Tết Âm lịch của những nước đón Tết trùng với Việt Nam có gì đặc biệt?

Minh Khánh (Tổng hợp) Chủ nhật, ngày 15/02/2015 10:00 AM (GMT+7)
Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều nước châu Á, đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và khởi đầu mùa xuân mới và là dịp diễn ra nhiều sự kiện đặc biệt.
Bình luận 0

Cũng giống như Việt Nam, nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ… cũng chọn Tết Âm lịch là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của mùa đông, khởi đầu mùa xuân mới, mang đến những hy vọng về mọi sự may mắn tốt lành. Tết thường được tính từ ngày đầu tiên của tháng âm lịch đầu tiên.

Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia láng giềng gần với Việt Nam nhất, do đó phong tục tết truyền thống của quốc gia này với chúng ta khá gần gũi. Với người Trung Quốc, Tết Nguyên đán là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm.

img

 

Người dân Trung Quốc thường trang trí nhà cửa bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành. Tết Âm lịch là dịp để người Trung Quốc quây quần bên nhau làm những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên. Người Trung Quốc thường tránh ăn thịt con vật tương ứng với con vật trong lịch tết vào đầu năm, ví như năm nay là năm Ất Mùi thì họ sẽ kiêng ăn thịt dê vào đầu năm mới.

Bánh ngày Tết đáng chú ý của người Trung Quốc là bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại tốt, cùng với đường và một chút gừng tươi, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn kết dính, gắn bó với nhau bền vững. Đó cũng là loại bánh đặc biệt phổ biến trong dịp năm mới, không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống của người Trung Quốc. Khay kẹo đón tết của người Trung Quốc là khay tròn 8 ngăn, hoặc 6 ngăn (hai số phúc lộc theo quan niệm của người phương Đông) để sắp xếp bánh kẹo theo vòng tròn, được gọi là “khay sum họp”.

Mông Cổ

Tết Âm lịch Mông Cổ, hay còn được gọi là Tsagaan Sar là ngày đầu tiên trong năm theo âm lịch Mông Cổ. Tsagaan Sar trùng thời điểm với Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, được tổ chức trong ba ngày đầu tiên của tháng âm lịch đầu tiên. Khi đó quốc gia này sẽ tổ chức lễ hội đánh dấu tết Âm lịch (vào khoảng tháng Một hay tháng Hai dương lịch).

img

 

Để đón Tết, Người Mông Cổ sẽ “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào khởi đầu mới tốt, đẹp hơn. Trước đêm Giao thừa, họ rửa sạch chén bát với sữa ngựa. Đúng vào thời khắc Giao thừa, người Mông Cổ thực hiện tục uống trà đầu năm. Khoảng thời gian Tết, các gia đình sẽ thắp nến ở bàn thờ để tượng trưng cho giác ngộ. Ngoài ra, mọi người chào hỏi nhau bằng những câu nói đặc trưng, họ cũng viếng thăm bạn bè và gia đình trong ngày này và trao nhận các món quà.

Gia đình Mông Cổ điển hình đón Tết sẽ quây quần tại nơi ở của người nhiều tuổi nhất trong gia đình. Trong thời gian đón Tết, nhiều người Mông Cổ sẽ mặc hoàn toàn trang phục dân tộc Mông Cổ.

Triều Tiên

Người dân Triều Tiên giống như cư dân của một số nước châu Á khác (Trung Quốc, Việt Nam, Mông Cổ…) đón Tết truyền thống dựa vào nông lịch (lịch mặt trăng – mặt trời). Người Triều Tiên có một năm mới khá yên bình với những người thân trong gia đình, khác với không khí ồn ào đón năm mới của các quốc gia khác.

img

 

Ngày tết âm lịch ở Triều Tiên, dù là miền bắc hay Nam, hầu hết các thành viên trong đại gia đình từ khắp nơi trở về và cùng nhau tổ chức ngày lễ đặc biệt này. Đêm 30 Tết, mọi nhà rẩy nước quét dọn trong nhà ngoài hiên, treo câu đối Tết, tranh Tết, làm cơm Tết và may quần áo Tết.

Ở Triều Tiên có hai hoạt động đặc thù ngày tết, một là "đuổi quỉ', hai là "đốt tóc". Người Triều Tiên thức dậy từ rất sớm ngày đầu năm mới, họ lấy một ít tiền cho vào trong hình nộm bằng rơm, sau đó đem bỏ ra ngoài phố để đuổi tà ma, đón vận may. Đến xế chiều, người ta lấy tóc rụng được thu thập trong năm đem ra đốt, mong sự bình an cho cả năm.

Sáng sớm của ngày đầu tiên năm mới, các thành viên trong gia đình quây quần bên người ông cao tuổi nhất trong nhà để tổ chức nghi lễ Cha-rye (lễ tạ ơn gia tiên). Người Triều Tiên thường diện trang phục truyền thống mới may dành riêng cho dịp tết, đó là những bộ trang phục mang màu sắc riêng, được trang trí bằng 5 màu chính và được gọi là Sol-bim.

Hàn Quốc

Tết Âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc theo tiếng Hàn là Seol (hay Seollal), là đại lễ quan trọng nhất trong năm. Cũng như Việt Nam, năm mới ở Hàn Quốc chính thức bắt đầu tính từ 1.1 âm lịch.

img
 

 

Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Đêm giao thừa người Hàn Quốc không ngủ, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy. Ngày đầu tiên của một năm mới mọi người đều mặc quần áo cổ truyền, uống gui balli sool (một loại rượu bổ), tiến hành nghi lễ cúng Tổ tiên gọi là Chesa.

Ngày Tết, nhà nào ở Hàn Quốc cũng treo Bok jo ri (cái xẻng bằng rơm dùng hốt thóc gạo rơi vãi) ngoài cửa với mong muốn nhận được phúc lộc quanh năm. Mọi người đều mặc trang phục truyền thống Hanbok hoặc chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất. Trẻ con được thỏa sức tham gia vào các trò chơi dân gian như: kéo co, thả diều, bập bênh, yutnori, tubo, jegichagi.

Singapore

Người Singapore đón tết giống Việt Nam, truyền thống ngày tết Âm lịch khá tương đồng với những gì được tổ chức ở Trung Quốc và Việt Nam. Tết Nguyên đán âm lịch ở Singapore thường diễn ra Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.

img

 

Ngày Tết, người Singapore hay trao nhau những trái quýt căng mọng, ngọt ngào vì quýt chính là biểu tượng của sự may mắn. Tất cả tặng vật đều có cặp có đôi, vì họ tin rằng số lẻ là biểu tượng của sự không may, không tốt lành.

Hoạt động đặc nhất Tết Âm lịch của người Singapore là bữa cơm đoàn viên đêm giao thừa, với các món ăn quen thuộc là "juan he", "peng cai" hay "yu sheng". "Juan he" là bánh mứt, trái cây khô như ngày tết ở Việt Nam, "peng cai" là món lẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem