Trung Quốc và Việt Nam là quốc gia láng giềng, có nhiều phong tục, truyền thống văn hóa khá tương đồng, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, không hoàn toàn giống nhau, mỗi quốc gia vẫn giữ được những bản sắc văn hóa rất riêng dành cho mình.
Ở Việt Nam, màu đỏ là màu sắc đặc trưng mỗi dịp tết đến, xuân về
Sắc đỏ cũng tràn ngập dịp Tết ở Trung Quốc
Tết cổ truyền của người Trung Quốc cũng giống như Tết của người Việt Nam, được tổ chức theo Âm lịch. Điểm giống nhau đầu tiên khi nói về Tết ở cả hai quốc gia là phong tục trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, đoàn tụ đón năm mới sau một năm làm việc vất vả, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên.
Dịp Tết, người lớn sẽ tặng cho trẻ con những bao lì xì màu đỏ tươi để cầu chúc cho một năm mới may mắn, thành công, nhiều điều tốt đẹp. Ở cả Việt Nam và Trung Quốc, nhắc đến Tết là người ta sẽ nhớ đến màu đỏ, đó chính là màu sắc chủ đạo của Tết Nguyên Đán, được cho là tượng trưng cho sự may mắn. Ngày Tết xưa, người ta vẫn còn giữ phong tục treo câu đối đỏ màu sắc trước cửa cầu chúc điều tốt đẹp trong năm mới.
Phong tục chào đón Tết của người Trung Quốc và Việt Nam cũng khá tương đồng, để có một cái Tết tưng bừng, mọi người đều dành tiền mua quà tặng Tết, đồ trang trí, quần áo, thực phẩm rất nhiều. Mọi gia đình đều lau dọn nhà cửa sạch sẽ để quét đi những điều không may và chào đón các may mắn sắp tới. Cửa sổ, cửa ra vào đều được dán giấy đỏ với câu đối và những từ như "Phúc", "Lộc" và "Thọ".
Mâm cơm tất niên người Việt khác nhau phụ thuộc vào từng gia đình, vùng miền. Ảnh VOV
Với người dân Trung Quốc, bữa cơm ngày Tết cũng là bữa cơm trọng nhất trong năm.
Bữa cơm tất niên đêm Giao thừa và phong tục sáng mùng 1 cũng là điểm giống nhau đặc biệt giữa hai quốc gia. Bữa tối đêm Giao thừa trở thành đại tiệc của gia đình với rất nhiều món ăn từ lợn, gà, sau đó mọi người sẽ đón chờ xem pháo hoa vào thời khắc giao giữa năm mới và năm cũ.
Thời gian ăn mừng Tết có lẽ là điểm khác nhau rõ ràng nhất trong phong tục đón tết ở Việt Nam và Trung Quốc. Ở Việt Nam, không khí đón Tết đã bắt đầu tràn ngập từ sau lễ tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời ngày 23 tháng Chạp. Thông thường, tết sẽ kéo dài đến hết mùng 7 tháng giêng.
Còn ở Trung Quốc, truyền thống đón Tết đến khá sớm, bắt đầu từ 8 tháng Chạp, sau đó kéo dài đến tận 15 tháng giêng.
Từ nguồn gốc ngày Tết của mỗi quốc gia, có thể nhận thấy mỗi nước vẫn giữ được những bản sắc văn hóa rất riêng. Tết truyền thống Việt Nam xuất phát từ nền văn minh lúa nước, coi trọng tiết khởi đầu của chu kỳ canh tác trong một năm, gọi là tiết Nguyên Đán, sau này được gọi thành Tết Nguyên Đán.
Người Việt thích chơi hoa đào, hoa mai dịp Tết
Còn nguồn gốc tết cổ truyền Trung Quốc xuất phát từ truyền thuyết chống lại con Niên (quái vật chuyên quấy phá người dân mỗi dịp đầu năm). Sau này, vào dịp Tết, người ta treo đèn lồng đỏ, đốt pháo nổ, dán chữ đỏ để xua đuổi quái vật.
Phong tục đón Tết ở Trung Quốc khác Việt Nam ở cách trang trí, chẳng hạn như người Trung Quốc xưa có thói quen treo chữ “Phúc” viết trên giấy đỏ lộn ngược. Theo tiếng Hán, nó có nghĩa “Phúc đảo”, đồng âm với từ “Phúc đáo” (nghĩa là phúc đến, may mắn đến). Ở Việt Nam, có đặc trưng là tục xông đất và trồng cây nêu trước nhà ngày Tết để xua đuổi linh hồn ma quỷ khỏi vào nhà quấy nhiễu gia chủ.
Bánh chưng, món ăn không thể thiếu mỗi dịp Tết.
Nếu người Việt thích lấy quất, đào, mai (mang ý nghĩa thịnh vượng, may mắn) trưng chơi ngày Tết thì người Trung Quốc lại thích chơi hoa mơ, thủy tiên, cây cà tím.
Đồ ăn ngày Tết là điểm khác biệt lớn trong văn hóa ngày tết cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc. Ở Việt Nam, bánh chưng và bánh tét, dưa hành, thịt gà… là món ăn đặc trưng truyền thống. Còn ở Trung Quốc, những món mang biểu tượng như cá (ngư- đồng âm với dư thừa của cải), bánh cảo, bánh Du Giác (há cảo năm mới), mì Trung Hoa (mang ý nghĩa trường thọ)… sẽ là những món xuất hiện trên bàn trong năm mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.