Đến thăm cơ ngơi của gia đình ông Ngô Thanh Quang, sinh năm 1976, trú tại thôn An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy (Thái Bình), không ai nghĩ rằng mới cách đây hơn 20 năm về trước người đàn ông này vẫn là một anh chàng chuyên bán dao dạo để kiếm kế sinh nhai.
Clip ông chủ lò rèn đưa sản phẩm của làng rèn An Tiêm ra thị trường thế giới.
Từ người bán dạo đến ông chủ xưởng rèn
Vượt qua quãng đường hơn 100km, chúng tôi cũng đến được làng rèn An Tiêm nổi tiếng ở xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy. Biết chúng tôi đến nhà ông Quang để tìm hiểu về nghề rèn dao, một người dân địa phương cho biết, nghề rèn ở làng này đã có cách đây từ hơn 700 năm về trước và ông Quang là một số ít người vẫn còn duy trì nghề truyền thống đến tận ngày nay. Những con dao nhà ông Quang làm ra rất sắc và có độ bền cao nên còn được xuất khẩu sang tận sang bên châu Âu nữa.
Vừa dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi thăm quan xưởng rèn, ông Quang kể lại, hơn 20 năm trước ông chân ướt chân ráo bước vào nghề, thời gian đó cũng là quãng thời gian khó khăn đối với nghề rèn ở An Tiêm. Đầu ra gặp khó nên hầu như ai cũng phải tự đi tìm đầu ra riêng cho mình và ông cũng không ngoại lệ. Để bán được hàng ông phải lặn lội khắp các con đường, ngõ hẻm để rao bán từng chiếc dao một.
Nhờ nghề rèn dao truyền thống mà gia đình ông Ngô Thanh Quang ở thôn An Tiêm ăn nên làm ra.
“Ngày mới khởi nghiệp do vốn thì hạn hẹp nên chẳng có tiền thuê thêm thợ, phần lớn tự mình làm hết . Ngày đó nghĩ lại mà thấy cực lắm, ngày thì đi hàng trăm km để bán rao bán dao, tối đến thì lại thức đến khuya rèn dao mới có đủ hàng để mai đi bán, cứ như vậy đến mấy năm trời mới tìm được đầu ra ổn định. Ngày trước, có một lần có việc phải về chỗ mà năm xưa hay bán dao. Thời gian lâu như thế mà bà con ở đấy vẫn còn nhận ra và thậm chí còn hỏi “giờ anh không bán dao nữa à? Dao tốt thế mà không bán nữa cũng tiếc lắm” làm tôi nhớ mãi.”, ông Quang nhớ lại.
Khi nhìn thấy xưởng rèn của mình rộng hàng trăm m2 và hàng chục công nhân đang làm việc, trên gương mặt của ông Quang hiện rõ lên vẻ ngạc nhiên khó tin. Ông ngạc nhiên bởi không hiểu bằng cách nào mà ông từ một người bán dao dạo lại có được cơ ngơi như thế này. Dường như, quãng thời gian khó khăn và nếm trải nhiều trái đắng với nghề vẫn còn ám ảnh trong tâm trí ông, đôi khi lại khiến ông không tin vào những thứ mình làm được.
“Nhiều lúc ngồi nghĩ lại hai vợ chồng tôi còn không tin tại sao mình lại có cơ ngơi như bây giờ, cứ nghĩ giống như trong mơ.”, ông Quang tâm sự.
Trung bình mỗi tháng xưởng rèn của gia đình ông sản xuất được hơn 3 vạn các loại dao khác nhau, mỗi sản phẩm dao động ở mức từ mức 15.000 -35.000 đồng.
Xây nhà lầu, sắm xe hơi xịn nhờ thổi bễ rèn dao
Ông Ngô Thanh Quang chia sẻ, trung bình mỗi tháng xưởng rèn của gia đình ông sản xuất được hơn 30.000 các loại dao dân dụng khác nhau. Mỗi sản phẩm dao động ở mức từ mức 15.000 -35.000 đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong nước.
Ngoài ra mỗi tháng gia đình ông Quang còn xuất sang thị trường châu Âu, Cộng hòa Liên bang Đức hàng nghìn sản phẩm dao dân dụng chất lượng cao với giá từ 50.000 - 150.000 đồng/sản phẩm. Tính ra xưởng rèn của gia đình ông Quang có doanh thu lên tới hơn nửa tỷ đồng/tháng.
"Nhờ nghề rèn mà gia đình tôi ăn nên làm ra và có được cơ ngơi như ngày hôm nay, tôi cũng rất vui mừng khi là một trong những người duy trì và phát triển nghề rèn truyền thống của cha ông để lại.", ông Quang vui vẻ nói.
Cũng theo ông Quang, về dao xuất sang thị châu Âu- một trong những thị trường cực kì khó tính thì sau một thời sử dụng, khách hàng bên đó họ rất hài lòng về chất lượng dao như độ bền cao, lưỡi dao lại rất sắc. Đặc biệt, khách hàng bên đó người ta lại rất thích về tay nắm của dao và khuya dao, tay nắm được làm thủ công và lại chất liệu bằng gỗ tạo cảm giác êm, thật tay khi cầm và có tính truyền thống.
Ông Ngô Thanh Quang (sinh năm 1976), trú tại thôn An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, Thái Bình) đang miệt mài rèn từng con dao. Ông Ngô Thanh Quang là một trong những hậu duệ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, giá trị kinh tế của nghề rèn truyền thống làng An Tiêm.
Nói thêm về chất lượng sản phẩm, ông Quang cho hay, những con dao được sản xuất từ xưởng của gia đình ông sử dụng vật liệu thép carbon, dưới bàn tay người thợ lành nghề, trải qua 22 bước như đánh nóng tạo phôi, đàn, trôi, mài... theo phương thức bí truyền làng nghề và của riêng nghệ nhân để tạo nên thành phẩm.
Nếu như sắc bén và khả năng giữ độ sắc lâu là điểm mạnh của thép carbon thì han rỉ là nhược điểm lớn nhất của loại thép này khi sử dụng để chế tạo dao thủ công. Nhờ kinh nghiệm của nghệ nhân trong quá trình chọn thép, xử lý nhiệt, xử lý bề mặt... cùng những hướng dẫn sử dụng đi kèm, sản phẩm của xưởng đã hạn chế hơn 70% sự han rỉ so với dao thủ công truyền thống trên thị trường.
Không dừng lại ở những loại chất liệu phổ thông, cán dao được ông Quang sử dụng các loại gỗ lim, nghiến, xoan..., tùy theo kiểu dáng, chủng loại và yêu cầu của khách hàng.
“Tôi rất vui mừng khi là một trong những người tiếp nối và duy trì nghề rèn truyền thống của quê hương và lại làm giàu từ nghề mà cha ông để lại.”, ông Quang tâm sự.
Ông Ngô Thanh Quang cũng là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10 năm 2019.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.