Hoàng Thành
Thứ ba, ngày 24/01/2023 10:00 AM (GMT+7)
Như một tục lệ "bất thành văn", ngoài 3 ngày Tết chính (từ 1-3 tháng Giêng âm lịch), bắt đầu từ ngày 4 – 22 tháng Giêng, người dân nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội còn tổ chức ngày ăn "Tết lại" - một phong tục văn hóa độc đáo, đặc sắc.
Đây là thời điểm để tất cả mọi người dân địa phương dù xa hay gần đều trở về để cùng nhau đón mừng năm mới, tưởng nhớ công ơn xây dựng, bảo vệ đất nước của ông cha.
Ttrước kia, tục lệ ăn "Tết lại" diễn ra ở nhiều làng quê vùng ngoại thành Hà Nội như Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai... nhưng đến nay, chỉ còn một số xã còn tồn tại tục lệ độc đáo này.
Tục lệ nghìn năm
Chúng tôi tìm về huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội, gặp nhiều người dân, song khi hỏi về nguồn gốc của tục "Tết lại", chỉ rất ít người biết. Tại xã Đức Hòa, hầu như không ai biết rõ nguồn gốc của tục lệ ăn "Tết lại", kể cả những cụ ông cụ bà nhiều tuổi nhất làng. Khi họ sinh ra đã thấy, hết 3 ngày Tết đi (Tết Nguyên đán), dân làng lại rục rịch chuẩn bị "Tết lại".
Đặc biệt, "Tết lại" không được tổ chức cùng ngày, mỗi thôn tại các xã của Sóc Sơn có ngày ăn "Tết lại" khác nhau. Ví như, thôn Đồng Giành (xã Đông Xuân) ngày mùng 4, thôn Kim Trung (xã Kim Lũ) ngày mùng 5, thôn Lai Sơn (xã Bắc Sơn) ngày mùng 8, thôn Đức Hậu (xã Đức Hòa), thôn Tiên Chu, Lam Lý, Lương Đình (xã Bắc Sơn) ngày mùng 10 hay thôn Xuân Kỳ (xã Đồng Xuân) ngày 22 âm lịch. Cứ như vậy, thôn này qua thôn kia cùng ăn "Tết lại", rải rác khắp tháng Giêng.
"Nhà nào có nhiều người đến ăn “Tết lại”, đặc biệt là những người xa lạ, coi như năm đó nhiều lộc. Cứ ăn hết tết thôn này, chúng tôi lại rủ nhau qua thôn bên ăn tiếp”.
Ông Nguyễn Bá Bình
Ông Nguyễn Bá Bình (70 tuổi), người dân thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, kể, nhiều người dân trong thôn trước nay vẫn truyền miệng: "Tết lại" bắt nguồn từ sự kiện Vua Quang Trung dẹp giặc Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long. Việc phải hành quân đánh giặc đúng dịp tết khiến người dân phải đi sơ tán và các binh sĩ không được hưởng một cái tết trọn vẹn. Vì vậy, vua Quang Trung đã tổ chức cho binh sĩ ăn tết vào ngày 30 tháng Chạp (25/1/1789), và ngay sau khi giải phóng thành Thăng Long, người dân ổn định lại cuộc sống, vua Quang Trung đã cho binh sĩ và nhân dân ăn "Tết lại" để có một cái tết trọn vẹn.
Ngoài ra, cũng có người kể rằng, phong tục ăn "Tết lại" là trước đó, dân thành Thăng Long đã chuẩn bị ăn tết với đầy đủ các thứ vật phẩm. Nhưng do phải chạy giặc Thanh, họ chỉ đem đi được rất ít thức ăn, còn phần lớn bánh chưng phải vứt xuống ao. Khi kinh thành được giải phóng, họ trở về và thử vớt bánh lên, thấy vẫn còn thơm ngon. Dân chúng cảm tạ thần linh đã giúp Vua Quang Trung đánh tan giặc Thanh, giải phóng kinh đô Thăng Long, cho họ được mở tiệc ăn tết tại nhà. Từ đó, ở nhiều nơi, nhiều nhà giữ lại cách thức ngâm bánh chưng xuống ao, xuống giếng nước, sau vớt lên ăn "Tết lại". Nếu không thì gói đợt bánh khác để ăn tới tận rằm tháng Giêng, có khi tới tận cuối tháng Giêng, gọi là tục "ăn Tết lại".
