Tên bánh đọc "đau cả miệng" hình thức kém sang nhưng ăn lại ngọt bùi

Thứ bảy, ngày 28/12/2019 18:26 PM (GMT+7)
Bánh Pẻng Nẳng là loại bánh dân dã thường được làm trong những ngày lễ tết của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Ở mỗi vùng miền cách thức làm bánh nẳng có sự khác nhau tạo nên nét riêng biệt rất riêng cho hương vị bánh.
Bình luận 0

img

Bánh nẳng được làm từ gạo nếp và nước nẳng.

Bánh nẳng (Pẻng Nẳng) được làm từ hai nguyên liệu chính là gạo nếp và nước nẳng. Khâu quan trọng nhất trong quá trình làm bánh là chế nước nẳng. Nước nẳng được chưng cất từ các loại lá cây, vỏ cây, vỏ quả.

Người Mường Thanh Sơn (Phú Thọ) thường làm nước nẳng bằng cây mận, cây đu đủ rừng, lá trầu không, vỏ chuối tiêu hoặc lá mua, vôi. Người Kinh thường chưng nấu nước nẳng bằng vỏ quả sở, cây rừng, măng khô và vôi. Các loại cây đem phơi khô rồi đốt thành than hòa với nước vôi gạn thật trong thì thành nước nẳng.

Để xem nước nẳng có đạt yêu cầu hay không bà con ta thường dùng lá trầu không nhúng vào khoảng 15 - 20 giây, vớt ra và bỏ vào miệng nhai mà thấy nước bọt đỏ như nước quết trầu là được.

img

Mỗi chiếc bánh nẳng nhỏ và được buộc lạt như bánh chưng Tày.

Gạo để làm bánh nẳng phải là thứ nếp mới sau khi đem giã hoặc xay xát được sàng sảy kỹ, loại bỏ sạn, thóc, tấm rồi đem vo sạch. Sau đó, đổ gạo vào nước nẳng đã chế ngâm khoảng sáu tiếng đồng hồ rồi vớt ra đem gói Bánh được gói bằng lá chít, lá dong, hoặc dùng lá chuối cũng được.

Mỗi chiếc bánh nẳng nhỏ và được buộc lạt như bánh chưng Tàỵ Luộc bánh nẳng cũng công phu và cầu kỳ như bánh chưng, muốn bánh nẳng ngon phải luộc khoảng 10 tiếng đồng hồ. Trong quá trình luộc phải đổ nước liên tục, lúc nào cũng phải ngập phần bánh trong nồi, không để cạn, khi nước trong nồi bắt đầu sôi thì hạ nhỏ lửa để bánh ngon và trong đều.

img

Bánh nẳng có vị bùi, béo của gạo và vị mát của nước nẳng.

Khi bánh chín, bóc từng lớp lá dong, lá chít ra ta nhìn thấy một màu xanh trong suốt như pha lê hiện ra trông thật ngon mắt. Cầm miếng bánh nẳng chấm vào đĩa mật vàng óng đưa vào miệng, vị mát lan tỏa nhẹ nhàng đầy quyến rũ cộng với mùi thơm thoang thoảng của các loại lá cây khiến ta khoan khoái và khỏe hẳn lên sau một ngày lao động mệt nhọc.

Bánh nẳng còn là một phương thuốc quý. Nó có tác dụng cao trong việc tiêu cơm, giải saỵ. Thưởng thức bánh nẳng ta cảm nhận được hương vị thơm mát của đất trời ẩn trong bánh, hòa tan cùng vị ngọt ngào của hương mật.

Phong Lâm (kyluc.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem