Theo anh Thỏa nuôi cá lóc mõm nhím tăng trọng nhanh, dễ nuôi nhưng để cho cá luôn khỏe mạnh, thân hình cân đối, kích cỡ đồng đều thì nguồn nước sạch rất quan trọng.
Do vậy, định kỳ 5 – 10 ngày anh tiến hành thay nước và dùng chế phẩm sinh học đánh diệt khuẩn ao nuôi. Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, anh bật máy đảo nước thường xuyên để tránh hiện tượng phân tầng nước và tránh cho cá bị bỏng nước dẫn đến chết.
Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) có 2 mô hình nuôi cá lóc mõm nhím mật độ cao gắn với bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Hồng Diện
Anh Thỏa cũng rất kỹ lưỡng chọn loại thức ăn đảm bảo độ đạm, giúp cá lớn nhanh, tránh tình trạng ăn thịt lẫn nhau. Nhờ việc tuân thủ nghiêm các quy trình trong quá trình thả nuôi nên đến thời điểm này, cá lóc của gia đình anh sản lượng ước đạt gần 30 tấn. Với 15 vạn con cá lóc thả trên diện tích 2.500 m2, giá bán hiện tại từ 40-45 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi hơn trăm triệu đồng.
Với diện tích 3.000 m2 nuôi cá truyền thống nhưng hiệu quả không cao nên anh Phạm Văn Phú ở xóm 9, xã Quỳnh Hưng cũng tìm hiểu và được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ về kinh phí nên chuyển sang nuôi cá lóc mõm nhím. Để có nguồn nước cấp vào ao nuôi kịp thời thì anh Phú đã dành 1.000 m2 để làm ao lắng trữ nước. Sau khi xử lý ao, gây màu nước anh đã tiến hành thả 25.000 con giống.
Anh Phạm Văn Phú cho biết: Quá trình nuôi, luôn kiểm tra đăng cống, bờ ao chống rò rỉ và đảm bảo mực nước đạt 1,5 m trở lên. Đến khi cá trưởng thành, anh cắt giảm thức ăn từ 80 – 90%.Sau những trận mưa lớn, anh Phú rải vôi xuống ao, xung quanh bờ diệt mầm bệnh gây hại cho vật nuôi. Đồng thời, tích cực chạy máy phun mưa, thay nước mới, giúp môi trường ao nuôi luôn sạch.
Hàng ngày, anh trộn Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá, phòng bệnh nấm mang, sưng phù nề, bệnh đường ruột.
Dự kiến 10 ngày tới, sau gần 7 tháng thả nuôi anh Phú sẽ kéo bán toàn bộ cá lóc, với sản lượng ước đạt 10 tấn, tổng thu gần 500 triệu đồng. Trừ tiền mua thức ăn, giống thì cho gia đình anh lãi hơn trăm triệu đồng, cao gấp 5 – 7 lần thu nhập so với cá trắm, mè, rô phi.
Nuôi cá lóc mõm nhím tăng trọng nhanh, dễ nuôi với kích cỡ đồng đều. Ảnh: Hồng Diện
Từ hiệu quả rõ rệt ở hai mô hình trên và hàng chục hộ nuôi cá lóc mõm nhím xen lẫn các loại giống khác ở các xã như Quỳnh Diễn, Quỳnh Hậu, Quỳnh Bá... huyện Quỳnh Lưu đang đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa con cá lóc trở thành đối tượng nuôi mới, dần thay thế các loại cá nước ngọt truyền thống, nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Đồng thời, tạo vùng nuôi tập trung để liên kết đại lý tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn, phục vụ nhu cầu trong tỉnh cùng các tỉnh lân cận, nhất là thị trường miền Bắc và Trung Quốc.
Thông qua mô hình trên, Quỳnh Lưu cũng hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi cá lóc thương phẩm có hiệu quả kinh tế cao tại địa phương, để từ đó nhân ra diện rộng. Cùng đó, từng bước hoàn thiện quy trình từ ương nuôi con giống đến nuôi thương phẩm gắn với chế biến, tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị cá lóc thành thương hiệu ở Quỳnh Lưu.
Kích thước cá giống thả nuôi từ 4 – 6 mm. Ảnh: Lê Nhung
Ông Nguyễn Anh Hùng - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Quỳnh Lưu cho biết: Những đặc điểm chính của mô hình này là nông dân có thể nuôi với mật độ cao từ 60 – 70 con/m2 mặt nước; sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp theo hướng VietGap; tổ chức bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân khi cá đạt theo yêu cầu.
Nuôi cá lóc mõm nhím đang là hướng đi mới đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Quỳnh Lưu đang dự tính sẽ có định hướng cụ thể, tạo chuỗi liên kết nuôi cá lóc với đầu vào được kiểm soát, đầu ra được bao tiêu với giá hợp lý, ổn định.
Hồng Diện (Báo Nghệ An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.