Liên quan đến những tranh cãi chung quanh chuyện “trạm thu phí” thành “trạm thu giá”, mở đầu phần trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 4.6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo, tiếp thu ý kiến dư luận, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi tên gọi "trạm thu giá" để trình Chính phủ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân quả quyết "việc này không cần nghiên cứu, tôi thấy Bộ Giao thông cứ dùng lại tên gọi cũ là trạm thu phí, vì tên gọi này đã đúng bản chất". Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tên "trạm thu phí" là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. “Nếu Bộ GTVT cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 4.6.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ hôm 2.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, không sử dụng tên “trạm thu giá”.
Thật ra, “trạm thu phí” hay “trạm thu giá” dù có khác nhau về tên gọi, dù quen hay lạ tai, dù hợp lý hay không hợp lý, thì bản chất vẫn là… thu phí bằng mọi giá!
Bằng chứng là tại văn bản báo cáo Quốc hội về các nhóm vấn đề sẽ được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời trước Quốc hội, Bộ GTVT thừa nhận có 17 trạm có bất cập về vị trí nhưng vẫn kiến nghị giữ nguyên nhiều trạm thu phí như hiện nay, nếu không ngân sách sẽ phải bù hàng chục nghìn tỷ đồng cho các nhà đầu tư.
Lấy ví dụ 3 dự án quốc lộ 6, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bộ GTVT cho hay, nếu bỏ trạm trên các tuyến quốc lộ, phương án tài chính các dự án sẽ không khả thi, Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù phần thiếu hụt lên đến khoảng 21.000 tỷ đồng (riêng quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng mất khoảng 16.000 tỷ đồng).
Nhiều người phản ứng khi Bộ GTVT đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá.
“Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn như hiện nay, phương án này không khả thi, kiến nghị tiếp tục thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm này. Bộ GTVT đã có các chính sách miễn, giảm giá đối với người dân quanh trạm và ưu tiên giảm giá chung cho các phương tiện nếu phương án tài chính của các dự án còn khả thi”, Bộ GTVT viết.
Nói cách khác thì “em vẫn là em”, như ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lý giải về việc “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” bên hành lang kỳ họp Quốc hội trước đó: “… việc gọi là trạm BOT, hay là trạm thu giá BOT, hay trạm thu phí BOT, nó chỉ là một cái tên gọi thôi. Ví dụ, ở đây em là Hoa, là Lụa, nhưng ở quê em là H..., là Cà, thì cái chuyện ấy nó không quan trọng, bởi vẫn là em”.
“Trạm thu giá” trở thành đề tài để dân mạng chế ảnh.
Bản chất vấn đề không nằm ở lớp vỏ chữ nghĩa “trạm thu phí” hay “trạm thu giá”, ở cái tên mới hay cũ, mà nằm ở chỗ có đến 17 trạm đặt sai vị trí, ép dân phải nộp tiền mới được đi trên chính con đường vốn được xây dựng bằng tiền thuế do mình đóng góp.
Thậm chí, nói như đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tại phiên chất vấn là: "Dân không đi vẫn phải trả tiền”. Và “tôi thấy phần trả lời Bộ trưởng toát lên theo kiểu: Người dân chịu thì cứ thu, không chịu thì dừng, sau đó thuyết phục, giảm giá sau đó lại thu phí. "Xin hỏi Bộ trưởng, như vậy đã vì lợi ích của dân chưa?". Và câu trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT là: Một số dự án BOT "do lịch sử để lại, triển khai lâu rồi, khi chuyển về Bộ, chúng tôi tiếp nhận".
Chừng nào dân không được lựa chọn đường đi, thậm chí không đi vẫn phải trả tiền vì BOT nghĩa là “thu phí bằng mọi giá” thì tên gì cũng vậy thôi!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.