Đạo diễn Doãn Hoàng Giang thích dựng vở kiểu bóng đá tấn công…
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang thích dựng vở kiểu bóng đá tấn công…
Hà Tùng Long
Thứ sáu, ngày 20/01/2023 11:24 AM (GMT+7)
Ông - đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, đã về cõi thật lặng lẽ, một mình nhắm mắt giã biệt tất cả, trong phòng riêng trên gác hai ngôi nhà tầng của ông ở đường Âu Cơ, trên mạn Hồ Tây, Hà Nội.
Khi ấy, con trai duy nhất của ông là hoạ sĩ Doãn Hoàng Lâm, chiều chiều đi đón cháu nội ông tan trường, cuối ngày 25 Tết, vẫn chưa về. Dường như ông không nỡ để người thân phải chứng kiến tận mắt cái chết của mình. Ông đã vĩnh viễn giã biệt hai nghệ thuật mà ông yêu nhất, yêu xuyên đời ông. Đó là nghệ thuật của vở diễn trên sân khấu và nghệ thuật của túc cầu trên sân cỏ.
Biết tin ông mất do đàn anh Ngô Thảo thông báo trên mạng xã hội, ở Sài Gòn, thăm thẳm xa Hà Nội, tôi chợt lặng người bồi hồi nhớ ông và lập tức, ký ức của tôi rờ rỡ hiện hình những vở diễn đặc sệt phong cách Doãn Hoàng Giang. Và cũng ngay lập tức, tâm trí tôi trở lại những cuộc đối thoại thật ráo riết, sôi nổi và thậm chí chan chát khác biệt với ông, về chủ đề ưa thích của hai anh em: sân cỏ và sân khấu.
Nhớ thập niên đầu thế kỉ 21, khi tôi mới chuyển vùng từ TP. HCM ra Hà Nội, giảng dạy tại khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH và NV, lại vốn là kí giả kịch trường của Tạp chí Sân khấu từ năm 1977, và vốn quen biết ông Giang từ rất lâu, nên lần này, sau hàng chục năm gặp lại, tôi hay được ông hẹn ăn trưa và đối thoại/phỏng vấn/trò chuyện thoải mái tuỳ thích ở quán Paris Deli, đối diện Nhà hát Lớn Hà Nội. Chúng tôi thường đề cập về hai vấn đề mà cả ông và tôi đều thích đàm đạo, thậm chí tranh cãi gắt gao, đó là công cuộc chỉ đạo của đạo diễn sân khấu và công cuộc chỉ huy của huấn luyện viên trên sân cỏ.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh và phong cách "cao bồi già" cố tình của ông, (sinh năm Mậu Dần 1938, hơn tôi Canh Dần, đúng một con giáp), đã thành "thương hiệu" riêng biệt. Khi ông xuất hiện ở quán Paris Deli quen thuộc, trên người ông rặt đồ bò: mũ cát két bò, quần bò bạc, túi dết lính hầm hố và trên tay vung vẩy một điếu Mildsevan đang cháy dở.
Vừa ngồi xuống chiếc ghế ưa thích sát cửa sổ trông ra phố, ông đã nói luôn: - Hôm qua cô bảo anh tính sổ hàng chục vở diễn gần đây, nói thật là anh không thích. Nghe nó sai sai thế nào, cứ như tính sổ để sắp…về cõi. Rồi tôi lại hỏi: - Anh mê bóng đá đến thế thì khi dựng vở, có bị bóng đá nó ám không?. Ông cười hồn nhiên, khẳng định chắc như cua gạch: Ám là cái chắc! Anh không thích ngoái đầu nhìn lại những vở mình đã dựng, mà chỉ thích cách của cầu thủ bóng đá là không bao giờ muốn ngoái lại, chỉ biết lao tới, như điên. Anh khoái trá nhất bóng đá tấn công, cầu thủ không nhìn vào khung thành của mình, một mực lao tới khung thành của đội bạn, tấn công dồn dập, áp sát, lại tấn công và… sút.
- Anh thích bóng đá tấn công, chắc hẳn điều đó sẽảnh hưởng rất mạnh tới ngôn ngữ dàn dựng vở diễn riêng tư chỉ có của anh? - Ô hay!Tại sao không? Tôi không thích bắt đầu vở diễn bằng màn... giao đãi, như cứ phải mời nhau điếu thuốc, miếng trầu để mở đầu câu chuyện.
Bóng đá vào trận là đá, có ngay tỉ số là sướng nhất, thế mới là tấn công! Vở diễn của tôi cũng thế, không năn nỉ ỉ ôi gì hết trơn, bỏ giao đãi, bỏ dẫn chuyện dài dòng, vào ngay trận chiến. Cô xem "Nhân danh công lý" của tôi rồi. Ngay màn kịch đầu đã vào sự biến. Và liên tiếp là sự biến, từ đầu đến cuối căng thẳng, đầy bất ngờ. Kịch của tôi y chang bóng đá. Thật khốc liệt. buộc phải dẫn đến thắng thua, nhưng bên nào cũng nhất định thắng, còn được thua lại là chuyện khác. Đúng không? Tôi thấy đáng chán nhất là trận đấu không tỉ số! Không tỉ số, với tôi là một trận đấu chẳng ra làm sao. Cũng như vở diễn dở nhất, theo tôi, là vở không có kết quả, không có xung đột, không đi tới cao trào để buộc phải giải quyết.
Rất giống bóng đá, các vở diễn của tôi phải là cuộc chiến một mất, một còn. Vở "Nhân danh công lý" của tôi bất ngờ ở chỗ bên thắng cuộc lại là người dân thường, chứ không phải những kẻ nhân danh công lý mà uốn cong luật pháp, ức hiếp thường dân. Nhưng đó mới là vở diễn của thời kỳ đầu đổi mới, dựng trên sân khấu một vấn đề bức xúc như thế, gay cấn như một trận cầu sinh tử như thế, lúc bấy giờ, đạo diễn. đã được coi là bạo tay.
Có lần, nhà văn Hữu Ước viết một vở về vụ án Năm Cam: "Vòng xoáy", tôi lại dựng thật khác, vẫn theo cách bất ngờ của bóng đá: trong số những người ngã ngựa, có cả người của ta. Điều này, báo chí đã thông tin, ai cũng biết.
Sự hấp dẫn của một vở kịch thế sự như thế, phụ thuộc vào việc tác giả phải viết kĩ lưỡng đời sống nội tâm nhân vật, tránh "lược đồ" nhân vật và đạo diễn lại càng phải kĩ lưỡng hơn khi dựng nhân vật kịch trên sân khấu, mới có thể thuyết phục người xem. Tiết tấu vở phải nhanh, không thể ê a lừng khừng. "Vùng xoáy" của Nhà hát Kịch Việt Nam vừa lưu diễn hơn hai chục buổi TP.HCM, dân tình đổ đi xem rất đông, hiệu quả rất tốt.
Tôi buột khen vì thú vị: - Như thế là anh đã cấu trúc vở diễn hoàn toàn theo tính khí bất thường và bất ngờ của bóng đá? Ông Giang cả cười: Còn hơn thế nữa, phải là bóng đá đẹp. Vào trận chỉ sau mấy chục giây, đã có ngay tỷ số. Nhưng bóng đá đẹp còn có thể là tỉ số hoà ở mức rất cao, thí dụ: 4 - 4, hay 5-5 chẳng hạn ( Giang cười bí hiểm, rất hay là tôi "đọc vị" được cái cười này). Ông dứt lời, cả tôi lẫn ông cùng phá lên cười sảng khoái. Tôi biết ông hài hước và thi thoảng, không ngần ngại, cứ thích nói vống lên cho sướng tai…
Tôi vẫn "hạch hỏi" tiếp: - Anh ưng sân khấu thắng thua dứt điểm, tiết tấu nhanh mạnh như bóng đá, nhưng những cái đó có lẽ chỉ ứng dụng hiệu quả cho thể loại kịch, còn với các loại hình kịch hát dân tộc: tuồng, chèo, cải lương… chẳng hạn, vốn tiết tấu chậm, đan xen nhiều hát, múa, anh vẫn thích ứng dụng đấu pháp túc cầu, như thế có thể bị… khiên cưỡng chăng?
Ông Giang thản nhiên và thẳng băng đáp trả: - Ồ không. Hát múa có mặt trong sân khấu chèo tuồng truyền thống và cả cải lương nữa, có lý do mỹ học riêng. Đến tâm trạng cao trào của nhân vật, cần phải đổ xề như trong sân khấu cải lương, thì diễn viên phải ca 6 câu vọng cổ và phải đổ xề. Chỗ đổ xề này cũng chẳng hề hấn gì đến tiết tấu chung của toàn vở, vì nó cần diễn tả sâu đậm tâm trạng nhân vật bằng cách hát thật đặc thù. Còn nếu không thì dẫu vở kịch hát có cố tình hạn chế múa, hát để đẩy tiết tấu lên nhanh hơn, cũng chẳng ích gì.
Do vậy, có không ít đạo diễn nhầm lẫn, đã dựng chèo, tuồng thành những vở… kịch dở, nói như người trong nghề hay giễu cợt, là kịch nói đâm bài cađấy thôi
- Xem đá bóng anh có mê những ngôi sao sân cỏ không? Và ngôi sao sân khấu và sân cỏ có gì giống nhau nhỉ?
Ông Giang lại bật cười, ra điều thú vị: - Hai loại sao này giống nhau chứ. Giống nhau ở chỗ, trước hết cả hai loại sao này đều "giết chết" không thương tiếc những đạo diễn/ hoặc huấn luyện viên đã đẻ ra, hay thiết kế …ra chúng. Thí dụ giết tôi, đạo diễn sân khấu hoặc các ông bầu (huấn luyện viên) thiết kế chiến lược và chiến thuật cho cầu thủ bóng đá. Trên sân khấu và sân cỏ, người xem đã chỉ thấy diễn viên…diễn vai kịch, cầu thủ… mải miết chạy theo trái bóng, mà họ thường quên là, đằng sau những vai diễn sân khấu rất đáng xem ấy và đằng sau sự ngoạn mục của cầu thủ đá trên sân cỏ ấy, chính là quyền năng tối cao của đạo diễn sân khấu và đạo diễn sân cỏ.
Bởi cả hai nhân vật đạo diễn tối thượng này mới là người quyết định sự thành bại của vở diễn sân khấu và cuộc giao tranh túc cầu trên sân cỏ, chứ không phải bất kì ai khác. Tôi luôn sẵn lòng chết như thế trong các vai kịch mà tôi đạo diễn, đúng với tư cách đạo diễn, để diễn viên sắm vai kịch đích thực là ông hoàng bà chúa trên sân khấu.
Tôi lại cố ý hỏi "xoáy"xem ông đáp "xoay" thế nào mà rốt cuộc, chịu thua: - Vẫn biết chỉ có hai tình yêu xuyên suốt cuộc đời ông anh: yêu sân khấu và sân cỏ, nhưng cũng biết một sự thật nhãn tiền: cứ có bóng đá thế giới là ông anh bỏ sân khấu, kể cả đang dựng vở, cũng kệ, là sao? Ông Giang từng bị "bế" lên báo Tuổi trẻ năm 1998, mục "Mỗi ngày một chuyện" vì "can tội" trước cửa nhà, treo biển chữ to: Bóng đá mời vào, công việc mời ra. Cả tháng trời ông chỉ ngồi lỳ ở nhà riêng xem và bình luận bóng đá. Ôsin của ông phải thức suốt đêm nấu cháo gà cho "hàng huyện" bạn bè cùng xem, cùng bàn luận rôm rả, tưng bừng thâu đêm suốt sáng với ông?
Đài BBC và AFP từng phỏng vấn và từng kinh ngạc vì ông bỏ việc đạo diễn một tháng mà vẫn "như không", là sao? - Ô hay, tôi đâu bỏ việc. Tôi làm việc như điên, như con trâu cày chăm chỉ suốt hơn 4 năm, chỉ nghỉ xem có một tháng. Mà tôi xem đâu để chơi, mà là để học. Nói thật, xem những trận hay của bóng đá các châu lục trên thế giới, phấn chấn khủng khiếp, sau đó tôi dựng vở hay hơn, máu lửa hơn hẳn. Không tin, cô trở vào TP.HCM mà xem hàng chục vở tôi dựng, chuyển thể từ các tác phẩm thuộc nền văn học hiện thực phê phán của văn học Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930 – 1945, thí dụ các tác phẩm xuất sắc: Bỉ vỏ, Số đỏ, Kép Tư Bền, Chị Dậu… rồi các vở: Người đẹp với tên trùm, Nhảy múa với quỷ dữ...
Còn nếu không, thì chịu khó phiêu du, đi xem tôi đang làm vở cùng lúc cho Hà Nội, Hải Dương, Hà Tây, Quảng Ninh: Con kẻ phạm tội, Người con cô đơn, Biển khổ, Đứa con oan nghiệt,... với đủ loại: kịch, tuồng, chèo, cải lương… như cách làm dồn dập, liên tiếp đưa bóng vào lưới, hệt kiểu túc cầu của tôi xưa nay.
Thế rồi, nghe tiếng còi xe ngoài cửa, trước khi ngoắc tay xi nhan qua cửa sổ tiệm Paris Dely cho lái xe biết mình đã sẵn sàng ra xe, lên đường đi Hải Dương dựng vở, ông chỉ kịp ký tặng tôi hai tập kịch vừa xuất bản: Người mẹ trước vành móng ngựa (phóng tác) và Người yêu tôi là hoa hậu (sáng tác). Tôi chưa kịp cám ơn ông về cuộc chuyện trò, chỉ kịp nhìn đuôi tóc dài buộc sau ót kiểu R. Battgio của ông khuất sau kính xe chuyển bánh.
Đúng điệu kết thúc chuyện trò kiểu Doãn Hoàng Giang…và cũng đúng kiểu mà ông chịu ảnh hưởng từ nhà cầm quân thiên tài và kiêu kì bậc nhất của đội bóng MU nức tiếng của nước Anh, mà ông dốc lòng hâm mộ: Murinho.
Và cũng đúng kiểu kết thúc câu chuyện đột ngột và ngang xương của ông - đạo diễn sân khấu Doãn Hoàng Giang - tuổi con Hổ Mậu Dần…Tôi ngờ ông – đã có thể đạo diễn cho mình, thời điểm giã biệt cuộc đời vào chính năm Dần, chỉ còn vài ngày nữa là hết năm Nhâm Dần 2022, tiến sang năm Quý Mão 2023…
Ông hệt như người nông dân đã cày xong thửa ruộng, ngả mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.