Tết ở Ngàn Phe

Hoàng Gái Thứ bảy, ngày 17/02/2018 09:21 AM (GMT+7)
Những ngày cuối tháng 12 Âm lịch, khi những nụ đào đá đua nhau khoe sắc để tô điểm thêm cho bản làng một bức tranh núi rừng dịu dàng và hùng vĩ, cũng là thời điểm bà con người Dao Thanh Y, Thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đón Tết sớm. Tết của người Dao nơi đây kéo dài từ cuối tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng.
Bình luận 0

Theo lời mời đến ăn Tết sớm cùng gia đình anh Tằng Chăn Tào – thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm - chúng tôi cảm nhận rõ nét không khí rộn ràng xuân sang của bản làng người Dao nơi biên giới. Trong cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông miền sơn cước, bà con trong thôn đến chúc Tết nhau không quên dành cho nhau những cái bắt tay, những lời chúc “đón năm mới với nhiều may mắn, hạnh phúc”.

Điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất khi đến nơi “đất rộng, người thưa” này là tình đoàn kết láng giềng, là không khí Tết tràn ngập khắp mọi nhà. Một mùa xuân mới đang về, hứa hẹn mang đến nhiều sự đổi thay trong đời sống của người dân nơi đây.

img

Bắt đầu từ cuối tháng Chạp, thôn Ngàn Phe đã rộn ràng không khí Tết.

Anh Tào chia sẻ: “Trước kia, gia đình tôi khó khăn, chỉ ăn cơm với ít thịt mỡ mua được ngoài chợ. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế như chăn nuôi gia súc, gia cầm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất chất lượng cao hơn, cuộc sống gia đình tôi không còn vất vả như trước nữa. Năm nay, tôi quyết định thịt con lợn gần 1 tạ để mời anh em họ hàng đến chung vui. Ở Ngàn Phe, năm nay có rất nhiều nhà tự mổ lợn vào Tết nên không khí Tết càng nhộn nhịp, vui vẻ hơn”.

Cũng giống như gia đình anh Tào, gia đình anh Tằng Chăn Hếnh cũng đang tất bật các công đoạn dọn dẹp nhà cửa, đun nước và gọi anh em trong thôn đến giúp gia đình anh thịt lợn.

Không giấu được niềm vui khi Tết đến, xuân về, anh Hếnh bộc bạch: “Mỗi khi Tết đến xuân về, tôi lại có cảm giác lâng lâng rất khó tả, vừa háo hức muốn Tết đến thật nhanh để hưởng trọn không khí đón Tết cùng gia đình, nhưng cũng muốn nó trôi qua thật chậm để được cùng gia đình tận hưởng không khí đón Tết đầm ấm, và cùng gia đình đi chúc Tết anh em, họ hàng với mong muốn cùng chúc nhau một năm mới làm ăn thuận lợi”.

img

Nhà nhà bận rộn với việc gói bánh chưng, mổ lợn.

Dường như cái rét cắt da, cắt thịt của vùng cao biên giới không hề ảnh hưởng đến việc đón Tết của bà con nơi đây. Khắp mọi nhà trong thôn Ngàn Phe rộn ràng tổ chức chào đón xuân mới với việc tất bật chuẩn bị các công đoạn để thịt lơn, thịt gà, gói bánh chưng đón Tết. Không khí ấm cúng, thấm đượm tình đoàn kết thôn xóm đã xua đi cái giá lạnh của thời tiết, chỉ còn tiếng nói, tiếng cười của bà con làm rộn rã cả núi rừng.

Bà Lý Thị Hoa chia sẻ: Người Dao chúng tôi cũng tổ chức đón Tết cổ truyền như các dân tộc khác. Tuy nhiên, chúng tôi không đợi đến hôm 30 mới tổ chức Tết, mà từ những ngày cuối tháng chạp này, các gia đình trong thôn bắt đầu tổ chức ăn Tết rồi. Mỗi nhà có thể thịt con lợn, con gà, con ngan rồi mới anh em họ hàng và hàng xóm đến chung vui cùng gia đinh. Chúng tôi cùng nhau ăn như vậy cho đến hết rằm tháng Giêng. Đặc biệt, mỗi người Dao chúng tôi đều tự nhắc nhở nhau, đến Tết bà con nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ, treo cờ Tổ quốc”. Bà Hoa cũng cho biết thêm, Tết ở bản Dao chan chứa những niềm vui thật bình dị, bình dị từ những cái nắm tay, từ những mâm cơm mời nhau, đến cả những cái bánh chưng trong từng mâm cỗ.

img

Bánh cho mùa Tết cổ truyền của người Dao Thanh Y ở đây là loại bánh chưng gù.

Để có được những chiếc bánh chưng thơm, ngon, bà con trong thôn đã chuẩn bị rất công phu và chu đáo với nhiều công đoạn. Từ khâu chọn những hạt gạo nếp nương chắc, mẩy thơm ngon đến miếng thịt, nắm lá cơm lông sao cho vừa với số gạo được ngâm để gói bánh. Khi các công đoạn đã thực hiện xong cũng là lúc các gia đình quay quần bên nhau bên ánh lửa hồng cạnh nồi bánh chưng đậm đà hương vị ngày Tết cổ truyền dân tộc được làm từ chính những hạt lúa vàng do chính tay bà con dân bản gieo cấy. Bên ánh lửa bập bùng và nồi bánh chưng sôi trên bếp, với đồng bào Dao thôn Ngàn Phe, mùa xuân thực sự đã về.

Là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Đồng Tâm, với 93 hộ đều là dân tộc Dao Thanh Y, xuất phát điểm ban đầu thấp, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, thôn Ngàn Phe đã có nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. đời sông vật chất và tinh thần của bà con dân bản ngày càng được cải thiện, không còn tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc.

img

Những gian bếp lúc nào cũng nghi ngút khói.

Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế như chăn nuôi gia súc, trồng rừng nên đã xóa được đói, giảm được nghèo. Năm 2017, toàn thôn có 19 hộ đăng ký thoát nghèo góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của thôn xuống còn 38% hộ nghèo, 13% hộ cận nghèo. Thực hiện các chương trình nhằm đưa thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, từ nguồn vốn của các chương trình 135, đề án 196, năm 2017, thôn Ngàn Phe được đầu tư xây mới trên 1000m mương phục vụ tưới tiêu 2 vụ, làm mới trên 300 m đường dân sinh, xây 4 chuồng trâu thoát nước tự động, hỗ trợ 6 hộ dân hoàn thiện nhà di dãn dân.

img

Bên mâm cơm ngày Tết sum họp gia đình, dòng họ.

Những ngày đón Xuân Mậu Tuất, bên bếp lửa hồng, những người con bản Dao quay quần bên mâm cỗ Tết ấm tình đoàn kết, hương sắc mùa xuân đã ấm nồng trong từng làn gió, mùa xuân sớm vùng biên cương bao giờ cũng ngọt ngào và đậm đà nghĩa tình như thế. Chia tay bà con bản Dảo, chúng tôi cảm thấy ấm lòng từ tình đoàn kết thôn xóm và sự đổi thay trong cuộc sống của đồng bào trên vùng đất còn nhiều gian khó. Một mùa xuân ấm áp đã về trên mảnh đất biên giới Bình Liêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem