Tết lạc quan, đong đầy yêu thương của những bệnh nghèo xa quê
Chinh Hoàng - Thanh Bình
Thứ hai, ngày 23/01/2023 12:07 PM (GMT+7)
Tối mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, "Khu lưu trú 0 đồng cho bệnh nhân nghèo" ở số 340/14, đường Long Phước, phường Long Phước, TP.Thủ Đức (TP.HCM), rộn ràng tiếng trống múa lân - sư - rồng biểu diễn, giúp bệnh nhân nghèo lạc quan và vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Món ăn tinh thần giúp bệnh nhân nghèo vơi đi nỗi nhớ quê nhà
Tại "Khu lưu trú 0 đồng cho bệnh nhân nghèo" - số 340/14, đường Long Phước, phường Long Phước, TP.Thủ Đức (TP.HCM), ông Tánh Lưu đã ngoài 60 tuổi, quê Thanh Hóa, tỏ ra rất hứng khởi khi thấy đoàn diễn viên xuất hiện với trang phục và công, đạo cụ chuyên nghiệp.
"Tôi và những bệnh nhân khác được vợ chồng bác sĩ Lê Thanh Nga - Đỗ Huỳnh Văn Huy thông báo từ trước, sẽ "đãi" món ăn tinh thần, nên đã trông ngóng suốt buổi chiều', ông Lưu nói.
Bên cánh đó, những nhà hàng xóm cạnh bên đều được bác sĩ trân trọng mời đến dự xem.
Dường như biết được suất diễn tối mồng 1 Tết có nhiều khán giả đặc biệt, nên các vũ công của đoàn múa lân có màn thể hiện dài hơn và độc đáo hơn mọi khi.
Hơn 100 người dân đã được thưởng thức buổi trình diễn thật mãn nhãn. Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Lưu thổ lộ, nhiều tháng về trước ông bất ngờ bị tai nạn gãy đốt sống D12, thời gian đầu ông Lưu phải nằm một chỗ.
Nhờ người quen chỉ dẫn, ông Lưu được hai vợ chồng lương y Nga - Huy nhận điều trị, lại còn chăm sóc và cho ăn ở miễn phí đến khi bình phục.
Chỉ sau hai tháng được chữa trị, giờ đây ông Lưu đã tự ngồi dậy và vịn ghế để đi lại trong nhà, điều mà cách đây không lâu ông không dám nghĩ đến.
Cùng được chữa bệnh, lưu trú, ăn uống mà không tốn bất cứ khoản chi phí nào như ông Lưu còn có hơn 20 người khác. Mỗi bệnh nhân đến từ địa phương và mang một căn bệnh nặng khác nhau, song giống nhau ở chỗ hoàn cảnh rất khó khăn. Phải điều trị liều cao, trong thời gian dài thật sự là gánh nặng. Vậy nên với họ, địa chỉ nhân đạo này có ý nghĩa như "phao cứu sinh".
Trong thời buổi giá cả đất đai ở mức cao, lại có hai vợ chồng hành nghề y dành hẳn hơn 300m2 đất, ngay tại nơi được gọi "thành phố trong thành phố", để xây nhà đón những người không hề quen biết vào ở, hệt như chuyện lạ có thật.
Nhưng chuyện lạ ấy đã bắt đầu mở cửa từ cuối năm ngoái. Chính vì vậy, phóng viên không cần đọc số nhà, chỉ việc nhắc đến khu lưu trú miễn phí cho bệnh nhân nghèo, là được người dân địa phương hướng dẫn tận tình.
Cầm trên tay quà Tết và bao lì xì vừa được bác sĩ Nga trao, ông Võ Công Danh, 58 tuổi (quê Cần Thơ) xúc động: "Chúng tôi được quan tâm chu đáo, hỏi han ân cần như tình ruột thịt. Mỗi lần gọi điện kể cho người thân ở quê nhà, ai cũng ngạc nhiên và khâm phục. Ngày Tết dù ở lại đây chữa bệnh, chúng tôi vẫn cảm thấy như đang ở nhà mình".
"Có lẽ y thuật, y đức cùng với tấm lòng Bồ tát của hai vợ chồng bác sĩ này đã giúp nhiều người vượt qua cơn bạo bệnh, sớm được sum họp với gia đình" - ông Danh chia sẻ thêm.
Bản thân ông Danh cũng bị suy thận nặng, sau thời gian kiên trì chữa bệnh tại đây, giờ thì ông không còn lo phải chạy thận nhân tạo nữa.
Người mang Tết ấm áp đến nhiều bệnh nhân nghèo
Bác sĩ Nga tâm sự: "Vợ chồng tôi quan niệm rằng tạm trú nhưng không phải tạm bợ, khâu ăn ở được đảm bảo tốt sẽ góp phần giúp người bệnh mau hồi phục". Những trang thiết bị và tiện nghi ở đây đã nói lên tất cả. Có không gian thoáng mát, hồ cá, diện tích trồng rau xanh và cây thuốc nam, để người bệnh được thư giãn, thoải mái tinh thần. Nhiều người đã gọi vui bằng cái tên "Khách sạn tình thương đón người nghèo".
Mỗi lần các bệnh nhân đến lịch hẹn tái khám, bác sĩ Nga còn bao luôn cả xe đưa đón tận bệnh viện cho an toàn. Câu nói của chị dù nghe qua một lần cũng nhớ mãi: "Đã giúp người thì giúp cho trót, đừng có lưng chừng họ không biết xoay xở làm sao".
Mang Tết cho người kém may mắn chính là cách "ăn Tết" của hai bác sĩ Nga - Huy. Từ đầu tháng Chạp âm lịch, đôi vợ chồng đã tất bật cho những chuyến từ thiện đường dài, từ Thủ Đức lên huyện Di Linh (Lâm Đồng).
Họ vừa hoàn thành trao 120 phần quà ấm áp cho người lao động mưu sinh trong đêm 29 và 30 Tết. Ngày mùng 1 tiếp tục thăm khám cho các "cư dân" trong nhà lưu trú, trước khi đón đội Lân - Sư.
Hai anh chị không làm thiện nguyện theo "thời vụ", bởi lẽ họ xem như chuyện ăn cơm, uống nước hàng ngày.
Nhóm "Y bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo" thành lập năm 1998, do bác sĩ Nga phụ trách, do vậy mà không một ngày "giải lao". Từ nấu cháo dinh dưỡng ở một số bệnh viện, tặng suất cơm người khó khăn tại nhà riêng, cứu trợ nơi vùng sâu vùng xa.
Ở đâu có người cần giúp đỡ họ đều không quản ngại đường sá, thời gian, đúng như tôn chỉ hoạt động của nhóm "Cho đi là còn mãi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.