Thà sống nghèo ở quê...

Thứ sáu, ngày 09/09/2011 17:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sông có khúc, đời có lúc, nền kinh tế, chuyện làm ăn khi trồi khi sụt là lẽ thường. Kinh tế phát triển, nhà đầu tư nhiều, tiền họ bỏ ra làm ăn rủng rỉnh thì công ăn việc làm dư dả, nhất là ở thành phố. Nhiều người ngồi vỉa hè cắt mía ra bán khúc chẳng những đủ ăn mà còn có tiền gửi về xây nhà ở quê.
Bình luận 0

Đi đấm lưng, gọi là tẩm quất, chỉ vài năm là có cái vốn cưới vợ, lấy chồng. Làm gác cổng cơ quan, nhà tư được mặc đồng phục, vừa oai lại vừa có lương kha khá, so với cảnh lặn lội đồng chua nước mặn thì một trời một vực. Tóm lại, đó là thời “một năm ở quê không bằng một ngày ngồi lê Kẻ Chợ”.

Nhưng kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao thì không chỉ người nhập cư, công việc nắng sớm mưa chiều khốn đốn mà các ông chủ giàu có cũng như cả thiên hạ đều méo mặt. Thất nghiệp thì dân chính gốc thành phố cũng lao đao, huống chi người quê ra tỉnh! Chỉ những kẻ gọi là “nhà quê” nhưng giỏi giang, đạo đức, tin cậy và đặc biệt tháo vát mới qua được khó khăn. Bấy giờ người rời quê mới chợt nhớ tới câu dạy khôn của cha ông: Đừng thấy người ta ăn khoai mà vác mai đi đào!

Đúng vậy. Quê hương là nơi mình sinh ra, lớn lên, thông thuộc mọi ngõ ngách, mọi chiều mọi sáng, có vô số mối quan hệ có thể giúp mình trên đời. Cái quê ấy nuôi sống được cha ông mình, sẽ nuôi được mình nếu biết làm ăn, chăm chỉ, kiên trì và không phụ nó. Tất nhiên, trừ một số vùng quê làm nghề giàu có như Đồng Kỵ, Dương Liễu (miền Bắc), Tân Châu (miền Nam), đã gọi là nhà quê thì đương nhiên mức sống thấp hơn thành phố. Vươn lên không ngừng là đúng, là thức thời. Nhưng không phải cứ thấy người ta sống sướng hơn mình, nhiều tiền hơn, nhiều tiện nghi hơn là ai cũng có thể vươn lên bằng người. Vì thế mà chỗ đứng của mỗi người một khác.

“Ta về ta tắm ao ta” là câu hát bảo thủ của một thời chịu bó tay trước cái nghèo. Nông dân cũng không còn tắm ao nữa mà đã có nước sạch. Trở về với cái ao tù nước đọng là không đúng mà phải vươn ra xa, với sức lao động, với hàng nông sản. Sửa sang quê hương sạch đẹp, kéo khách du lịch về quê mình cũng là một cách vươn xa. Cho nên phải cân nhắc trước khi quyết định rời quê ra tỉnh kiếm sống, kể cả đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Thành thị luôn là cái bẫy phức tạp, người khôn ngoan mới có thể bước qua mà không bị sập. Thà sống nghèo ở quê còn hơn sập bẫy ở thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem