỉ đạt khoảng 10-15 tấn/ha. Do vậy người trồng sắn khó thu hồi vốn. Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho biết, địa phương cần thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh khảm lá trên cây sắn quyết liệt hơn. Ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ giống sắn K94 có khả năng kháng bệnh cho nông dân.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.