"Tết cùng", "Tết lại" ở Trường Yên, Ước Lễ…
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài một số thôn, xã ở huyện Sóc Sơn, trên địa bàn Hà Nội còn một số địa phương cũng tổ chức tục "Tết lại", như ở thôn Yên Trường (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ), tuy nhiên nguồn gốc và tên gọi thì lại khác xa so với nhiều nơi. Theo lời các bậc cao niên nơi đây kể lại, từ hàng trăm năm nay, ở ngôi làng này, ngoài đón Tết Nguyên đán thì họ có thêm một cái tết vào ngày 30 tháng giêng (âm lịch). Lần ăn Tết này người dân gọi là "ăn Tết Cùng". Nét độc đáo nhất làm nên cái khác lạ ở Trường Yên mà có lẽ không ở nơi nào có được chính là tục ăn thịt chó đầu xuân. Thịt chó là món người ta kiêng ăn vào những ngày đầu tháng, đầu năm để tránh sự đen đủi cho những ngày còn lại trong tháng, những tháng còn lại trong năm. Ấy vậy mà ở thôn Yên Trường, ăn thịt chó lại trở thành "tục lệ" không thể thiếu của những ngày đầu xuân năm mới.
Cũng tổ chức đón "Tết lại", song người dân làng giò chả Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) chỉ tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng. Những ngày này, con cháu làm ăn ở xa khắp cả nước đều trở về cùng nhau đón mừng năm mới, tưởng nhớ công ơn xây dựng, bảo vệ đất nước của ông cha. Đến Ước Lễ vào dịp rằm tháng Giêng, các loại giò, chả truyền thống được các hộ gia đình bày bán rất nhiều trong làng để phục vụ cho bà con trong làng và khách thập phương. Một điều đặc biệt nữa là vào mỗi dịp "ăn Tết lại" của làng Ước Lễ, bên cạnh những món ăn cổ truyền của Việt Nam thì một món ăn không thể thiếu đó chính là thịt chó thì mới được coi là "ăn Tết" trọn vẹn. Không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng những tục lệ "có một không hai" đã được duy trì cho đến ngày hôm nay và trở thành một thói quen mà mỗi người dân làng Ước Lễ cho dù đi đâu, về đâu cũng không thể quên được truyền thống của quê nhà.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, "Tết lại" ở Sóc Sơn đã có từ thời Hùng Vương, cách triều đại Vua Quang Trung hàng nghìn năm. Song, khi hỏi về lý do tại sao mỗi làng có một ngày tết lại khác nhau mà không phải tất cả cùng ăn "Tết lại" một ngày thì ông Nguyễn Bá Bình cũng lắc đầu, vì ông cũng chỉ nghe các cụ đời trước kể lại.
Nét đẹp trong văn hóa
Nhớ về "Tết lại" trong ký ức, ông Bình cho hay: Ngày "Tết lại", hầu hết nhà nào cũng gói bánh chưng, gói giò, mổ gà, bày hoa quả. Tiếng trống hội tưng bừng khắp làng trên xóm dưới. Người các thôn đổ về nườm nượp tham gia chơi đấu vật, chọi gà, đánh đu… tại sân bãi của đình làng. Đến thời kháng chiến, người dân không còn điều kiện tổ chức Tết linh đình như xưa. Ngày nay, "Tết lại" ở Sóc Sơn được phục hồi gần như cũ và đầy đủ hơn về mặt vật chất. Tuy nhiên, những cuộc thi đá bóng, cầu lông, bóng chuyền đang dần thay thế những trò chơi dân gian vốn được ưa chuộng một thời.
"Người dân chúng tôi quan niệm, Tết đi đã làm lễ cúng tiễn chân ông bà ông vải rồi, thì tới "Tết lại" cũng phải sắp sửa mọi thứ khác để mời các cụ về ăn tết mới. "Tết lại" có khi còn to hơn cả Tết Nguyên đán. Con cháu khắp nơi cùng tề tựu về. Bất cứ khách nào đến chúc tết đều được giữ lại ăn cơm, nhiều gia đình vui chơi và ca hát đến tận nửa đêm. Nhà nào có nhiều người đến ăn "Tết lại", đặc biệt là những người xa lạ, coi như năm đó nhiều lộc. Cứ ăn hết tết thôn này, chúng tôi lại rủ nhau qua thôn bên ăn tiếp" - ông Bình nói.
Ông Nguyễn Đăng Thêm - Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Đức Hậu nhìn nhận, trong quan hệ làng xã, ngoài giao lưu giữa con cháu trong gia đình cũng phải có giao lưu giữa chủ gia đình, bạn bè. "Tết lại" chính là dịp để các gia chủ tới thăm nhau, thôn này tới thăm thú thôn kia… "Tết lại" kết tinh nhiều nét đẹp trong cách ứng xử, ẩm thực, văn hóa, thể thao".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.